Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Thế gia Minh Tơ – Thanh Tòng

Bề dày công lao xây dựng nền nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc

Buổi hồng hoang, nghệ thuật cải lương (CL) được khai sáng, đến nay đã ngót trăm năm. Trăm tuổi đời người là đại thọ; chớ trăm năm một ngành nghệ thuật phải dùng tính từ “trẻ trung”. So với Tuồng (Hát bội) và Chèo thì CL giữ phận đàn em, nhưng sở hữu nhiều nhân tài kiệt xuất, thông tuệ cần cù, trung kiên cùng nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc đất phương Nam.

100 năm qua, nghệ thuật CL phát triển đầy dị thảo kỳ hoa, kết tựu thành năm Thế gia thâm sâu nội lực, uyên bác về nghề nghiệp, đó là: Phước Cương, Năm Châu, Năm Nghĩa, Tư Hê – len (Hélène) và Minh Tơ. Phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến Thế gia Minh Tơ.

Đây là thế gia có số nhân sự đông đảo nhất so với các thế gia kia. Nếu khởi nguồn từ cố nữ nghệ sĩ Vĩnh Xuân, tính đến thế hệ Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân là đời thứ năm theo nghiệp Tổ. Thực tế, đếm ngược từ NS Vĩnh Xuân trở lên thì có mấy đời trước theo nghiệp Hát bội.

NS Hai Thắng – con trai NS Vĩnh Xuân, nối nghiệp Hát bội của mẹ. Ông là bậc kỳ tài, đa năng: ca hát giỏi, viết kịch bản, đào tạo nghệ sĩ kế thừa. Đệ tử của ông, nhiều người nổi danh: nữ NS Ba Út (mẹ NSƯT Ngọc Khanh), NS Hữu Thoại cha của NSƯT Hữu Danh, Sáu truyện, Tư Giác… Sinh thời ông từng đóng cặp cực kỳ ăn ý với ngôi sao lớn Năm Nhỏ. Bà Năm được công chúng và đồng nghiệp tôn vinh như Hậu Tổ bởi tài năng xuất chúng, lại đức độ, thuần lương. Con trai bà là danh hài Ngọc Trai.

NS Hai Thắng và Năm Nhỏ gặt hái thành công rực rỡ một thời trên sân khấu của bà Ba Ngoạn. Một thời gian sau, đoàn hát giải thể, bà Ba nhường xác gánh cho NS Hai Thắng với giá hơn 20 đồng. Đoàn Hát bội Vĩnh Xuân - Bầu Thắng được thành lập; mỹ danh Hai Thắng là cái tên để bán vé doanh thu. Thế mà:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Nghệ thuật cải lương trẻ trung ngày càng sung mãn với hai câu tuyên ngôn trên, vừa như lời tự bạch với công chúng khán giả, lại vừa như cổ súy sự thay cũ đổi mới nhắn gởi đến các ngành nghệ thuật cả nước. Hát bội suy yếu dần doanh số, thời hoàng kim trở thành dĩ vãng xa xăm…

Vượt qua sóng gió thời cuộc, giữ vững nghiệp Tổ

Gia đình NS Hai Thắng hình thành hoài bão cứu nguy bộ môn nghệ thuật bản sắc mà gia tộc mấy đời nặng nợ. Ông họp mặt gia đình: 4 con trai là: Hai Chỉ (phụ trách ngoại vụ), Minh Tơ, Khánh Hồng (diễn viên), Đức Phú (diễn viên, nhạc sĩ, tác giả); hai con gái: Huỳnh Mai, Bạch Cúc (diễn viên) cùng thảo luận, rồi ông quyết định: gởi 4 người đi học hát cải lương. Đó là Minh Tơ, Khánh Hồng, Đức Phú, Bảy Sự (mẹ NS Thanh Tòng) gia nhập đoàn Phụng Hảo (cô bảy Phùng Há). Đến giữa thập niên 50, đoàn Hát bội pha cải lương Vĩnh Xuân – Khánh Hồng được thành lập.

Thời điểm đầu thập niên 50, tình hình chiến sự cả nước ngày càng khốc liệt. Sài Gòn rất bất ổn về chính trị. Nhiều cuộc biểu tình hoan hô, đả đảo của các tầng lớp thị dân bùng phát; mà đỉnh điểm gây cơn địa chấn kinh hoàng là cái chết của học sinh Trần Văn Ơn đã khiến cả miền Nam sôi máu căm thù. Rồi đến cuộc chiến giữa chế độ Ngô Đình Diệm với Bình Xuyên bên kia cầu Chữ Y, với Năm Lửa – Ba Cụt vùng Cần Thơ – Vĩnh Long… an ninh bất ổn khiến đời sống dân chúng điêu linh vất vả. Người làm nghệ thuật càng khốn đốn hơn thường dân bội phần vì những cuộc bạo động, biểu tình, giới nghiêm… Các sân khấu hầu như tê liệt.

Gia tộc Bầu Thắng cũng không ngoại lệ. Sân khấu tối đèn, nhưng lửa nghề vẫn âm ỉ, bởi không thể triệt tiêu nghiệp nhà mà gia tiên truyền đời bồi đắp và gìn giữ. Thế là ông tổ chức các suất diễn ban ngày như cách “giật gấu vá vai”, lây lất chờ thời. Nhiều nghệ sĩ dù bữa no bữa đói vẫn chắc tay, bền chí, chỉnh tề đội ngũ.

Cái khó không thể bó cái khôn. NS Hai Thắng và các con vận dụng đủ cách quyết xoay chuyển cục diện tạo sức hút mới đối với công chúng. Thế là nghệ thuật cải lương Tuồng Tàu chào đời (đoàn Bầu Thắng – Khánh Hồng) giữa thập niên 50 (1956). Đoàn chuyên diễn các kịch bản chuyển tác từ truyện pho Trung Quốc, trình thức biểu diễn ảnh hưởng từ phong cách hai ngôi sao Trung Hoa: Mã Sư Tăng - Hồng Tuyến Nữ; phần ca, sử dụng nhạc Hồ Quảng (một địa danh của Trung Quốc) và nhạc CL Nam Bộ.

Sau này đoàn được đổi tên là CL Hồ Quảng khi cộng tác Đài truyền hình Sài Gòn (1968) và sức lan tỏa trở nên rộng lớn, thu hút mạnh người xem.

NS Minh Tơ lúc ấy còn trẻ khỏe, rất xông xáo năng động; ca diễn tài nghề xứng danh bậc nhất. Đặc biệt còn là người chỉ huy một đoàn hát vừa làm bầu, viết kịch bản, tác nghiệp diễn viên, lại còn đào tạo lớp kế thừa nghĩa là đồng thời vun giữ gốc, chăm chút ngọn.

Đình Cầu Quan (119 đường Yersin, Quận 1) có đến 70 thập kỷ là mái nhà chung của những đoàn hát có xuất xứ từ gia tộc Bầu Thắng; còn là nơi đào tạo lớp trẻ, truyền và giữ nghề. Học trò gồm các con NS Minh Tơ: Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn; và nhiều diễn viên nhí triển vọng nữa, như: Kim Hoàng (tức Thanh Hoàng, Bo Bo Hoàng), con của NS Ngọc Tính và tay đua xe đạp Lê Thành Các; Thành Phượng (tức Lưu Kình), Trường Sơn (sau là con rể NS Minh Tơ), Bửu Truyện, Thanh Thế; các cháu gọi NS Minh Tơ bằng cậu là Bạch Liên, Bạch Lê; ngoài ra còn con của các đồng nghiệp, như: Thúy Liệu, Túy Định (đoàn cải lương Kim Chung); Trang Kim Sa, Thanh Trung, Trung Quan… Tuổi học viên quy định từ 6 đến 14. Tất cả đều học nghề miễn phí; kể cả các con em đồng bào lao động, nghèo khó; miễn là có năng khiếu và yêu nghề.

NSND Thanh Tòng, người góp công rất lớn xây dựng nền tảng Cải lương Tuồng cổ đậm đàn bản sắc dân tộc

Ông thành lập đoàn Đồng ấu Minh Tơ, cho các đệ tử vừa học vừa hành. Thế mới thấy đáng khâm phục một nghệ sĩ chân chính tận tâm phụng sự nghiệp Tổ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng giữ “lửa nghề”.

Thanh Tòng dạo ấy tuổi lên 10 là gương mặt triển vọng của đoàn. Nhưng vài năm sau, anh và các bạn đến tuổi dậy thì, thanh quản bị sự cố, đoàn đồng ấu phải giải thể (1961)…

Cải lương Tuồng cổ ra đời

Sau 30/4/1975, một trật tự mới về văn học - nghệ thuật đã được thực thi để kịp thích ứng tình hình đất nước. Ngày 1/9/1975, một chủng loại nghệ thuật mới được khai sinh khi đoàn CLTuồng cổ Minh Tơ được khai trương tại rạp Long Phụng (đường Lý Tự Trọng – Q1). NS Thanh Tòng gánh vác trách nhiệm nặng nề với bảng hiệu mang tên cha mình. Nối bước cha, ông kiêm nhiệm nhiều việc từ buổi ban đầu, nhất là khâu kịch bản. Tuồng tích của đoàn thiên về dã sử, chính sử; nhạc Hồ Quảng được hạn chế tối đa; thay vào bằng dân ca và nhạc cải lương Nam bộ. Nhạc mới mang âm hưởng từ phim ảnh Đài Loan trước 1975 cũng được thay bằng các sáng tác mới của Đức Phú và Minh Tâm, Thanh Tòng. Trình thức biểu diễn dựa vào nghệ thuật Hát bội có cách tân, chọn lọc, được thao tác bằng bản lĩnh điêu luyện nhuần nhuyễn của những tài năng yêu nghề, thuần Vệt trong ý thức và dày công phu rèn tập, tôi luyện.

Cho đến thời điểm này, sau 38 năm hình thành, CL Tuồng cổ tồn tại vững bền về tuổi thọ, hơn cả Hát bội pha CL, CL Hồ Quảng; đặc biệt có sức hấp dẫn riêng, khác CL Hồ Quảng trước kia. Riêng nhạc CL truyền thống và Dân ca Nam bộ - những điệu Lý thật phong phú, âm sắc mượt mà, thừa sức đáp ứng nhu cầu của mọi loại kịch huống mà không cần vay mượn của ai.

Phải khẳng định rằng làm được điều này, gia tộc Minh Tơ, đứng đầu là NSND Thanh Tòng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách với một quá trình lao tâm khổ tứ tìm tòi sáng tạo, chắt lọc tinh hoa nghệ thuật của gia tộc, của nhân loại để xây dựng nền tảng nghệ thuật tuồng cổ - không lai căn.

Cả một gia tộc suốt 5 thế hệ làm nghệ thuật (chắc chắn sẽ có đời thứ sáu, thứ bảy) một cách kiên trì; bằng cả máu, xương, mồ hôi và nước mắt để giữ vững di chí, mực thước gia tiên, cho dù phải đương đầu với bao phen sóng gió đảo điên trước cuộc thịnh suy, dâu bể của trò đời.

Có quá nhiều cá thể đáng tôn vinh tài năng kiệt xuất, như nghệ sĩ Hai Thắng, Minh Tơ, Khánh Hồng, Đức Phú, Bảy Sự (mẹ của Thanh Tòng), NSND Thanh Tòng, Xuân Yến, Trường Sơn, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Thanh Sơn, Chí Bảo, Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Thanh Thảo…

Từ trái qua: NSƯT Quế Trân, NS Xuân Trúc, Tú Sương, NSƯT Thành Lộc trong chương trình "Gìn vàng giữ ngọc"

Sẽ rất sơ sót nếu không nhắc Huỳnh Mai, Bạch Cúc (con gái ông Hai Thắng). NS Huỳnh Mai là diễn viên Hát Bội nổi danh. Phu quân của bà là NSND Thành Tôn, ngôi sao kiệt xuất nghệ thuật Hát Bội. Ông là một mỹ nam, ca diễn đặc sắc, biết sáng tác. Bạn diễn rất ăn ý, xứng đôi cùng ông là NSND Năm Đồ, tài hoa bậc nhất. NSND Năm Đồ được công chứng và báo giới ngưỡng mộ kính mến (thập niên 50). Em gái bà là NS Bảy Sự. Các con của NS Huỳnh Mai là NS Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc.

