Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Chuyện đón Bác Hồ

Nhân dân các dân tộc tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) vui mừng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh ngày 19 và 20/2/1960. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Tạp chí Tiên phong, cơ quan vận động văn hóa mới và là tạp chí của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, số 22, ra ngày 1/11/1946 đã đăng bài Quốc dân đón Hồ Chủ tịch: Mẩu chuyện bên đường sắt của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tuy tác giả không ghi chú cụ thể bối cảnh và thời gian diễn ra việc này nhưng đọc bài người đọc hình dung về một cuộc đón người đứng đầu Chính phủ mang tính điển hình, tức là có thể là ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào.

Bài viết có đến gần 2/3 dung lượng ghi lại hơn 60 câu nói của người dân ra đường sắt đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tiếng người ta kêu gọi, hỏi nhau…, thậm chí tranh luận nhau, khi ra đón Bác, trong đó có những câu quen thuộc như “Chắc là cụ lo nghĩ quá”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”… nhưng cũng có câu rất “lạ”, như “Trẻ con ở đâu cũng được gọi là Bác Hồ. Có khi cụ lại yêu trẻ nhà quê hơn trẻ ở tỉnh nữa đấy”, “Cụ giỏi thật đấy chứ lị. Cả thế giới biết tên. Xem phen này nước Nam có mở mày mở mặt không nào”… Chưa có lời miêu tả nào nhưng chúng ta vẫn hình dung ra một không khí ồn ào, náo nhiệt mà cũng đầy phấn khởi, thành kính của những người dân ở một tỉnh xa Hà Nội nào đó khi ra đường tàu đón Bác.

Đây mới là phần miêu tả của nhà văn: “Người vẫn trông lại. Cánh tay Người rã rời nhưng vẫn còn vẫy. Vẫy đã lâu mà Người vẫn chỉ là mới bắt đầu, vì chỗ nào cũng bày ra quang cảnh giống nhau: cờ biển, cổng chào, anh chăn trâu, chị cắt cỏ, cụ già chống gậy, người đàn bà bồng con, và, ôi hình ảnh thân yêu, đoàn em bé ồn ào, nhảy nhót như đàn chim sáo, tiếng ca nhấp nhô như sóng lúa. Và đằng sau họ, nối liền với họ, như một cái đuôi dài mà họ lấy làm tự hào như một con công đang múa, là cả một cánh đồng mênh mông, được mùa, đang dâng muôn màu xanh khác nhau lên ánh sáng vàng của một ngày đại hội. Người và cảnh vật nở một nụ cười đắc thắng. Đây là một ngày thu nặng chĩu [trĩu] những kết quả, đây cũng là một ngày xuân của dân tộc đang trào lên trong một cuộc hồi sinh”.

Chúng ta đã đọc biết bao nhiêu chuyện về cảnh người dân đón Bác Hồ. Chúng ta cũng có thể hình dung ra khung cảnh ấy với những đoạn phim hay tấm ảnh được lưu lại. Điểm chung là có rất nhiều người hồ hởi, hân hoan chờ và chào đón Bác bằng một niềm cảm xúc vừa kính trọng vừa thân thương, vừa cao xa vừa gần gũi, vừa nghiêm trang vừa giản dị… Ai cũng muốn tận mắt được nhìn thấy Bác, được đứng gần Bác, được chạm vào người Bác, được nghe Bác nói, được thấm từng lời Bác dặn… Không kể bà con ở Thủ đô hay ở vùng miền núi, không kể là nông dân trên đồng hay công nhân ở nhà máy, không kể là cán bộ hay chiến sĩ, không kể là thiếu nhi hay người đã trưởng thành… Gần như tất cả đều có chung một tâm trạng, một cảm xúc, một phản ứng… Được gặp Bác, đón Bác là một dấu ấn, một kỷ niệm khó phai trong đời mỗi người.

Nhân dân thị xã Hồng Gai (nay là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) mít tinh mừng đón Bác Hồ về thăm, ngày 4/10/1957. (Ảnh tư liệu) Nhân dân thị xã Hồng Gai (nay là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) mít tinh mừng đón Bác Hồ về thăm, ngày 4/10/1957. (Ảnh tư liệu)

Đây là một thí dụ. Bà Cầm Thị Tuyết Nga, cựu học sinh Trường Trần Đăng Ninh, kể lại câu chuyện bà khi đó 14 tuổi đã cùng rất nhiều người được đón Bác Hồ: “Sáng 7/5/1959, chúng tôi được thầy hiệu trưởng thông báo đi đón đoàn cán bộ Trung ương do Bác Hồ dẫn đầu lên thăm khu Tây Bắc. Tôi vô cùng sung sướng và hồi hộp, háo hức xen lẫn tự hào. Chúng tôi mặc quần áo đẹp, quàng khăn đỏ và được đưa đến chờ đón đoàn ở gần khán đài sân vận động Thuận Châu, nơi tổ chức cuộc mít tinh đón Bác. Lúc này, sân vận động đã đông nghịt người và cờ hoa. Nét mặt ai cũng phấn khởi, mong chờ. Chúng tôi ai cũng háo hức, mong ngóng đoàn cán bộ Trung ương đến thật nhanh để được nhìn thấy Bác; được gần và được nắm tay Bác. Bỗng có tiếng nói to: Bác Hồ, Bác Hồ đến rồi kìa! Tất cả chúng tôi ai cũng nhìn sang và thấy Bác đang cùng đoàn đi tới. Bác Hồ đi trước, tay giơ cao, tươi cười vẫy chào mọi người. Cùng lúc đó, chúng tôi ùa đến xung quanh Bác và giơ bó hoa tặng Bác, quên cả lời dặn của người phụ trách. Bác dừng lại lần lượt nắm lấy tay chúng tôi rồi nhận một bó hoa và nhắc chúng tôi tặng hoa các bác khác trong đoàn. Lúc đó, tôi sực nhớ ra và chạy đến tặng hoa cho một bác trong đoàn…”[1].

Hay một câu chuyện khác. Năm 1957, khi ông Nguyễn Sinh Quế đang làm Thường trực Đảng ủy xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Bác Hồ có dịp về thăm quê hương lần đầu tiên sau hơn 50 năm xa cách. Ông nhớ lại: “Chiều ngày 15/6/1957, tôi mới nhận được lệnh chuẩn bị đón Bác về thăm quê. Xúc động lắm nhưng vì để đảm bảo an toàn, bí mật cho Bác nên tôi không thể chia sẻ niềm vui đó với ai… Để đảm bảo cho công tác an ninh, chỉ có một số người trong dòng họ Nguyễn Sinh và nhân dân 4 xóm của xã Kim Liên được đi đón. Tờ mờ sáng hôm ấy, mọi người được phân công đã tập trung đông đủ dưới gốc đa sân vận động. Đúng 8 giờ sáng chủ nhật ngày 16/6/1957, Bác Hồ về thăm quê. Đoàn xe ô tô đi vào, thấy một ông cụ râu dài nhoài mình ra cửa xe, tay vẫy chào người dân. Những người đi đón “phái đoàn cấp cao” vỡ òa trong tiếng reo: “Bác Hồ, Bác Hồ về thăm quê”. Nghe tiếng reo, nhiều nông dân đang cày ruộng bỏ cày, phụ nữ bỏ gánh hàng ngoài chợ chạy về gốc đa để đón Bác. Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác sau hơn 50 năm xa cách, nhiều người già không cầm nổi nước mắt”[2]

Những chuyện tương tự hẳn còn nhiều lắm.

Vì sao người dân chào đón Bác Hồ bằng tình cảm và tâm trạng đặc biệt như vậy, có lẽ không khó hiểu, nhưng để lý giải một cách sâu sắc và đầy đủ, chúng ta nên đọc đoạn kết trong bài viết ở trên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: “Vua cũng chẳng được đón mừng như thế. Những lời bàn tán của dân gian thường bao hàm một chân lý tuyệt đối. Có bao giờ dân lại yêu vua, vì vua là một cái gì khác họ. Không long trọng, không lớn lao sao được khi người mà họ đón mừng đây chỉ là họ, cùng với họ chỉ là một, mà họ chính là chúa tể của xứ này. Cho nên xe khuất đi, không phải Hồ Chí Minh xa cách họ, mà là Hồ Chí Minh hòa vào họ, thành ra họ, với nhựa sống dồi dào, với lòng nhân ái bao trùm, với sức tranh đấu dẻo dai, với chí quật cường đanh thép. Ta tức là Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh tức là ta, tàu chở Hồ Chí Minh đi nhưng Hồ Chí Minh vẫn đâu đây. Ôi lẫn lộn say sưa! Không biết Hồ Chí Minh nào đi đón Hồ Chí Minh nào? Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh! 20 triệu Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh lớn lao biết bao! Ta lớn lao biết bao!”.

Ngòi bút của nhà văn thật bay bổng, sống động mà cũng rất thực tế, rất cụ thể. Hồ Chí Minh đã hòa với toàn thể nhân dân Việt Nam, trong tình yêu nước bao la, trong suy nghĩ, trong hành động. Hồ Chí Minh với đất nước Việt Nam, với dân tộc Việt Nam là một, nên người dân nồng nhiệt, phấn khởi đi đón Người là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi trên hết, Người đã thể hiện sự hy sinh trọn vẹn cho đất nước, cho dân tộc, cho nhân dân. Một con người như thế hẳn nhiên được mọi người yêu quý, kính trọng và vì thế các cuộc đón tiếp trở nên đông đúc, rộn ràng hơn bao giờ hết!

Vân Tâm 

----------------------------
[1] Nguyễn Cường, Nhớ ngày đón Bác về thăm, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 5/5/2019.

[2] Hoàng Lam – Nguyễn Duy, Bồi hồi kỷ niệm hai lần đón Bác về thăm quê, Trang thông tin điện tử TP Vinh, tỉnh Nghệ An, ngày 18/5/2010.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo