Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Năm 1980, tôi tốt nghiệp đại học và được phân công giảng dạy tại một trường phổ thông tận Bình Long, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Thầy cô giáo ở đây được xã hội tặng cho cái tên rất đẹp “giáo viên miền núi” và được đứng thứ 4 trong ưu tiên mua vé xe thời bao cấp.
Ở tuổi 23, là một cô giáo mới ra trường, lại là dân Sài Gòn gốc, chưa từng biết nấu nồi cơm… lúc ấy tôi một thân một mình nơi đất lạ, lương không đủ sống, món nước mắm kho quẹt, muối đậu phộng là hai món thường xuyên cho hai bữa cơm chính của tôi, còn bữa ăn sáng thì… tôi đành nhịn…
Tết năm đó, các giáo viên được cho một xấp vải đen, nửa ký đường, các loại đậu mỗi thứ vài trăm gam (đậu xanh, đậu phộng, đậu đỏ…) …và hai ký nếp. Tôi dồn quần áo vào túi nhỏ, “quà Tết” vào túi lớn mà lòng hăm hở vui vui.
Được thông báo sẽ có xe đưa về bến xe Bình Triệu, mỗi ngày chúng tôi háo hức ra ngoài cổng trường chờ đợi. Đến sáng 30 Tết mới có xe chở chúng tôi về. Chủ xe lại tranh thủ đón khách dọc đường; thế là… giáo viên và chủ xe cãi nhau một chập vì giáo viên muốn có được một chiếc xe ưu tiên đúng như được thông báo.
Rồi xe cũng về đến Sài Gòn, dừng ở cầu Bình Triệu. Chúng tôi phải đi bộ qua cầu. Cùng với chúng tôi là hàng trăm công nhân cũng xuống từ các xe khác đổ về. Tôi và cô bạn nặng nhọc xách hành lý. Nhìn vào những ngôi nhà đang nghi ngút nhang chuẩn bị cúng giao thừa, tự dưng tôi cất tiếng hát: “…hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay…*”. Cô bạn đồng nghiệp liền hòa điệu vì chính trong đầu cô cũng nghĩ đến câu hát đó.
Khó nhọc nhất cho tôi là phải xách hơn năm ký hành lý… đi gần hai cây số qua bên kia cầu. Cứ vài bước tôi lại dừng nghỉ tay, thở dài. Cô bạn khỏe hơn, đã bỏ tôi một đoạn khá xa. Chợt một thanh niên khoảng 18-19 tuổi nhìn tôi, ra ý muốn giúp, tôi gật đầu.
Thế là cậu ta xách hộ tôi chiếc túi lớn, phăm phăm đi qua bên kia cầu đến bến xe Bình Triệu; lúc này tôi mới chợt lo lo, lỡ… cậu ấy xách đi luôn thì... Nhưng khi đến bến xe, cậu chờ tôi đến để trao chiếc túi rồi nhảy vội lên một chiếc xe buýt. Tôi chỉ kịp nói vói theo hai tiếng “Cảm ơn” rồi cũng lẹ lẹ nhảy lên một chiếc xe buýt vừa trờ tới để sớm về nhà trong tiếng pháo đì đùng vang vọng chung quanh.
Gia đình tôi như vỡ òa trong tiếng cười hạnh phúc khi thấy tôi đã kịp về đón Tết cùng gia đình. Nhà tôi cũng chỉ vừa bắc nồi cơm lên chuẩn bị bữa cơm giao thừa với muối đậu. Phần đường, thịt… được địa phương phân phối, mẹ và chị tôi đã bán để lấy tiền mua gạo cho bảy “cái tàu há miệng” là các cháu tôi. Vậy mà cả nhà đã thật vui với hai nồi xôi đậu xanh và chè đậu đỏ bốc khói trong tiếng pháo rộn ràng của nhà hàng xóm.
Mẹ tôi trầm trồ xấp vải tám màu đen tôi mang về. Mẹ ao ước xấp vải đen nhiều năm lắm rồi! Tôi thầm cảm ơn người thanh niên tốt bụng kia, đã gián tiếp mang lại cho gia đình tôi một không khí Tết đầm ấm. Tôi không tưởng tượng gia đình mình như thế nào nếu trong đêm 30 Tết tôi bị mất chiếc túi xách đó.
Chuyện đã xảy ra hơn 30 năm. Cô giáo trẻ năm xưa giờ đã thành một phụ nữ trung niên vừa nhận quyết định nghỉ hưu. Đôi khi nghĩ lại tôi không thể lý giải được vào thời bao cấp khó khăn đó, thiếu thốn đó, sao tôi vẫn tin tưởng trao túi cho người xa lạ xách giùm; còn người lạ ấy thì sẵn sàng đợi chủ nhân đến để giao lại “tài sản”…
Rất nhiều lần tôi được chia sẻ những gánh nặng dọc đường bằng những đôi vai, những cánh tay khỏe mạnh của bạn đồng hành, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về buổi chiều 30 Tết năm ấy. Sau này, nghe ai nói “bần cùng sanh đạo tặc” là tôi cãi cho đến cùng; và mỗi lần nghe bản nhạc Ru ta ngậm ngùi, tôi lại bâng khuâng nhớ người công nhân lương thiện năm xưa…
* nhạc Trịnh Công Sơn