Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)... Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán Bar, nhà hàng… đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp.
Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân.
Đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và "có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập; Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 có một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật… Do đó, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dự án Luật có phạm vi sửa đổi toàn diện, có tính chất nhạy cảm xã hội cao, phạm vi tác động xã hội rộng lớn, trực tiếp liên quan đến vấn đề quyền con người, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhiều chủ thể khác nhau. Nhiều nội dung chính sách, đặc biệt là những chính sách về cai nghiện ma túy, cần được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng và tham vấn sâu rộng ý kiến của các đối tượng chịu tác động, cộng đồng, xã hội và cần có sự thống nhất quan điểm giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung đánh giá tác động, hoàn thiện thêm các báo cáo, tổ chức lấy ý kiến cụ thể của bộ, ngành liên quan, bổ sung dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Thảo luận cụ thể về nội dung của dự thảo Luật, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, thời gian qua, tội phạm ma túy trên địa bàn biên giới, vùng biển, hải đảo hình thành các đường dây lớn, tính chất tinh vi, nhiều phương thức tổng hợp hoạt động khác nhau, rất khó khăn cho các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy của các lực lượng. Qua thống kê, từ năm 2015 đến nay, đã bắt trên 7.014 vụ, 9.664 người, tịch thu 16 tấn 832 kg ma túy.
Thiếu tướng Lê Văn Phúc đề nghị điều chỉnh quy định về phối hợp, giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng Cảnh sát biển, Bộ Công an và các lực lượng khác đấu tranh phòng, chống ma túy trên khu vực biên giới, vùng biển và hải đảo. Như vậy mới rõ vai trò chủ trì của Bộ đội Biên phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn khi đặt người nghiện ma túy vào vị trí người bệnh, nhưng nếu coi là tội phạm thì cũng chưa thật hợp lý, khó có thể đưa họ trở thành tội phạm, dù rõ ràng họ vi phạm pháp luật. Đồng tình với việc phải cương quyết, mạnh tay hơn với người nghiện ma túy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “không coi người nghiện như người bệnh bình thường được, đây là bệnh xã hội, bệnh vi phạm luật, cho nên phải có câu chuyện cưỡng chế”. Việc cưỡng chế chữa bệnh cũng phải có tầng nấc. Lần đầu tiên xử lý hành chính, lần thứ 2 phải cưỡng chế, lần thứ ba, có thể phải bỏ tù, cách ly ra khỏi xã hội, tránh gây mất an toàn cho xã hội.
Đồng ý với quan điểm Chính phủ trong dự luật theo hướng phòng ngừa là chính, cơ bản, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không chỉ cơ quan chuyên trách mà cả hệ thống chính trị, người dân đều phải có trách nhiệm vào cuộc, tạo ra mạng lưới phát hiện ma túy. Lực lượng chuyên trách của Công an là nòng cốt nhưng Hải quan, Bộ đội Biên phòng cũng tham gia lực lượng này nên có sự phối hợp.