Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 04 tháng 7 năm 2002 về Chương trình hành động của thành ủy thực hiện Nghị quyết trung ương 5 - khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Năm năm qua, kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới đã hình thành và phát triển với nhiều hình thức, trình độ, quy mô, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đáp ứng một phần nhu cầu của người lao động, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, kinh tế tập thể đa phần có quy mô nhỏ, vốn ít, hoạt động thiếu ổn định, hiệu quả và lợi ích phân chia cho các thành viên còn hạn chế, chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội của Thành phố. Các cấp ủy và chính quyền còn nhận thức và quản lý, điều hành kinh tế tập thể theo kiểu cũ; công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn lúng túng; tâm lý hoài nghi, đánh giá thấp kinh tế tập thể còn khá phổ biến trong cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, nên thiếu quan tâm củng cố và tạo điều kiện để phát triển loại hình kinh tế này. Việc tổ chức thi hành Luật Hợp tác xã, quan tâm tháo gỡ khó khăn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để phát triển kinh tế hợp tác chưa tốt; việc bố trí cán bộ chưa tương xứng, chưa dành những điều kiện thuận lợi cho Liên minh các Hợp tác xã Thành phố hoạt động nên hiệu quả không cao.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đề ra chương trình hành động từ nay đến năm 2005 như sau :

I. DỰ BÁO XU HƯỚNG, QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN :

1/ Dự báo xu hướng phát triển : Kinh tế hộ sẽ phát triển mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, làm gia tăng nhu cầu liên kết, hợp tác với những hình thức, quy mô khác nhau. Xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhu cầu hợp tác trong sản xuất kinh doanh sẽ gia tăng và gắn liền với đòi hỏi hiệu quả của sự hợp tác.

2/ Quan điểm phát triển :

- Hướng trọng tâm vào củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã hiện có; chú trọng nâng “chất” là chính, không chạy theo số lượng.

- Các hợp tác xã hoạt động chủ yếu là cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra, hoặc cả hai tùy theo điều kiện cụ thể và tính chất của việc sản xuất kinh doanh; do vậy, quy mô và hình thức hợp tác phải đa dạng, phong phú.

- Tuân thủ triệt để các nguyên tắc “ Tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi” trong xây dựng, củng cố và quản lý hợp tác xã.

3/ Mục tiêu phát triển : Phấn đấu đến năm 2005 đưa các hợp tác xã thoát khỏi tình trạng yếu kém. Trước mắt, trong năm 2002, tập trung giải quyết 2 vấn đề :

- Rà soát, đánh giá tình hình các hợp tác xã; giải thể các hợp tác xã trá hình, hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả kéo dài.

- Xử lý dứt điểm các tồn tại về tài sản (đất đai, nhà cửa...), các khoản nợ của hợp tác xã.


II. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC :

1/ Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ :

a) Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã thương mại hiện có. Hợp nhất các hợp tác xã thương mại có quy mô nhỏ, lẻ thành các hợp tác xã thương mại liên phường, liên quận. Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ, siêu thị của hợp tác xã liên phường, liên quận trên địa bàn dân cư, nhất là các khu dân cư mới hình thành.

b) Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố đẩy mạnh phát triển các siêu thị trong hệ thống Co.op Mart (dưới hình thức nhà phân phối, tổng đại lý cho các công ty có uy tín trong và ngoài nước để cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho các hợp tác xã) để làm nhân tố thúc đẩy, hỗ trợ các hợp tác xã thương mại phường, quận hoặc liên phuờng, liên quận. Ưu tiên xem xét giải quyết mặt bằng để phát triển hệ thống Co.op Mart.

(Các nội dung trên do Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo thực hiện).

c) Nghiên cứu và xây dựng thí điểm để rút kinh nghiệm phát triển hợp tác xã dịch vụ phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày như :

- Dịch vụ quản lý, bảo vệ trật tự, an toàn các khu chung cư và các công trình công cộng trong khuôn viên dịch vụ; giữ xe, thu gom rác, làm vệ sinh... tại các khu chung cư cao tầng, khu dân cư tập trung.

- Dịch vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các tiểu thương; dịch vụ bảo vệ trật tự, vệ sinh trong chợ; giúp các cơ quan quản lý trong việc đăng ký kinh doanh, thu phí, thuế... đối với xã viên là các tiểu thương buôn bán ở chợ.

- Tổ chức các hoạt động giải trí công cộng, các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao... phục vụ nhu cầu của xã viên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền phường - xã, quận - huyện. Việc tổ chức phải theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản lý, tự lo chi phí bằng nguồn đóng góp của các xã viên thụ hưởng các dịch vụ của hợp tác xã.

(Liên minh các Hợp tác xã Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Thương mại và Ủy ban Nhân dân các quận - huyện thực hiện).

2/ Trên lĩnh vực giao thông - vận tải :

a) Xây dựng và thực hiện đề án hỗ trợ các hợp tác xã về vốn, bến bãi, đổi mới phương tiện.

b) Sắp xếp, củng cố các hợp tác xã hiện có; giải thể số hợp tác xã không còn hoạt động (xe lam, xe thô sơ...).

c) Tổ chức thí điểm mô hình Liên hiệp Hợp tác xã giao thông vận tải đa ngành hoặc chuyên về hành khách, hàng hóa, dịch vụ sửa chữa...

d) Hướng dẫn các hợp tác xã triển khai thực hiện Nghị định 92/2001/NĐ-CP “Về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô”. Thực hiện chuyển đổi đầu xe vận tải hành khách theo phương thức xe buýt, tham gia xây dựng phương án luồng tuyến xe buýt.

(Các nội dung trên do Liên minh các Hợp tác xã Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Giao thông - Công chánh thực hiện).

3/ Trên lĩnh vực nông nghiệp :

a) Căn cứ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản ở các huyện - quận (Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, 9, 12) lập đề án phát triển và tổ chức vận động xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp; ưu tiên xây dựng các hợp tác xã nuôi bò sữa, nuôi tôm, trồng rau sạch (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện - quận và Liên minh các Hợp tác xã Thành phố triển khai thực hiện).

b) Ưu tiên trợ vốn cho Liên hiệp Hợp tác xã bò sữa Gia Định nhằm đẩy mạnh các hoạt động cung cấp dịch vụ : con giống, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc thú y, thức ăn, làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm... để phát triển đàn bò sữa trong xã viên hợp tác xã nông nghiệp và nông dân ngoại thành (Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX bò sữa lập dự án triển khai thực hiện).

c) Khuyến khích phát triển các hợp tác xã dịch vụ tại các chợ đầu mối để giúp người sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp quan hệ với người tiêu dùng (làm đại lý, môi giới...) để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hướng dẫn và định hướng hoạt động cho các tổ hợp tác, tạo điều kiện để các tổ hợp tác liên kết hoặc chuyển thành hợp tác xã; tư vấn cho các tổ hợp tác lập dự án và hình thành cấp liên nhiệm trong vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh (Liên minh các Hợp tác xã Thành phố chủ trì phối hợp với Hội Nông dân Thành phố thực hiện).

d) Ưu tiên dành quỹ đất hợp lý khi quy hoạch các khu dân cư mới để phát triển hợp tác xã dịch vụ, nhà ở và dịch vụ công cộng. Hỗ trợ tổ chức, xây dựng các hợp tác xã, chợ đầu mối về nông nghiệp, thực phẩm, thủy sản của Thành phố để góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp (Liên minh các Hợp tác xã Thành phố phối hợp với các sở, ngành, quận - huyện thực hiện).

4/ Trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp :

a) Tổ chức khảo sát các hộ cá thể, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phường, quận, trên cơ sở đó tập trung củng cố, phát triển các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống có khả năng xuất khẩu hàng hóa; vận động xây dựng mới các hợp tác xã theo ngành nghề.

b) Hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã có phương án đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ sản xuất và di dời ra các khu công nghiệp tập trung.

c) Nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập trung tâm triển lãm, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa thủ công mỹ nghệ.

(Các nội dung trên do Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Liên minh các Hợp tác xã Thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện xây dựng phương án trong tháng 9/2002).

