Ba đại học lớn ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược gắn với hợp tác của doanh nghiệp(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 3/4, tại Hà Nội, Đại học quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TPHCM và Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược gắn với hợp tác của doanh nghiệp.
Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Mục tiêu là xây dựng ba đại học trở thành các trung tâm xuất sắc về đào tạo nhân lực tài năng, thu hút nhân tài, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và khu vực, với sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp.
Theo đó, ba đại học sẽ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao như phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học các ngành trọng điểm, mũi nhọn theo hướng cùng tổ chức đào tạo (trong thời gian đào tạo của khóa học, các học viên bắt buộc phải học tập, tham gia nghiên cứu tại cả ba đại học và thực tập/thực tế tại doanh nghiệp đối tác) và nghiên cứu đề xuất cơ chế để học viên tốt nghiệp chương trình này có thể nhận văn bằng của cả ba đại học. Cùng với đó, triển khai việc đánh giá, công nhận tín chỉ trong các chương trình đào tạo để tăng cường việc trao đổi sinh viên theo hình thức “du học tại chỗ” (sinh viên của một trong ba đại học có thể theo học, tích luỹ tín chỉ, thực tập/thực tế, tham gia nhóm nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu tại các cơ sở của ba đại học và các doanh nghiệp đối tác).
Ba đại học cũng sẽ hợp tác nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược gắn với thu hút nhân tài, thu hút đầu tư và hợp tác của doanh nghiệp; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành, liên lĩnh vực có sự tham gia của chuyên gia đến từ doanh nghiệp và nhà khoa học quốc tế để cùng triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, hợp tác quốc tế hoặc theo đặt hàng của doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên tập trung nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược có tên sau đây nhưng không hạn chế đối với các lĩnh vực khác: trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, an ninh mạng, chuỗi khối, IoT, 5G/6G, năng lượng, robot và tự động hóa, công nghệ số, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử...
Ba cơ sở sẽ xây dựng và triển khai các dự án, chương trình nghiên cứu liên ngành, liên đại học có sự tham gia hoặc đặt hàng của doanh nghiệp, nhà nước. ĐHQG Hà Nội xây dựng Công viên công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; ĐHQG TPHCM thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo; Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập Tổ hợp trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược.
Phát biểu tại đây, ông Trần Cao Vinh, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng, muốn đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia phải có đầu tư của nhà nước, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, thủ tục phải nhanh. Ông cũng đề nghị các đại học cần được giao tự chủ nhiều hơn; có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư cho đại học cũng như thu hút nhân tài làm việc ở các đại học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã chỉ đạo Bộ lựa chọn ít nhất 3 cơ sở giáo dục đại học để xây dựng mô hình nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, gắn kết 3 nhà: nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Đồng thời, chọn 3 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu để nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, giải quyết bài toán đổi mới quản trị trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực khác nhau.