Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Bàn về tính văn học trong sân khấu cải lương

NSND Trần Ngọc Giàu và NSND Trần Minh Ngọc chủ trì tọa đàm “Tính văn học trong sân khấu cải lương giai đoạn từ năm 1975 đến nay”

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 30/10, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức tọa đàm “Tính văn học trong nghệ thuật sân khấu cải lương giai đoạn từ năm 1975 đến nay”.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho biết, chủ đề tọa đàm là một trong các tiêu đề của tập sách kỷ niệm 50 năm sân khấu cải lương TPHCM được Hội thực hiện nhằm chào mừng 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong 50 năm đó, có một sự tiếp nối giữa một đội ngũ tác giả hoạt động từ trước năm 1975 và sau đó, các tác giả này tiếp tục phát triển với những sáng tác mới ở nền văn nghệ mới. “Sự chuyển đổi của lớp tác giả này - những Hà Triều, Hoa Phượng, Trần Hà, Kiên Giang, Thể Hà Vân, Quy Sắc… - có những thuận lợi, khó khăn gì, bắt kịp với thời đại như thế nào là những điều cần được đánh giá, phân tích để rút ra kinh nghiệm cho giai đoạn hiện nay khi nguồn tác giả cải lương đang khan hiếm dần khi loay hoay trong giai đoạn chuyển đổi mới của xã hội” - NSND Trần Ngọc Giàu đặt vấn đề.

Tại tọa đàm, các đại biểu chỉ ra một vấn đề chung của kịch bản cải lương hiện nay là thiếu sự hòa quyện giữa “đờn - ca” nên lời ca nghe “không đã”, bài bản sử dụng cũng không “đắt” để đẩy cảm xúc người xem. Đạo diễn Mộng Long - con trai soạn giả Quy Sắc - phân tích, các soạn giả ngày trước rất mê và am hiểu đờn ca tài tử nên họ biết được tính chất bài bản để cài cắm trong vở diễn cho đúng tình huống, cảm xúc kịch. Các bạn trẻ hiện nay có thể rành về tân nhạc hơn mà lại thiếu am hiểu đờn ca tài tử nên khi thả lời trong bài ca hay chọn bài bản nhiều khi lại không phù hợp.

Đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng, không chỉ có kiến thức về âm nhạc, khả năng văn chương mà tác giả ngày xưa cũng gắn bó chặt chẽ với nghệ sĩ và có vốn sống phong phú nên sáng tác của họ rất “đời” mà cũng phù hợp với sở trường, chất giọng của từng nghệ sĩ. “Ngày nay, nhiều tác phẩm cải lương lại thiếu sự đồng bộ, kiểu tác giả đi một nẻo, đạo diễn đi một nẻo, âm nhạc đi một nẻo…” - NSƯT Ca Lê Hồng nêu thực trạng.

Bà Lương Nhứt Nương, con gái soạn giả Hoa Phượng, chia sẻ, lúc sinh thời, cha bà vẫn thường dặn dò mình rằng: “trong bài vọng cổ hay tuồng cải lương có viết văn chương thiệt hay, chải chuốt bao nhiêu mà dài dòng, lê thê hay không diễn đạt được điều nhân vật muốn nói thì cũng không phải có “tính văn học”. Ví dụ như viết về nhân vật bà bán cá mà lời lẽ chải chuốt là không phù hợp; hay một ông vua mà dùng lời thô thiển, kém trình độ thì cũng không phù hợp. Bài vọng cổ cũng vậy, phải viết đúng tình huống chứ không thể đụng đâu viết đó, ai thích cũng có thể ca vọng cổ”…

Tác giả Đăng Minh có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng lớp tác giả trẻ học giỏi, nhiều kiến thức xã hội, cái còn thiếu là kinh nghiệm sân khấu và sẽ được bồi đắp theo thời gian. Cái cần quan tâm hiện nay là định hướng để các bạn phát triển đúng đường, nhất là khi thể hiện các quan điểm trong kịch bản lịch sử vốn rất dễ bị ảnh hưởng trong “ma trận” thông tin trên mạng hiện nay.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo