Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân

Quang cảnh tọa đàm.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 4/9, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Thực hành dân chủ ở cơ sở (DCOCS) trên địa bàn TPHCM hiện nay thực trạng và kiến nghị”. Đến dự có Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai; Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Thực hiện dân chủ cơ sở đạt được nhiều kết quả

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà cho rằng, đối với TPHCM, việc thực hiện DCOCS là mục tiêu và động lực quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển TP, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực. Đây cũng là động lực để người dân tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển TP.

Đồng chí Nguyễn Thị Hà cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện DCCS trên địa bàn TP đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, đây cũng là nội dung cần được tiếp tục thực hiện sâu sắc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nhằm thực hiện mục tiêu vì hạnh phúc của Nhân dân…

Tại tọa đàm, các đại biểu trao đổi, chia sẻ về những hạn chế, khó khăn trong thực hành dân chủ trên địa bàn TPHCM hiện nay; vai trò của các chủ thể trên địa bàn TP trong việc thực hiện dân chủ cơ sở. Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm phát huy vai trò của các chủ thể, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong thực hành dân chủ ở TPHCM hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai điều hành thảo luận tại tọa đàm. Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai điều hành thảo luận tại tọa đàm.

Một số ý kiến cho rằng, thực hành DCOCS cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện DCOCS; chú trọng đến giám sát hoạt động của chính quyền địa phương, giám sát việc công khai những nội dung nhân dân được biết, được góp ý bàn bạc trước khi quyết định ban hành; vận động nhân dân, đoàn viên hội viên thực hiện tốt quy chế, hương ước, quy ước ở địa phương; tham gia có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần đảm bảo sự đoàn kết, đồng thuận ở địa phương.

Nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương, nhất là quan tâm kiện toàn về cơ cấu, tổ chức Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, lựa chọn thành viên có tâm huyết, hiểu biết pháp luật, trung thực, tự nguyện, có tinh thần trách nhiệm và xây dựng để thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội với những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân và những lĩnh vực bức xúc, nhân dân quan tâm phản ánh; giám sát đối với những ý kiến, kiến nghị nhân dân đã phản ánh.

Một số ý kiến cũng đề nghị cần phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng chính quyền điện tử; tích cực tham gia với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh tại địa phương, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, thường xuyên gắn việc thực hiện DCOCS với thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Trưởng phòng Dân vận của hệ thống chính trị Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Thị Hồng Nguyệt phát biểu tham luận tại tọa đàm. Trưởng phòng Dân vận của hệ thống chính trị Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Thị Hồng Nguyệt phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Công khai, minh bạch các hoạt động dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

Chia sẻ về thuận lợi, khó khăn trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên địa bàn TPHCM, Trưởng phòng Dân vận của hệ thống chính trị Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Thị Hồng Nguyệt cho rằng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là chính quyền cơ sở, phần lớn đều nhận thức được việc thực hiện và phát huy DCOCS là cần thiết, là phương thức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị…

Theo đồng chí Trần Thị Hồng Nguyệt, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về thực hiện dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phải tiến hành sâu, đúng, trúng, nhất là người  đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; cần phải xây dựng được những quy định, quy chế, nội quy sát hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị, quá trình xây dựng cần phát huy trí tuệ của cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân, làm cho mọi người nhận thức được quyền làm chủ của mình để tự nguyện, tự giác thực hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà báo cáo đề dẫn tại tọa đàm. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà báo cáo đề dẫn tại tọa đàm.

Cũng theo đồng chí Trần Thị Hồng Nguyệt, cần công khai, minh bạch các hoạt động, nhất là các lĩnh vực, nội dung nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, các nguồn quỹ do Nhân dân đóng góp…; tăng cường trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm chăm lo đời sống, giải quyết những vấn đề bức xúc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ về giải pháp, kinh nghiệm thực hiện DCOCS gắn với công tác dân vận của chính quyền trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho rằng, cần thường xuyên quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về thực hiện DCOCS và công tác dân vận của chính quyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị nêu gương thực hiện quy chế DCCS; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính; phân cấp, ủy quyền gắn với ràng buộc trách nhiệm để việc thực hiện nhiệm vụ được hiệu quả hơn, giải quyết công việc một cách thuận tiện, nhanh chóng hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Văn Vũ phát biểu tại tọa đàm Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Văn Vũ phát biểu tại tọa đàm

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thắm cũng cho rằng cần kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các “điểm nóng”, vụ, việc phức tạp, kéo dài; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho Nhân dân; xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Để việc triển khai thực hiện Luật Thực hiện DCOCS trên địa bàn TP đạt hiệu quả trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Văn Vũ cho rằng, TP cần quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực để tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn TP phù hợp thời kỳ chuyển đổi số, trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện DCOCS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ về thực hiện DCOCS cho đội ngũ làm công tác này, trong đó chú trọng bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đổi mới về hình thức, nội dung bồi dưỡng, tập huấn.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo