Trong chặng đường lịch sử vẻ vang của toàn ngành, công tác Tuyên huấn của Đảng bộ TPHCM (tên gọi Tuyên huấn trong bài đại diện cho các giai đoạn ngành mang tên gọi khác nhau như Tuyên huấn, Tư tưởng Văn hóa, Tuyên giáo…) trải qua các thời kỳ cách mạng đã có những đóng góp quan trọng, luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên trận địa tư tưởng văn hóa của Đảng bộ Thành phố.
Ngành Tuyên huấn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định khởi đầu từ thời kỳ Đảng ta mới thành lập, hoạt động trên địa bàn trọng điểm trung tâm đầu não của thực dân phong kiến, ngành Tuyên huấn đã vận dụng sáng tạo các hình thức công khai hợp pháp để tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho báo chí, viết truyền đơn tuyên truyền và tài liệu huấn luyện cho đảng viên, xây dựng lực lượng và giáo dục để phát triển Đảng. Mặt khác công tác Tuyên huấn còn tập trung truyền đạt các tài liệu quan trọng của Hội nghị thành lập Đảng cho cơ sở, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, thành hệ tưởng của toàn dân, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong hoàn cảnh bị kẻ địch đàn áp, khủng bố tàn khốc, điều kiện hoạt động hết sức gian khổ, hiểm nguy, thường xuyên phải đối phó với sự vây ráp của kẻ địch; cán bộ, đảng viên ngành Tuyên huấn đã nêu cao phẩm chất và khí tiết người cộng sản, sẵn sàng hy sinh tính mạng, không sợ tù đày tra tấn, bám sát phong trào cách mạng để tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, đế quốc; góp phần quan trọng vào các cao trào cách mạng năm 1930 - 1931; cao trào đấu tranh dân sinh dân chủ (1936 - 1939), Sài Gòn là nơi khởi xướng và lan truyền các “Ủy ban hành động” vận động cho “Đại hội Đông Dương”, cùng các hoạt động làm sôi động Thành phố như báo chí [1], nghị trường, bãi công, bãi thị, bãi khóa… Đặc biệt Sài Gòn cũng là nơi nhen nhóm và chuẩn bị ráo riết, rồi bùng nổ (năm 1940) một cuộc khởi nghĩa toàn Xứ lần đầu tiên - Khởi nghĩa Nam kỳ[2], có quy mô rộng lớn nhất do Đảng lãnh đạo trước năm 1945; tiến tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Sài Gòn, Nam bộ lại nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, chỉ sau 29 ngày tự do ngắn ngủi. Nhiệm vụ cách mạng mới đặt ra cho công tác Tuyên huấn, công tác tư tưởng là động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kháng chiến cứu quốc, giữ vững chính quyền cách mạng. Công tác Tuyên huấn của Đảng bộ Thành phố cùng với các lực lượng khác nhanh chóng triển khai các chủ trương của Xứ ủy Nam bộ, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Tỉnh ủy Gia Định, nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, niềm tin vào thắng lợi đến các tầng lớp nhân dân thành phố. Công tác tuyên huấn giai đoạn này đóng vai trò trọng yếu, góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh của nhân tố con người Việt Nam; tập hợp lực lượng, khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, đáp ứng những đòi hỏi gay gắt của cuộc kháng chiến.
Từ tháng 11/1949 của Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn như được tiếp thêm sức mạnh trong hoạt động, chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ chính trị khi Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chính thức được thành lập.
Sau Hiệp định Gèneve 1954, công tác tuyên huấn ở miền Nam nói chung, Thành phố nói riêng tập trung phục vụ nhiệm vụ chiến lược đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước. Mở đầu là phong trào hòa bình (1/8/1954) đòi thi hành Hiệp định Genève ở ngay nơi Mỹ và chính quyền Sài Gòn vừa thiết lập đại bản doanh chế độ thực dân mới.
Đây là thời kỳ Tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định hoạt động hết sức phong phú, sôi nổi.
Nhân sĩ, trí thức thì ra tuyên ngôn với nhiều người ký tên, đăng lên báo, phát truyền đơn, bất hợp tác; nhà báo hướng dẫn dư luận có lợi cho cách mạng, khi thì tuyên bố “thọ nạn”, khi thì xuống đường “đi ăn mày”. Văn nghệ sĩ tập trung phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc. Học sinh - sinh viên ở Sài Gòn suốt thời kỳ chiến tranh là ngòi pháo cho phong trào đô thị miền Nam với những “Đêm không ngủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, đốt xe Mỹ trên đường phố… Quần chúng các giới tập hợp thành hơn 30 tổ chức, sáng tạo nhiều hình thức đấu tranh độc đáo và hiệu quả. Từ khi Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh; căn cứ Tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định phải di chuyển liên tục, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo về hệ thống hầm, địa đạo, nơi làm việc nên công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ và nhân dân nội, ngoại thành không bao giờ bị gián đoạn. Giai đoạn này Ban Tuyên giáo Thành phố cũng được tăng cường thêm hàng trăm cán bộ nên công tác Tuyên huấn được mở rộng và đi vào chiều sâu, nắm được nhiều tổ chức trong nội thành ở nhiều ngành, nhiều giới như học sinh, sinh viên, công nhân, trí thức, báo chí… Báo Ngọn Cờ Gia Định, Cờ Giải phóng, Báo Đấu tranh, Trí thức mới, Báo Khởi nghĩa… do Ban in không lúc nào ngưng phát hành. Ban Tuyên giáo Thành phố đã phát hành xuống cơ sở ấp chiến lược, vùng ven nhiều tài liệu, áp phích, khẩu hiệu, truyền đơn với số lượng lớn. Các đoàn Văn công, chiếu phim liên tục phục vụ đồng bào chiến sĩ. Ngoài phục vụ chuyên môn, Ban Tuyên huấn còn tổ chức tự vệ chiến đấu, chống càn, tiêu diệt địch; trong các cuộc chiến đấu oanh liệt đó, có hơn 123 cán bộ đã hy sinh và 64 cán bộ trở thành thương binh. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ngày 21/9/2018, Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định vinh dự được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Tuyên huấn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, hoạt động nơi đầu sóng ngọn gió trong thế trận chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và sáng tạo ra nhiều phương cách để tiến hành kháng chiến và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến; góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của Đảng bộ anh hùng, của miền Nam Thành đồng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đến nay, ở giai đoạn từ năm 1975 đến trước đổi mới, công tác Tuyên huấn đã tập trung vào một số công việc trọng tâm là tuyên truyền đường lối, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế; chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng đối với sĩ quan, binh lính, công chức của chế độ cũ nhằm ổn định tư tưởng trong nhân dân; đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch từ bên ngoài và trong nước. Đồng thời, bám sát thực tiễn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, cách làm mới, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới của đất nước, thành phố.
Song song với những công việc trên, công tác Tuyên huấn với tư cách là cơ quan tham mưu của cấp ủy đã xây dựng chương trình quán triệt những nội dung đường lối chiến lược của Trung ương, Thành phố tạo nên sự nhất trí cao trong Đảng và Nhân dân nhằm phát huy truyền thống cách mạng, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế xã hội trong giai đoạn cách mạng mới, cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn khó khăn trên thực tiễn và lý luận với việc mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô sụp đổ, ngành Tuyên huấn đã tham mưu cho Thành ủy nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả, góp phần ổn định tư tưởng và niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, đảng viên và nhân dân của Thành phố.
Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là từ khi Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 18/11/2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010; Kết luận 21-KL/TW, ngày 24/10/2017 sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, được Quốc hội thể chế hóa bằng Nghị quyết số 54/NQ-QH “Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”; ngành tuyên huấn hướng các nội dung hoạt động của toàn ngành vào công tác tuyên truyền, cổ động để phát huy tính năng động, sáng tạo, huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển toàn diện, đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển chung của cả nước.
Hiện nay trong bối cảnh cán bộ đảng viên, nhân dân còn nhiều vấn đề cần giải quyết; ngành tuyên giáo phải nỗ lực để giữ vững, xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng; nâng cao tính chiến đấu và tính thuyết phục; kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, tăng “sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên. Các “binh chủng” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa đều phải tham gia triển khai các nhiệm vụ một cách chủ động và với tinh thần trách nhiệm cao, nâng cao bản lĩnh chính trị, tầm trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Chủ động tham mưu cho Đảng bộ Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp theo 3 vấn đề cấp bách của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 02 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sau đó là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tập trung đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng bộ thành phố; tính thuyết phục làm căn cứ thực tiễn quan trọng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn, thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị của Thành phố. Tuyên truyền, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, triển khai việc xây dựng chính quyền đô thị và thành lập Thành phố Thủ Đức, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Đặc biệt, hiện nay trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền tập trung vào nhiệm vụ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khẳng định nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, các cộng đồng dân cư trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để chủ động, tích cực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tích cực phát hiện việc lan truyền các thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang trong cộng đồng hoặc tạo nhận thức không đúng về công tác phòng, chống dịch; các thông tin lợi dụng dịch bệnh để bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và công tác phòng, chống dịch. Từ đó, có biện pháp tuyên truyền để định hướng, đấu tranh phản bác, góp phần vạch trần tin giả, cung cấp nhanh thông tin đầy đủ cho người dân về tình hình dịch bệnh, ổn định đời sống và tâm lý người dân.
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
--------
[1] Báo Dân Chúng là tờ báo công khai của Trung ương Đảng, có số lượng phát hành lớn nhất so với các báo khác, mỗi số hơn 10.000 bản.
[2] Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong Khởi nghĩa Nam kỳ, sau đó Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941) đã quyết định: lá cờ Nam kỳ khởi nghĩa được chọn làm lá cờ của Mặt trận Việt Minh; Quốc dân đại hội Tân Trào và sau đó Quốc hội khóa I (năm 1946) quyết định lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.