Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

20/39 điểm giám sát có nguy cơ về sốt xuất huyết

Diễn tiến bệnh sốt xuất huyết năm 2023 tại TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, trong 2 tuần qua tuy chỉ mới xuất hiện vài cơn mưa, nhưng qua giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP (HCDC) về hoạt động phòng chống dịch tại các phường xã đã có 20 điểm nguy cơ (có lăng quăng)  về sốt xuất huyết (SXH) trong tổng số 39 điểm được giám sát, chiếm tỷ lệ trên 50%.

Theo Sở Y tế TP, tỷ lệ trên chắc chắn sẽ cao hơn nữa khi Thành phố bước vào mùa mưa, nếu từng địa phương và mỗi hộ gia đình không quyết liệt diệt muỗi, diệt lăng quăng để kiểm soát dịch. Theo quy luật diễn tiến dịch bệnh SXH  hàng năm tại TPHCM thì mùa cao điểm của bệnh SXH sẽ bắt đầu khoảng tuần thứ 25 (khoảng 2 đến 3 tuần tới) và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm.

Từ thực tiễn nêu trên, HCDC nhận định trong những tháng sắp tới TPHCM đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch rất lớn nếu cả TP không chủ động thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát cả 2 bệnh SXH và tay chân miệng ngay từ lúc này.

Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC tập huấn lại công tác phòng chống dịch cho các trung tâm y tế, trạm y tế; đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến quận huyện phường xã trong các hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, bên cạnh tăng cường hoạt động chuyên môn y tế thì cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các cơ quan đơn vị và từ mỗi gia đình.

Cụ thể, UBND quận, huyện, phường, xã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch như chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống SXH” lần thứ 13/2023 và tiếp tục duy trì hoạt động loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH; tăng cường giám sát hoạt động phòng chống tay chân miệng tại các trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch và xử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống dịch bệnh.

Đối với ngành giáo dục cần tăng cường các hoạt động phòng chống dịch trong trường học. Các sở, ngành cần chủ động triển khai hoạt động phòng chống dịch SXH trong cơ quan, đơn vị và trong phạm vi mình quản lý. Nguy cơ SXH xuất hiện rải rác khắp nơi, chỉ cần một vật đọng nước cũng sẽ thành nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Vì vậy, trong mỗi hoạt động của các sở, ban ngành cần có đánh giá tác động đến môi trường xung quanh, đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh để từ đó có biện pháp giải quyết triệt để.

Với các đoàn thể, mỗi đoàn viên, hội viên lựa chọn hoạt động phòng chống dịch phù hợp và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể nhằm thay đổi hành vi của đoàn viên, hội viên cũng như tham gia các chiến dịch vận động cộng đồng do chính quyền địa phương phát động.

Riêng đối với mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động thực hiện những hành vi phòng bệnh cho bản thân và gia đình như rửa tay bằng xà phòng, truy tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh lăng quăng; ngoài ra gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần thường xuyên vệ sinh khử khuẩn bề mặt và đồ chơi của trẻ. Khi trong gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh truyền nhiễm cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo