Quang cảnh họp báo (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 7/12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Tại đây, thông tin về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Về cơ sở pháp lý, Quốc hội vừa thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), có nội dung về năng lượng hạt nhân; tới đây Chính phủ sửa Luật Năng lượng nguyên tử, do đó, hành lang pháp lý sẽ đầy đủ cho việc xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận (về các vấn đề công nghệ, an toàn về điện hạt nhân, đầu tư, xây dựng, an toàn, môi trường…). Bộ Công thương cũng tham mưu Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Chính phủ về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban.
Thứ trưởng cho biết, tái khởi động điện hạt nhân, thuận lợi là dự án tiếp nối sự chuẩn bị trước đó, cơ bản hiện nay đã đạt được sự đồng thuận rất cao. Khó khăn là cần phải tiếp tục nghiên cứu các khuyến cáo về lựa chọn công nghệ, vấn đề an toàn, nhất là nguy cơ có thể xảy ra sự cố…
Về dự thảo quy chế tuyển sinh đại học dự kiến áp dụng từ năm 2025 sẽ khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20%, 80% còn lại dành cho kỳ xét tuyển chung sẽ tạo thêm sự công bằng cho thí sinh xét tuyển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, thay đổi này nhằm bảo đảm công bằng, chất lượng, tạo thuận lợi cho các thí sinh và các trường.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, khi một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm thì giống như cuộc chạy đua, một cơ sở làm thì các cơ sở đào tạo khác không thể đứng yên được mà cũng phải lao vào cuộc canh tranh đó. Tất cả cùng vất vả, từ cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ, xét tuyển và các em học sinh đang học lớp 12 cũng đôn đáo chạy các chứng chỉ, làm hồ sơ, rồi các thầy cô giáo phải xác nhận các thủ tục giấy tờ… để gom tuyển sinh. Tất cả vất vả nhưng hiệu quả mang lại không cao. Cứ có 8 nguyện vọng trúng tuyển (trong xét tuyển sớm) thì chỉ có 1 nguyện vọng nhập học; hay có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì sau có 1 em nhập học (vì mỗi em trung bình có 4 nguyện vọng xét tuyển sớm). Điều đó dẫn đến tỷ lệ ảo cao, đẩy điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp rất cao, gây mất công bằng. Mặt khác, nhiều trường xét tuyển chỉ bằng học bạ 5 học kỳ, do đó học kỳ cuối lớp 12 các em gần như không học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Điều này các trường phổ thông phản ánh rất nhiều.
Khi giảm tỷ lệ xét tuyển sớm xuống, chỉ những em thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Các em tập trung vào đợt xét tuyển chung bảo đảm sự công bằng, chất lượng cũng như hiệu quả và thuận lợi. Ngày 6/12, Bộ đã tổ chức tọa đàm để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các trường, không ít trường đề nghị bỏ hẳn xét tuyển sớm, chỉ xét tuyển chung vào một đợt. “Chúng tôi sẽ cân nhắc việc này, liệu để 20% hay bỏ xét tuyển sớm để gộp vào xét tuyển chung một đợt. Bộ cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… của các trường. Lúc đó các trường chỉ xem xét các điểm, học sinh cũng yên tâm học hết lớp 12 và lựa chọn nguyện vọng. Các em không phải làm gì nhiều, không phải nộp hồ sơ qua đường giấy, không phải đến từng trường, chỉ lựa chọn đúng ngành, đúng trường trên hệ thống và tự động mọi việc đã được chuyển đổi số toàn diện.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã thông tin liên quan đến chủ trương, hướng xử lý chế độ đối với các cán bộ thuộc diện tinh gọn, giải thể cho thời gian tới khi thực hiện sắp xếp bộ máy.
Theo ông Vũ Đăng Minh, để có cơ sở tiến hành việc sắp xếp các tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu năng hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như chỉ đạo của Trung ương, Ban chỉ đạo sắp xếp Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở tiến hành sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức sau khi tiến hành sắp xếp. Hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định này.
Hiện nay, Bộ đang khẩn trương tiến hành đánh giá tác động, nghiên cứu sâu, đảm bảo tính khả thi của chính sách sau khi được ban hành; bảo đảm có cơ chế, chính sách phù hợp giải quyết cho cán bộ, công chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang các khu vực khác, không làm trong cơ quan nhà nước nữa, nhưng đồng thời phải có cơ chế giữ chân người tài trong nền công vụ và thu hút người tài năng trong nước và quốc tế vào nền công vụ.