Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước: Phải đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước

ĐB Lê Thị Song An (Long An)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 24/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết. UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu; bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng và các trường hợp đặc biệt.

Về chỉ định thầu, để bảo đảm quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng, dự thảo luật mới đã theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Cụ thể: bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được; đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án; chỉnh lý quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn theo hướng áp dụng đối với một số gói thầu có tính đặc thù, liên quan đến bản quyền tác giả hoặc phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ; chỉnh lý quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế…

Về mua thuốc, vật tư y tế, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản liên quan về chỉ định thầu trong mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm vaccine trong quá trình thử nghiệm; áp dụng tùy chọn mua thêm, mua sắm tập trung; bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn nhà nước.

Cụ thể, tại dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DNNN thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Về vấn đề này, có 2 luồng ý kiến khác nhau, luồng ý kiến thứ nhất ủng hộ như tờ trình của Chính phủ, luồng ý kiến thứ 2 cho rằng, nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN khác… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này. Do đó, UBTVQH đề nghị các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến lựa chọn 2 phương án.

Thảo luận về dự thảo, ý kiến ĐBQH tập trung ở 2 vấn đề: đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế và áp dụng thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DNNN.

Về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, đáng chú ý, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, đề nghị quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu ngay trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này. Bởi trong thời gian qua, những sai phạm trong lĩnh vực y tế liên quan khá nhiều đến giá gói thầu. Song song đó, ĐB cũng đề nghị làm rõ quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ người dân. Quy định này rất cần thiết trên thực tế, nhưng khái niệm “gói thầu cần triển khai ngay” có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu.

Các đại biểu Quốc hội dự họp sáng 24/5 Các đại biểu Quốc hội dự họp sáng 24/5

Đáng chú ý, ĐB Lê Thị Song An (Long An) đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”. ĐB cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.

Một vấn đề mà các ĐB tập trung cho ý kiến, tranh luận phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với DNNN và dự án sử dụng vốn nhà nước như 2 luồng ý kiến trong báo cáo tiếp thu đã đề cập. Giải trình lại các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và kỹ thuật lập pháp. Bởi luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, gây khó khăn ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý nhà nước. “Ngay bản thân đấu thầu đã muôn hình vạn trạng, họ dùng đủ các mánh khóa, chiêu trò để lạng lách, chúng ta khó có đủ các quy định để che chắn đủ những chiêu trò đó, thực tiễn đấu thầu đã xảy ra như vậy” - Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề lựa chọn nhà thầu đối với DNNN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. Phương án Chính phủ vừa đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các DNNN, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý của nhà nước tại tại các doanh nghiệp.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo