Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần phải làm nhanh, cấp bách

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các báo cáo: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Cùng với đó, Quốc hội cũng thảo luận về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%…

Nâng cao năng lực ứng phó trước các tình huống

Đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá báo cáo của Chính phủ đã nhận diện đúng thực trạng khó khăn của nền kinh tế những tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, “cầu giảm, việc làm không có, thắt lưng buộc bụng thì lấy đâu tiêu dùng”. ĐB Lê Thanh Vân đề nghị cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, bên cạnh đó là chất lượng cán bộ. Cùng với đó, chính sách phải ổn định để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm làm ăn.

Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ sáng 25/5 Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ sáng 25/5

Một số ý kiến đề nghị Quốc hội có nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới, bao gồm cả vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp. ĐB Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cũng cho rằng, vấn đề được nhận diện rồi nhưng cuối cùng vẫn là giải pháp. Để nâng cao năng lực ứng phó trước các tình huống đòi hỏi cả giải pháp trước mắt và lâu dài, ĐB đề nghị chú ý vấn đề quy hoạch, quy hoạch chưa xong mà quyết thì dễ sai.

Thảo luận tại tổ đoàn ĐBQH TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phân tích những khó khăn của nền kinh tế nước ta hiện nay. Từ đầu năm 2023, nền kinh tế bắt đầu suy giảm nên cần phải có những giải pháp cấp bách, căn cơ và lâu dài. Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, kéo theo đó là họ cắt giảm lao động đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội. ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cần đề cập thêm đến việc những nguồn lực, tiềm lực tăng trưởng bên trong chưa được phát huy tốt, nhất là việc đầu tư công không sử dụng hết tiền, năm 2022 còn dư gần 20% nguồn vốn đầu tư công (gần 130.000 tỷ đồng chưa dùng đến). Hay chương trình cho vay ưu đãi cũng chưa phát huy hết, trong khi nhiều doanh nghiệp đang “khát vốn”. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua 120.000 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà ở xã hội, tuy nhiên đến tháng 4 vẫn chưa giải ngân. Nếu số vốn này được sử dụng hết vào đầu tư công sẽ kích thích vận tải, nông nghiệp, thương mại, sản xuất... phát triển. Chúng ta còn lãng phí thời cơ. ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cũng cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần phải làm nhanh, cấp bách, nhất là các công trình, dự án đầu tư trọng điểm.

Phát biểu tại tổ trong phiên họp Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khá thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc hiện còn là rào cản cho phát triển hiện nay. Bộ trưởng cho rằng, với các vướng mắc như đại biểu Quốc hội chia sẻ (giải ngân vốn đầu tư công; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi triển khai các dự án; sử dụng vốn đầu tư công cho sửa chữa, cải tạo nâng cấp các công trình…) cần phải được tháo gỡ. Muốn vậy, cần phải thực hiện một luật sửa nhiều luật, phải tập hợp những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, trên cơ sở căn cứ ý kiến của các địa phương, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội để từ đó trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa, tháo gỡ những nút thắt đang còn là rào cản cho phát triển hiện nay.

Tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu

Về các vấn đề xã hội, ý kiến các ĐBQH quan tâm nhiều đến vấn đề giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM)

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) bày tỏ bức xúc: “chúng ta cứ nói cán bộ y tế ở các cơ sở sợ, không dám mua sắm nhưng bây giờ tôi thấy “virus sợ” này đã lan tới Bộ Y tế rồi” - ĐBQH nói và lấy minh chứng từ chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia. Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, chương trình TCMR quốc gia là chương trình đặc biệt cần thiết với những bệnh “không có vaccine là không xong”. Năm 2014, nhiều trẻ tại Hà Nội đã tử vong trong dịch sởi. Hiện nay, báo cáo cho thấy tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt mục tiêu. Tại TPHCM, nguồn vaccine đã cạn, vậy người dân sẽ xử lý như thế nào, đặc biệt là người lao động, không có điều kiện để tiêm vaccine dịch vụ. Trong chương trình TCMR, ngoài chất lượng vaccine, còn có vấn đề thời điểm tiêm chủng. Bởi với một số bệnh, nếu tiêm chủng chậm sẽ không còn tác dụng: “Chúng ta có con nhỏ, sẩy một cái, chậm một chút bị mắc bệnh mà phòng được bằng TCMR thì sẽ đau xót tới chừng nào và ảnh hưởng tới cả cuộc đời của trẻ” – ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói. ĐB đề nghị khắc phục tình trạng đẩy qua đẩy lại giữa Trung ương và địa phương, trong khi, doanh nghiệp có hàng cung ứng nhưng không bán được, người dân lại không có vaccine để tiêm chủng cho con. Tương tự, tình trạng thiếu thuốc hiếm cũng cần được giải quyết, tránh tình trạng như vừa qua thiếu thuốc giải độc Botulinum gây ảnh hưởng đến sinh mạng người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Về việc bố trí dự toán kinh phí cho mua vaccine tiêm chủng cho trẻ em, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trước năm 2020, Chính phủ quy định nguồn chi thường xuyên mua vaccine tiêm chủng, nhưng đến 28/11/2020, Chính phủ ban hành quy định đưa vào chi thường xuyên, phần nào của địa phương thì địa phương bố trí. Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã bố trí dự toán cho Bộ Y tế bố trí mua vaccine tiêm chủng năm 2023.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân quan tâm đến lộ trình cải cách tiền lương khi cho rằng, người lao động có thể lao động đến 30 năm nhưng khi về hưu nhận tiền lương hưu khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, không đủ sống. Lộ trình cải cách tiền lương phải xác định mức tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu, cần tính lại nguyên tắc trả lương để một người đi làm có thể nuôi thêm được một người.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, thực hiện cải cách tiền lương hiện nay rơi vào chủ nghĩa bình quân. Người lao động nói chung, lực lượng y bác sĩ mới ra trường nói riêng nhận mức lương khởi điểm rất thấp. Khi thực hiện cải cách tiền lương chỉ nâng mức lương cơ bản nên số tăng thêm dành cho những người lao động trẻ không nhiều, khiến họ không thể tích lũy, đủ sống và nuôi gia đình. Trong khi họ là lực lượng lao động chính, lực lượng dám đột phá, năng động sáng tạo, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo