Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu giải trình về những vấn đề có liên quan, chiều 7/6

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 7/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN). Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt, nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm đến vấn đề cơ chế, chính sách cho các nhà khoa học đầu ngành; Quỹ phát triển KHCN.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cho rằng, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược về phát triển KHCN. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học còn băn khoăn về những cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học… ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nêu, báo cáo của Bộ KHCN cho biết đội ngũ cán bộ KHCN có tăng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Đây là một vấn đề không mới nhưng vẫn rất nhức thối.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KHCN đã bãi bỏ quy định các nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ trong 2 năm tiếp theo. Điều này thể hiện Bộ KHCN rất quan tâm đến tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành KHCN để có những quy định tiến bộ, phù hợp. Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực KHCN, Bộ trưởng khẳng định, điểm cốt lõi là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính. Đồng thời giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Nhấn mạnh khoa học là con đường ngắn nhất đi đến thịnh vượng, Bộ trưởng cho biết bộ hết sức cố gắng để động viên các nhà khoa học tham gia một cách tích cực vào các hoạt động thiên chức của mình là nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng cũng kiến nghị các cấp chính quyền tin tưởng hơn nữa, giao nhiều trọng trách, nhiệm vụ, cơ chế hơn nữa cho các nhà khoa học một cách thỏa đáng, để lực lượng này phát huy được năng lực, đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước. 

Vấn đề Quỹ phát triển KHCN cũng được nhiều ĐB chất vấn. ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, gần 10 năm thành lập Quỹ nhưng vẫn là tình trạng thiếu tiền thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong khi nguồn lực dành cho KHCN còn nhiều khó khăn, việc doanh nghiệp không mặn trích lập và sử dụng Quỹ; cơ cấu chi của Quỹ cũng còn bất hợp lý khi nội dung chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án (chiếm tới 84,4%), còn các khoản chi cho hỗ trợ phát triển KHCN tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo quy định, doanh nghiệp trích kinh phí cho Quỹ này. Giai đoạn 2015-2021, tổng số doanh nghiệp trích quỹ là 1.281, chiếm 0,14% trên tổng số doanh nghiệp cả nước, giải ngân chỉ đạt 60%. Việc trích quỹ thực hiện chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, trong khi đó phương thức để trích lập và sử dụng quỹ còn khó khăn nên việc trích lập quỹ không được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Mặc dù Bộ Tài chính và Bộ KHCN đã ban hành thông tư nhưng đến nay chưa thút hút thêm các doanh nghiệp tiến hành trích lập quỹ. Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội có chính sách hiệu quả hơn, trong đó cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất kinh doanh, có như vậy, việc miễn giảm thuế mới thu hút được các doanh nghiệp.

Đối với chất vấn về việc dành kinh phí cho các nhiệm vụ KHCN, Bộ trưởng lấy ví dụ năm 2023 tổng chi thường xuyên cho KHCN 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 8.800 tỷ đồng, địa phương là khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong 8.800 tỷ ngân sách trung ương, chi hỗ trợ cho lương và hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ đồng, như vậy tỷ lệ cho các nhiệm vụ KHCN chiếm 89 %…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình

Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Trung ương đã chi theo đúng quy định theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công; việc bố trí có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2023, tỷ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,82%, trong khi đó Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho KHCN, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm. Điều này cho thấy, các bộ, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này.

Cùng giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thừa nhận về những tồn tại trong lĩnh vực này, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực KHCN chưa hiệu quả, nếu so với thế giới có thể chúng ta đang ở mức thấp nhất. Do vậy, cần gia tăng áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng: chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức. Tương tự, việc quản lý các Quỹ trong lĩnh vực này cũng cần đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo tính ổn định, bền vững của Quỹ…

Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang chỉ đạo tổng kể các chính sách lớn trong lĩnh vực này, các ý kiến của các ĐBQH sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để có những đề xuất chính sách tốt hơn để triển khai trong thời gian tới.

Kết luận nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chất vấn về KHCN có số lượng kỷ lục ĐBQH đăng ký với 122 ĐB. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị tư lệnh ngành KHCN từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV (từ kỳ họp thứ 10), nhưng đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Là một nhà khoa học và cũng từng lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM - một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của nước ta, Bộ trưởng nắm rất chắc thực trạng lĩnh vực quản lý, càng trả lời càng hay hơn, tự tin hơn và trả lời đầy đủ, thẳng thắn, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới. 

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, lĩnh vực KHCN vẫn còn nhiều vướng mắc; việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của KHCN còn nhiều hạn chế như thị trường KHCN phát triển còn chậm, ít có tổ chức trung gian uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung - cầu. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhưng hiện nay vẫn hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Tổng đầu tư xã hội cho KHCN và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đội ngũ cán bộ KHCN tuy tăng số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành… Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị qua phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KHCN, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo