Toàn cảnh họp báo Chính phủ(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 6/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.
Tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi về vụ việc quảng cáo sai sự thật của kẹo rau củ Kera của Quang Linh Vlog, Hằng Du mục và hoa hậu Thùy Tiên vừa xảy ra, đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho biết có cơ chế hay đề xuất gì để quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn việc người có ảnh hưởng trong xã hội tham gia quảng cáo?
Trả lời tại họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lê Hải Bình cho rằng, người nổi tiếng tham gia quảng cáo là một hiện tượng thường thấy trong cuộc sống. Gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội, những người có ảnh hưởng, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thực hiện quảng cáo trên mạng xã hội càng ngày càng trở thành xu hướng phổ biến.
Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây đã có nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý các tồn tại, hạn chế trong hoạt động này. Đơn cử trong tháng 6/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người tham gia hoạt động nghệ thuật trên mạng xã hội.
Với thực tiễn càng ngày càng có nhiều cái mới, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Theo đó, dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Trong đó nổi bật là người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm, có xác minh cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo. Bộ cũng dự kiến trong nghị định liên quan đến triển khai Luật Quảng cáo có điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động của những người nổi tiếng và các nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên mạng, dự kiến tăng chế tài liên quan đến mức xử phạt hoặc cấm không cho quảng cáo, thậm chí có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật và hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội.
Cũng tại họp báo, về việc xóa bỏ chính quyền địa phương cấp huyện thì mô hình quản lý sẽ được triển khai như thế nào để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, sẽ kết thúc chính quyền địa phương cấp quận, huyện, trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại, điều chuyển các cán bộ ở cấp huyện và có thể có một số cán bộ ở cấp tỉnh. Các thủ tục hành chính trước đây liên quan đến người dân, doanh nghiệp cấp huyện được chuyển về cấp xã để giải quyết. Trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương cấp xã sắp tới, có một trung tâm phục vụ hành chính công để giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, bao gồm các ứng dụng công nghệ thông tin liên quan để giải quyết thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp.
Về tình hình tăng trưởng kinh tế quý đầu năm 2025 và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025, dự kiến kết quả thu hút FDI năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng, quý 1 có rất nhiều ngày nghỉ, nhưng tăng trưởng đạt 6,93%, gần sát với kịch bản tăng trưởng, đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, ghi nhận sự đồng hành của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị. Cho dù chúng ta tiếp tục gặp khó khăn ngay từ ngày đầu tháng 4, nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu và quyết tâm không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của năm 2025, cố gắng phấn đấu đạt từ 8% trở lên. Đó là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tiếp theo cho từng ngành, từng lĩnh vực, phân bổ cho các địa phương và cho các khu vực. Tính chung, Bộ Tài chính xây dựng quý 2 đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8,3%, lần lượt quý 3, quý 4 là 8,3% và 8,4%. Kịch bản này rất thách thức nhưng có lý do để chúng ta có thể đạt được.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, kết quả quý 1 tuy chưa đạt mục tiêu kịch bản cao nhưng chúng ta có cơ sở để tiếp tục phấn đấu và Bộ Tài chính kỳ vọng, mong muốn là hơn 8% nên lấy mốc 8% làm mục tiêu xây dựng các kịch bản tương tự, coi đấy là kịch bản cơ sở. Chắc chắn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cố gắng phấn đấu đạt cao hơn mức đề ra.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Ngọc ThưởngVề thu hút đầu tư nước ngoài, quý 1 đạt gần 1 tỷ USD, tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, vốn thực hiện đã đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ, vốn FDI thực hiện riêng để đầu tư khoảng 4,96 tỷ đô la; tăng 72% so với cùng kỳ. Chính sách thuế của Hoa Kỳ cũng là yếu tổ ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định, nhưng với nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài. Mục tiêu năm 2025 vẫn là tăng 35-40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27-28 tỷ USD.
Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã thông tin về việc nhiều trường THCS, THPT sẽ dạy 2 buổi/ngày, thay vì chỉ áp dụng với cấp tiểu học như hiện nay. Thứ trưởng cho biết, buổi học 2 phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh học sinh, còn buổi 1 thực hiện các giờ học chính khóa, vì học sinh THCS, THPT có nhu cầu khác nhau. Đến thời điểm này, Bộ mới đang khảo sát nghiên cứu, chưa có tuyên bố THCS, THPT bắt buộc phải học buổi 2. “Nơi có điều kiện thì tổ chức học 2 buổi nhưng bảo đảm nguyên tắc, yêu cầu như đã nói. Bộ sẽ sớm có văn bản hướng dẫn chỉ đạo. Còn theo khảo sát đánh giá, yêu cầu THCS, THPT bắt buộc học 2 buổi/ngày chưa phù hợp vì ta chưa đủ 3 điều kiện tối thiểu, đáp ứng nhu cầu học sinh”, Thứ trưởng nêu.