5/ Giải pháp về vốn, tài sản :

a) Hoàn thành đề án thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng hợp tác xã để triển khai hoạt động trong năm 2002.

b) Chỉ đạo xây dựng quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã của Thành phố với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

c) Xây dựng quy hoạch và hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thêm các quỹ tín dụng nhân dân ở các xã, cụm xã (các khu vực chưa có quỹ tín dụng nhân dân); tăng cường vận động nông dân, hộ sản xuất cá thể, tiểu thương, tiểu chủ tham gia thành viên quỹ.

(Ba nội dung trên do Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố chủ trì, phối hợp với Liên minh các Hợp tác xã Thành phố, Hội Nông dân Thành phố thực hiện).

d) Rà soát, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng về đất đai, nhà cửa trước đây được Nhà nước giao cho các hợp tác xã quản lý, sử dụng, nay định giá lại và chuyển giao sở hữu thành tài sản không chia của hợp tác xã.

e) Đối với các hợp tác xã nông nghiệp cần tiến hành giao đất không thu tiền và khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất xây dựng trụ sở, làm cơ sở sản xuất kinh doanh. Hợp tác xã phi nông nghiệp nếu có nhu cầu được tiếp tục thuê dài hạn đất, nhà do Nhà nước quản lý. Đất do các hợp tác xã đầu tư khai phá, tôn tạo, nếu chuyển qua chế độ thuê, được hoàn lại chi phí đã bỏ ra.

(Hai nội dung trên giao Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo thực hiện).

6/ Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ :

a) Tổ chức các hình thức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật Hợp tác xã và chương trình này để nâng cao nhận thức trong nhân dân, cán bộ, đảng viên. Tập huấn cho cán bộ phường - xã, quận - huyện về Luật và cơ chế, chính sách liên quan đến kinh tế tập thể.

b) Trường Cán bộ Thành phố bổ sung kế hoạch đào tạo trong năm 2002 cho các đối tượng là cán bộ quản lý, cán bộ thanh tra, cán bộ nghiệp vụ trong khu vực kinh tế tập thể (kinh phí do ngân sách Nhà nước đài thọ 100%); đồng thời đưa bài giảng về kinh tế tập thể vào chương trình chính khóa của các lớp lý luận chính trị, kinh tế chính trị.

(Hai nội dung trên do Trường Cán bộ Thành phố chủ trì, phối hợp với Liên minh các Hợp tác xã Thành phố thực hiện từ tháng 8/2002).

c) Nghiên cứu quy hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố (giai đoạn I : từ nay đến 2005, giai đoạn II : từ 2005 - 2010). Ưu tiên cho đề án phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn và các hợp tác xã thương mại - dịch vụ chuyên ngành, đa ngành phục vụ đời sống, sinh hoạt khu dân cư (Viện Kinh tế Thành phố, Liên minh các Hợp tác xã phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan và các quận - huyện thực hiện).

d) Hoàn thiện đề án hướng dẫn hoạt động các tổ hợp tác (Sở Tư pháp Thành phố và Liên minh các Hợp tác xã Thành phố thực hiện).

e) Hỗ trợ các điều kiện về địa điểm, tổ chức, bộ máy, kinh phí... để đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm tư vấn hỗ trợ phát triển hợp tác xã; khẩn trương lập đề án xây dựng trang Website về kinh tế tập thể (Liên minh các Hợp tác xã Thành phố thực hiện).

f) Nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức và cán bộ ở phường - xã, quận - huyện, các sở, ngành Thành phố (Giao thông - Công chánh, Công nghiệp, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đoàn thể cấp Thành phố) có chuyên trách chỉ đạo, quản lý kinh tế tập thể.

(Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền Thành phố hướng dẫn cho các cấp, các ngành thực hiện).

g) Nghiên cứu nội dung, phương thức vận động, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác.

(Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy thực hiện trong tháng 8/2002).

III.- VỀ CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, giao cho Ủy ban Nhân dân Thành phố :


1/ Định kỳ 6 tháng/lần làm việc với Liên minh các Hợp tác xã Thành phố, các sở, ngành liên quan và quận - huyện để kiểm tra tình hình thực hiện quy chế phối hợp hoạt động phát triển kinh tế tập thể, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
2/ Chỉ đạo sơ, tổng kết rút kinh nghiệm quá
trình thực hiện chương trình này, báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Thành ủy.

T/M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC

Văn Cương

Tin khác

Thông báo