Trong đó, Bạch Lê là một tài năng thượng thặng; chồng là NS Thanh Bạch (em NS Bạch Mai), cũng tài hoa tương xứng với vợ. NS Bạch Lựu, chồng là NS Điền Thanh, một kép đẹp thuộc dạng hiếm, tài hoa. NS Bạch Long thuộc mẫu người đa năng, kép võ hữu hạng, diễn hài, đóng phim; đặc sắc là công tác đào tạo, Bạch Long đã dày công bồi dưỡng nhiều NS thành danh rực rỡ sau này như Vũ Luân, Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh,…

Theo bước những tiền bối trong gia tộc, NS Bạch Long truyền nghề bằng cái tâm chân chính: giữ lửa cho nghề qua lớp kế thừa. NSƯT Thành Lộc là nhân tài kiệt xuất, quý hiếm của các lĩnh vực kịch nói, hát bội, tuồng cổ. NSƯT Thành Lộc nổi trội từ phong trào thanh niên bất chợt lấn sang tuồng cổ, vẫn hòa nhập nhanh cùng gia tộc để kiến tạo nên một Lý Đạo Thành xuất thần (vở Câu thơ yên ngựa, chương trình Gìn vàng giữ ngọc năm 2010), được ngợi khen là “nghề trong huyết quản”.

Bên ngoại của Thành Lộc, cậu Đức Phú rất giống người chị Huỳnh Mai. Rõ ràng là một kép đẹp tầm cỡ khi vào vai Lương Sơn Bá (kịch bản tự biên Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài). Đức Phú còn là một nhạc sĩ tài ba tiên phong sáng tác dòng nhạc mới cho tuồng cổ rất mượt mà giàu âm sắc. Hai anh em Thanh Tòng, Minh Tâm là cháu gọi NS Đức Phú bằng chú, cũng góp công vào môi trường nhạc mới (tuồng cổ) làm phong phú thêm nhạc CL tuồng cổ, vừa thể hiện tính tự lập trong nghệ thuật, độc lập đậm tính bản sắc, không vay mượn của ai (nhạc Đài Loan).

Hai anh em kế Minh Tâm là Công Minh và Thanh Sơn, hiện đang vui với nghề… tay trái. Công Minh chuyên tác tạo đạo cụ, phục trang; còn dạy vũ đạo, ca hát cho các nghệ sĩ quốc nội, quốc ngoại. Thanh Sơn thì về trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM đảm trách giáo dục vũ đạo cho sinh viên kịch hát.

Còn NS Bạch Cúc chỉ có một người con trai theo nghệ thuật rất riêng. Đó là đạo diễn Phượng Hoàng rất nổi danh qua các loạt phim video, phim truyền hình góp phần làm nổi danh gia tộc.

Dòng thứ 5 của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ hiện tại nổi bật có NSƯT Quế Trân (con NSND Thanh Tòng), Trinh Trinh (con NS Xuân Yến) và Tú Sương (con đôi NS Trường Sơn-Thanh Loan)… cũng đang đứng trước nhiều thử thách thời cuộc, khi tình hình CL đang hồi suy kiệt. Tuy nhiên, đặc biệt NSƯT Quế Trân vượt trội hẳn khi cô đã biết chọn cho mình con đường riêng, nhiều lối rẽ.

Không bó chân vào một đơn vị nghệ thuật, gần 10 năm qua, NSƯT Quế Trân đã bước sang lĩnh vực dẫn chương trình, đặc biệt là các chương trình văn hóa dân tộc. Thông minh, nhanh nhạy, cô đã nhanh chóng trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà tổ chức ở các chương trình nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, cô vẫn không rời hẳn chiếc nôi Tuồng cổ, bằng việc thực hiện các chương trình đưa sân khấu Tuồng cổ đến gần với sinh viên, thanh niên, NSƯT Quế Trân đã góp công không nhỏ, tiếp bước cha, ông làm cho nghệ thuật Tuồng cổ trở nên hấp dẫn đối với công chúng trẻ qua các chương trình “Quế Trân-Một thời áo trắng”, “Quế Trân-Lớn lên cùng Thành phố”, “Quế Trân – Hương xuân – má lún đồng tiền”…

Xuất hiện năng nổ và vững vàng ở nhiều lĩnh vực, NSƯT Quế Trân, đại biểu Hội đồng Nhân dân khóa 8 đã được nhìn nhận là một gương mặt trẻ tài đức tiêu biểu qua hàng loạt giải thưởng và danh hiệu được bầu chọn.

Cho đến đời thứ 5 hôm nay, những gương mặt trẻ tiêu biểu kể trên đã đủ minh chứng bề dày công lao của Thế gia Bầu Thắng – Minh Tơ trong quá trình bảo vệ và xây dựng nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

NSƯT Quế Trân bên các cô là NS Xuân Yến, NSƯT Thanh Loan, NS Bạch Liên, cùng chị Nhung (ngồi) mẹ của Quế Trân

Bài: Hồ Quang, Ảnh: Minh Hoàng

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo