Thứ Hai, ngày 2 tháng 12 năm 2024

Cựu thanh niên xung phong tận tâm truyền thụ môn võ Aikido

Võ sư đang hướng dẫn võ sinh những bài học cơ bản về bộ môn Aikido
(Thanhuytphcm.vn) - 24 năm qua, người thanh niên xung phong Ngô Khắc Hoàng công tác tại Nông trường Nhị Xuân ngày ngày vẫn miệt mài truyền thụ những tinh hoa của bộ môn Aikido cho các võ sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, TPHCM. Tại đây, hình ảnh một võ sư vẫn miệt mài truyền thụ những tinh hoa của bộ môn Aikido cho các võ sinh có hoàn cảnh khó khăn trở nên quen thuộc và cảm động bởi nơi đây không chỉ là nơi rèn luyện thể chất mà còn mang đến không khí của một gia đình…

Dạy học trò việc ‘lấy nhu chế cương”

Sinh năm 1954, với nhiệt huyết của thanh niên TPHCM vào những năm 1975-1980, chàng thanh niên Ngô Khắc Hoàng gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM và phục vụ tại Nông trường Nhị Xuân. Khi mới vào nông trường, ông cùng anh em khai hoang đất đai để trồng mía, cây điều, cây bạch đàn… Một thời gian sau được phân công là tiểu đội trưởng, hằng ngày, ông phải tiếp xúc, kiểm tra và quản lý nhiều thanh niên chậm tiến hoặc giang hồ bị đưa đi cải tạo do lực lượng TNXP quản lý. Đến năm 1984, ông xuất ngũ…

Ông kể, tập Taekwondo từ khi còn nhỏ, nhưng đến năm 1990, ông mới thật sự đến với Aikido, bắt đầu đam mê bộ môn Aikido và trở thành một trong những đệ tử xuất sắc của môn phái tại TPHCM. Đến năm 1993, ông bắt đầu đi dạy bộ môn Aikido và chính thức trở thành trợ lý huấn luyện viên tại Trung tâm Thể dục thể thao Phú Thọ, rồi trở thành huấn luyện viên tại Đạo đường Aikido 94B Điện Biên Phủ, Quận 1, TPHCM. Từ ngày đó, võ sư Khắc Hoàng quyết tâm nghiên cứu sâu hơn về chuyên môn trong võ đạo.

“Aikido không dùng để đánh nhau hay để trấn áp đối thủ bằng sức mạnh. Nó là môn võ dùng để chế ngự bạo lực của đối thủ, nó không gây đến sát thương đến sinh mạng của đối thủ. Vì thế, có thể nói nó là môn võ kêu gọi sự tôn trọng sinh mạng của con người” - võ sư Ngô Khắc Hoàng chia sẻ.

Khi được hỏi lý do vì sao ông chọn bộ môn Aikido mà không phải là bộ môn võ thuật khác để giảng dạy? Võ sư Ngô Khắc Hoàng bộc bạch: Những lớp thanh niên được tôi quản lý trong môi trường TNXP hầu hết là những người thanh niên còn trẻ tuổi, vì một phút nông nỗi không kiềm chế bản thân nên đã lầm lỡ. Vì thế, tôi chọn Aikido một phần vì nhớ đến những ngày tháng gắn bó trong TNXP, nó giúp tôi truyền đạt được đến học trò việc ‘lấy nhu chế cương”.

Mang đến hạnh phúc cho mọi người

Đến Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh một buổi chiều, hình ảnh một võ sư vẫn miệt mài truyền thụ những tinh hoa của bộ môn Aikido cho các võ sinh có hoàn cảnh khó khăn là hình ảnh quen thuộc của nhiều người khi những lớp võ của thầy Hoàng không chỉ là nơi rèn luyện mà còn mang đến không khí của một gia đình. Với các võ sinh có hoàn cảnh khó khăn thầy Hoàng luôn động viên khi có nhu cầu tham gia lớp học, thậm chí còn cho học miễn phí. “Tôi luôn nói với học trò mình phải cố gắng lấy tín nghĩa làm đầu, lấy võ đạo để cảm hóa chứ không phải để đối đầu vì nó đúng với tinh thần của môn võ Aikido” – võ sư Ngô Khắc Hoàng nói.

Em Lâm Nhật Thanh, mới theo học lớp võ gần một năm nay cho biết: “Sau giờ đi học em chỉ muốn đi học võ, em muốn giỏi võ để giữ gìn sức khỏe và tự vệ cho bản thân. Nhiều bạn có hoàn cảnh khó khan, thầy Hoàng nói tụi em thích thì cứ học, không phải đóng tiền. Mỗi lần nghe thế, chúng em thấy rất ấm áp và luôn cố gắng học hỏi hết mình về bộ môn này”. Đến nay, nhiều phụ huynh đưa con em mình đến lớp võ bày tỏ niềm vui khi nhìn con em luyện tập tích cực. Chị Nguyễn Huyền Mi, một phụ huynh có con tham gia lớp võ của thầy Hoàng từ những ngày đầu tiên, cho biết: “Bé Minh nhà tôi vốn rụt rè, sau gần 2 tháng học võ, bé dạn dĩ và khỏe mạnh hẳn ra; cười rất nhiều và ngày nào cũng háo hức được đến lớp”.

Nói về người thầy của mình, võ sư Lê Hoàng Mai - Trưởng Bộ môn Aikido Tân Bình, người nổi tiếng với những bài hướng dẫn tự vệ cho nữ công nhân viên chức - người lao động tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM và trên mạng xã hội. Ông kể: “Vì hoàn cảnh khó khăn, học đến lớp 9 tôi đã bỏ học và tự thân lập nghiệp tại Sài Gòn. Một ngày tình cờ đi ngang qua lớp Aikido của võ sư Hoàng, thấy hay nên xin vào học nhưng học được vài tháng thì hết tiền. Võ sư Khắc Hoàng thấy vậy đã dạy miễn phí cho tôi từ lúc đó. Càng học, càng trò chuyện với thầy, tôi nhớ mãi lời dạy của thầy Hoàng: học võ không phải để đánh nhau mà để tự vệ”. Võ sư Lê Hoàng Mai tâm sự: “Thầy Khắc Hoàng không chỉ là một người dạy võ mà còn là một người anh sẻ chia với tôi rất nhiều điều. Lúc đó, thầy tin tưởng cho tôi hỗ trợ để chỉ dẫn các bạn còn lại, đến bây giờ tôi muốn trả ơn cho thầy bằng cách truyền đạt môn võ này lại cho bất kỳ ai muốn học, đặc biệt là người khuyết tật”.

Lớp học của thầy Hoàng luôn mang không khí của 1 gia đình

Đến với Aikido xuất phát từ lòng đam mê võ thuật cùng niềm nhiệt huyết và thấu hiểu, đồng cảm, võ sư Ngô Khắc Hoàng đã và đang không ngừng tìm hiểu, luyện tập. Không dừng ở đó, ông còn truyền đạt kinh nghiệm sống của mình nhằm trao lại sự hiểu biết về kiến thức võ học cho thế hệ mai sau. Đến nay, đã có 8 sân võ Aikido từ Ninh Thuận đến Đà Nẵng và TPHCM ra đời, cùng nhiều võ sư thành đạt dưới sự huấn luyện của võ sư Ngô Khắc Hoàng mà thầy Hoàng đã truyền đạt.

Nguyễn Hoàng

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo