Đồng chí Cao Thanh Bình kết luận tại buổi giám sát.(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 1/4, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM do đồng chí Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Qua một năm triển khai, mặc dù tiến độ còn chậm, song các sở, ngành và địa phương đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh TP.
Theo Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Trần Khắc Huy, đến nay việc triển khai đề án còn chậm so với mục tiêu. Dự kiến đến cuối năm 2025, TPHCM sẽ đưa vào sử dụng khoảng 2.000 phòng học, đạt 50% kế hoạch, trong đó có 1.200 phòng từ nguồn đầu tư công và 800 phòng từ xã hội hóa. Đặc biệt, đến 30/4, TP sẽ hoàn thành 872 phòng học, chủ yếu là các phòng học được cải tạo, sửa chữa và nâng cấp, bước đầu góp phần cải thiện điều kiện học tập cho học sinh.
Đối với các địa bàn còn áp lực cao về chỗ học, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã ưu tiên bố trí quỹ đất công sạch, đẩy nhanh xây dựng trường học, gắn với nhu cầu thực tế của địa phương. Trong giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giáo dục được TP bố trí khoảng 18.288 tỷ đồng, chiếm hơn 10,6% tổng vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đề án gặp nhiều khó khăn. Các quy định pháp luật liên quan đầu tư công, đất đai, môi trường, giao thông liên tục thay đổi; hầu hết các dự án trường học đều liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, quy trình kéo dài, chi phí tăng cao. Bên cạnh đó, tại nhiều khu dân cư mới, các chủ đầu tư chủ yếu tập trung xây dựng nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ thương mại để thu hút dân cư mà chậm thực hiện xây dựng trường học, dù đã có cam kết và trách nhiệm rõ ràng. Đến nay, vẫn chưa có chế tài xử lý mạnh đối với tình trạng này, dẫn đến áp lực ngày càng lớn lên hệ thống trường lớp công lập hiện hữu.
Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM kiến nghị TP cần kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư được giao đất nhưng chưa thực hiện đúng cam kết xây dựng trường học theo quy hoạch. Đồng thời, sớm trình UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư mới cho 134 dự án chưa hoàn tất thủ tục, nhằm đảm bảo tiến độ.
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Cao Thanh Bình ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương khi chỉ trong hơn một năm đã triển khai thực hiện khối lượng lớn công việc trong điều kiện thời gian gấp rút.
Theo đồng chí Cao Thanh Bình, việc hoàn thành khoảng 2.000 phòng học đến cuối năm 2025 sẽ không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, đồng chí đề nghị cần sớm hoàn tất thủ tục phê duyệt các dự án còn lại, thống kê rõ ràng các chủ đầu tư vi phạm để có biện pháp phối hợp các Ban liên quan xử lý, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoàn thành tốt mục tiêu Đề án.