Thứ Sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2024

Vai trò của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam

Ngày 30 tháng 10 năm 1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được quân dân Phú Yên tổ chức giải thoát đưa về Căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh). (Nguồn: PGS.TS Trần Minh Trưởng, ThS. Nguyễn Thị Giang, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2014.)

(Thanhuyutphcm.vn) - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An.

Sau thời gian học tại một trường tiểu học ở Mỹ Tho, ông được gia đình cho sang Pháp học vào năm 1921. Năm 1932, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật hạng ưu. Năm 1939, ông tiếp tục thi đỗ kỳ sát hạch của luật sư Đoàn và bắt đầu mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi Nam Bộ kháng chiến bùng nổ ngày 23 tháng 9 năm 1945, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ mời ra chiến khu Đồng Tháp Mười. Năm 1947, dưới sự chỉ đạo của Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc hợp pháp nghề luật sư của mình.

Ông bị địch bắt lưu đày tại nhiều vùng hiểm trở xa xôi ở Mường Tè (Lai Châu) rồi ở Củng Sơn (Phú Yên)… Ngày 30 tháng 10 năm 1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được quân dân Phú Yên tổ chức giải thoát đưa về Căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh). Sau thời gian ngắn nghỉ ngơi, luật sư bắt tay vào công việc để nắm bắt tình hình thực tiễn. Ông đã dành nhiều thời gian để đọc báo cáo về phong trào của các địa phương Trị Thiên, khu Nam Bộ và các phong trào đấu tranh trong đô thị miền Nam; lần lượt nghe các đồng chí phụ trách các ngành, các chuyên gia quân sự, chính trị báo cáo về tình hình của địch và ta từ năm 1954 đến năm 1962; tình hình thế giới, đặc biệt là thái độ của các cường quốc đối với việc thi hành Hiệp định Genève.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc Báo cáo chính trị - văn bản pháp lý đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận, năm 1962.  (Nguồn: PGS.TS Trần Minh Trưởng, ThS. Nguyễn Thị Giang, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2014) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc Báo cáo chính trị - văn bản pháp lý đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận, năm 1962. (Nguồn: PGS.TS Trần Minh Trưởng, ThS. Nguyễn Thị Giang, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2014)

Từ nhận thức thực tiễn về lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhận định cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam hiện nay còn phải lâu dài, gian khổ, nhưng với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa nhân dân miền Nam có điều kiện thuận lợi để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra. Vấn đề là phải xây dựng đường lối, chủ trương đúng đắn để tập hợp được đông đảo đồng bào miền Nam vào Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đồng thời phải tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của anh em bè bạn khắp năm châu[1]. Luật sư đã chủ trì nhiều cuộc họp, tập trung trí tuệ soạn thảo báo cáo chính trị, bổ sung chương trình hành động phù hợp với tình hình mới để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1962 ở Tây Ninh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đọc bản Báo cáo chính trị quan trọng và công bố Chương trình hành động bổ sung của Mặt trận. Báo cáo của luật sư là văn bản pháp lý chính thức, đầu tiên được công bố rộng rãi trên thế giới, trở thành nền tảng pháp lý cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam. Cũng tại đại hội này, ông được bầu làm Chủ tịch Mặt trận. Việc chọn người lãnh đạo cho vị trí Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận vốn dĩ rất quan trọng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị tham khảo ý kiến của Khu ủy Khu 5 và Xứ ủy Nam Bộ.

Thủ lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng phải hội tụ đầy đủ đức độ và tài năng, người có thể đảm đương vị trí này là luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Với những hoạt động cách mạng tích cực, là người có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng nên luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ lâu đã lọt vào “tầm mắt” của chính quyền Ngô Đình Diệm. “Khi ở Pháp, Thọ đã có liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp, về Sài Gòn vẫn ngấm ngầm liên lạc, khi Đảng Cộng sản Việt Nam tức Đảng Lao động Việt Nam ra đời, Thọ đã trở thành một đảng viên có uy tín… Thời gian Thọ bị bắt giam, chính quyền Việt Minh sau này là nhà cầm quyền Hà Nội thường xuyên theo dõi tin tức và cố tìm cách giải thoát cho y… ”[2]. Tổng Cục chiến tranh chính trị của chính quyền Sài Gòn ghi chép kỹ lưỡng như vậy về tiểu sử và quá trình hoạt động của người cộng sản tài ba Nguyễn Hữu Thọ, và đây cũng là điều dễ hiểu.

Với vai trò Chủ tịch Mặt trận, luật sư Nguyễn Hữu Thọ không ngừng quan tâm chỉ đạo mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời chú trọng đến việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Ông đã nhiều lần đi thị sát, trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các đơn vị quân giải phóng miền Nam; bàn bạc cùng với các tướng lĩnh trong Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam để xây dựng kế hoạch nhằm phá ấp chiến lược của Mỹ - Diệm. Dưới sự chỉ đạo của Mặt trận - đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã góp phần làm nên những thắng lợi quan trọng của quân và dân miền Nam như chiến thắng Ấp Bắc tháng 01 năm 1963, chiến thắng Ba Gia, Bình Giã năm 1964, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, buộc Hoa Kỳ phải “thay ngựa giữa dòng” mà vẫn rơi vào thế lúng túng.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (người thứ nhất, bên phải) tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai, năm 1964.  (Nguồn: PGS.TS Trần Minh Trưởng, ThS. Nguyễn Thị Giang, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2014.) Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (người thứ nhất, bên phải) tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai, năm 1964. (Nguồn: PGS.TS Trần Minh Trưởng, ThS. Nguyễn Thị Giang, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2014.)

Tháng 11 năm 1964, Đại hội lần thứ hai Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam diễn ra tại một địa điểm gần xóm Giữa, tỉnh Tây Ninh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Trong thời gian này, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ thường xuyên có mặt ở Bộ Chỉ huy quân sự Miền, cùng bàn bạc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chiến lược, kế hoạch chiến đấu để đánh bại kẻ thù.

Sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, nghe theo lời hiệu triệu của Mặt trận, hàng loạt các nhân sĩ, trí thức, các nhà tu hành có uy tín, các giới chức tiêu biểu ở Sài Gòn và nhiều thành thị ở miền Nam đã ra vùng giải phóng, lập ra Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.

Để khuếch trương thanh thế của cách mạng miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Cục, trên cương vị Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ làm Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã tiến hành hiệp thương với đoàn đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Trưởng đoàn. Hai bên thống nhất cùng hành động để mở rộng hơn khối đại đoàn kết toàn dân, đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam đến thắng lợi cuối cùng.

Với tính cách hào hiệp, hiên ngang và giản dị của người con vùng đất Nam Bộ, với tài năng và bản lĩnh của một nhà tri thức chân chính, luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành người lãnh đạo có uy tín, là linh hồn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận đã rèn luyện và tạo uy tín lớn lao ngang tầm với vai trò lịch sử của luật sư Thọ. Chính con người luật sư Nguyễn Hữu Thọ với trí tuệ và đức độ của mình làm cho thanh thế của Mặt trận nâng cao và vang xa khắp bốn phương. Thời thế tạo nên người anh hùng và người anh hùng cùng đẩy mạnh thời thế là vậy.

Ông được người dân cả nước và thế giới biết đến là một chính khách tài ba, là ngọn cờ tập hợp các lực lượng yêu nước và cách mạng ở miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mặc dù chưa một lần nào gặp Bác Hồ nhưng điều may mắn và cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất luật sư Nguyễn Hữu Thọ được ông khẳng định là “đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người dẫn dắt từ khi lớp thanh niên trí thức chúng tôi còn bàng hoàng trước ngã ba đường trong đêm dài nô lệ”[3].

Ông là biểu tượng của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, thống nhất của dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của đồng bào mình. Con đường luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chọn là con đường cách mạng vì sự nghiệp thống nhất nước nhà, đem lại độc lập, tự do cho nhân dân. Con đường thế hệ trẻ hôm nay đang đi hẳn là bớt chông gai, gian khổ đấu tranh vì nền độc lập, tự do; được hưởng nền hòa bình, thống nhất, được tạo mọi điều kiện để phát triển trên cơ sở kế thừa công lao, đóng góp của thế hệ cha ông, trong đó có những đóng góp to lớn luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Giá trị của nền hòa bình, độc lập, tự do mà luật sư Nguyễn Hữu Thọ theo đuổi là bài học vô giá để chúng ta thêm trân trọng và phát huy trong bối cảnh mới của đất nước.

Sơn Thủy

---------------------------------------

[1] PGS.TS Trần Minh Trưởng, ThS. Nguyễn Thị Giang, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2014, tr.100.

[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Tổ chức, hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam qua tài liệu, tư liệu lưu trữ (1960-1975), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr.153-154.

[3] Nguyễn Hữu Châu, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ hành trình yêu nước, Nxb Trẻ, H.2012.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo