Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đồng chí Võ Văn Kiệt và những năm tháng sôi động tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh

Đồng chí Võ Văn Kiệt trong buổi khánh thành đường sắt Thống Nhất đến TPHCM giữa rừng cờ hoa của cán bộ, nhân dân TPHCM ra sân ga đón chào. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - “Gần 70 năm hoạt động cách mạng vô cùng phong phú và sôi nổi, từ khi còn lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long, ở Tây Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định rồi Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo của cả nước, cuộc đời đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, oanh liệt và vẻ vang của Đảng và nhân dân ta”[1]. Trong đó, những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng chính là những năm tháng đồng chí Võ Văn Kiệt kiên cường bám trụ cùng quân và dân Sài Gòn - Gia Định; và khi 5 cánh quân ào ào như thác đổ tiến về Sài Gòn trong mùa Xuân đại thắng 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng chính là người được giao nhiệm vụ tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được của những năm tháng đầu tiên sau giải phóng. 

Từ “Đồng khởi” đến “Mậu Thân”, những năm tháng kiên cường bám trụ cùng đồng chí, đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vượt qua mưa bom bão đạn, vừa xây dựng lực lượng, vừa anh dũng đấu tranh cho ngày toàn thắng

Khi Hiệp định Genève được ký kết, vĩ tuyến 17 ngăn cách hai bờ sông Bến Hải, người dân Việt Nam vẫn tin rằng, việc chia cắt này chỉ là tạm thời và đất nước sẽ thống nhất bằng một cuộc Tổng tuyển cử tự do và dân chủ. Thế nhưng, người Mỹ thay chân Pháp vào Đông Dương, cầu Hiền Lương mang trên mình một nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất non sông. Từ đây, dân tộc Việt Nam đã phải đi thêm 21 năm nữa mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Dưới sự bảo trợ của Mỹ, chỉ trong 2 năm 1955 - 1956, quân đội Sài Gòn đã lên đến 175.000 quân thường trực và 75.000 cảnh sát dã chiến. Tháng 5 năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59, phát động chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” đẫm máu trên toàn miền Nam. Cách mạng miền Nam lúc này, chủ yếu chỉ là đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Genève, không có lực lượng vũ trang, hoàn toàn mất khả năng tự vệ nên bị đàn áp, bắt bớ, giết hại dã man. Cũng chính trong bối cảnh đó, đồng chí Võ Văn Kiệt, Xứ ủy viên, Phó Bí thư Liên tỉnh ủy miền Tây, được Xứ ủy Nam Bộ điều động về công tác tại Sài Gòn - Chợ Lớn[2].

Trong gần 20 năm trước đó, đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ hoạt động tại miền Tây Nam Bộ, chưa hoạt động trong môi trường đô thị bao giờ, lại còn là đô thị lớn nhất miền Nam, “…là trung tâm chính trị quân sự, kinh tế, văn hóa của ngụy quyền: nơi tập trung cơ quan đầu não của ngụy quyền, ngụy quân; … là nơi có dân số đông. Sài Gòn là nơi quần chúng rất cách mạng, nhưng cũng là sào huyệt cuối cùng của tất cả các bọn phản động nhất”[3], nhiệm vụ mới này thật sự là một thử thách lớn đối với người chiến sĩ cách mạng Võ Văn Kiệt. Bên cạnh đó, tình hình cách mạng tại Sài Gòn - Chợ Lớn lúc này có thể nói là muôn vàn khó khăn. Dưới lưỡi dao máy chém của Luật 10/59, các cơ sở Đảng trong nội thành đổ vỡ hàng loạt, cán bộ đảng viên và cả quần chúng nhiệt thành với cách mạng, người thì bị giết, người thì bị bắt, bị tra tấn, kẻ thì sợ hãi cung khai hay tự đầu thú. Khi nhắc đến giai đoạn này, đồng chí Mai Chí Thọ hồi tưởng: “Đúng như Sấm Trạng Trình, mười người chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình. Tình hình nó bi đát như thế. Thậm chí, nhiều khi nhận được báo cáo, không muốn mở ra coi. Lớp thì bị bắn giết, lớp thì bắt bớ, lớp thì bị tan rã. Lớp thì rất nhiều cái người có thể nói là rất hoang mang thất vọng. Bởi họ thấy rằng không tự vệ được, thành thử ra mất tinh thần ra đầu hàng đầu thú”[4].

Trong tình hình này, nhiệm vụ Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đối với đồng chí Võ Văn Kiệt thực sự là một thử thách vô cùng lớn. Làm sao để xây dựng lại lực lượng? Làm sao để khôi phục tổ chức cơ sở Đảng? Làm sao để phát triển đảng viên? Làm sao để đưa phong trào cách mạng lên cao? Hàng loạt câu hỏi cần phải có lời giải. Với bản lĩnh và kinh nghiệm hoạt động của mình, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nhanh chóng nắm bắt tình hình đảng viên và cơ sở Đảng, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng và sắp xếp tổ chức.

Đứng trước những thiệt hại của tổ chức Đảng tại Sài Gòn - Chợ Lớn, Khu ủy đã lựa chọn một số đảng viên và nòng cốt tích cực đưa ra vùng Bời Lời (Tây Ninh) để dự một lớp huấn luyện với mật danh là lớp “Rừng xanh”, nhằm đào tạo gấp những cán bộ cốt cán để đưa về gây dựng lại cơ sở trong nội thành. Đồng thời, với nhãn quan sắc bén của một nhà cách mạng lão luyện, đồng chí Võ Văn Kiệt nhận thấy nội thành Sài Gòn không thể tách rời vùng nông thôn ngoại thành thuộc tỉnh Gia Định và cơ quan lãnh đạo thành phố cần có căn cứ ở nông thôn làm chỗ đứng chân. Do đó, đồng chí đã kiến nghị với Xứ ủy sáp nhập hai Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định thành một Đảng bộ lấy tên là Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định. Được sự đồng ý của Xứ ủy Nam Bộ, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được thành lập và họp hội nghị mở rộng đầu tiên tại xã An Khánh, Bến Cát, Bình Dương để sắp xếp tổ chức, đồng chí Võ Văn Kiệt giữ nhiệm vụ Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Nghị quyết 15 của Đảng như ngọn hùng phong thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng tại miền Nam, nhân dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất tề đứng dậy làm nên “Đồng khởi”, chuyển trạng thái từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Qua hai đợt “Đồng khởi”, đến giữa năm 1961, vùng nông thôn ngoại thành Sài Gòn - Gia Định đã có 30 xã được giải phóng, nối liền với vùng giải phóng rộng lớn của Tây Ninh, Bình Dương, tạo ra vùng căn cứ tương đối an toàn cho Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và Xứ ủy Nam Bộ. Qua thực tiễn cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định nhận thấy cách tổ chức và hoạt động của các lực lượng vũ trang như các tỉnh đồng bằng Nam Bộ có vùng giải phóng rộng lớn chỉ có thể phù hợp với địa bàn Củ Chi, còn ở những nơi khác phải có hình thức tổ chức thích hợp, hoạt động theo phương châm: đánh đau, đánh hiểm nhưng không lộ mặt. Sự chỉ đạo sát đúng này đã tạo cho phong trào chiến tranh du kích phá triển nhanh, đánh địch ngày càng có hiệu quả.

Với tinh thần gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Khu ủy Sài Gòn - Gia Định luôn tìm tòi sáng tạo góp phần lãnh đạo quân và dân ta đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của kẻ thù. Tiếp nối những ngày rực lửa trong phong trào “Đồng khởi”, hàng loạt các phong trào đấu tranh chính trị nổ ra, từ tự phát tiến dần đến tự giác. Đứng trước cao trào đấu tranh chính trị của nhân ta và các chiến thắng của lực lượng vũ trang, từ giữa năm 1964, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và dựa trên tình hình thực tế của chiến trường miền Nam; Trung ương Cục đã vạch ra kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa với mật danh “Kế hoạch X”, nhằm đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch giành thắng lợi cuối cùng. Tháng 4 năm 1965, tại Suối Dây (Tây Ninh), Hội nghị cán bộ Khu ủy do hai đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Trung ương Cục và đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc, Út) - Bí thư Trung ương Cục chủ trì, để nhận định tình hình tại chỗ và quyết định các phương án “Kế hoạch X”; tăng cường công tác tổ chức chỉ đạo. Trung ương Cục quyết định tăng số cấp ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định từ 13 lên 31 đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn Linh kiêm Bí thư Khu ủy, đồng chí Võ Văn Kiệt lúc này giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu. Trong lúc “Kế hoạch X” đang được tiến hành thì đến giữa năm 1965, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã quyết định đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp tham chiến tại chiến trường này và chuyển sang thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, thay đổi căn bản tình hình của chiến trường miền Nam. Phương án đánh thắng địch bằng “Kế hoạch X” trong “Chiến tranh đặc biệt” đã không còn điều kiện thực hiện nữa. Đến đầu năm 1966, đồng chí Nguyễn Văn Linh trở về Trung ương cục, đồng chí Võ Văn Kiệt trở lại chức vụ Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Tình hình lúc này đã có nhiều biến đổi, phong trào cách mạng không những không lắng xuống dưới sự hiện diện của quân Mỹ, mà lại có bước phát triển đi lên. Mỹ càng leo thang chiến tranh, phong trào toàn dân chống Mỹ càng diễn ra quyết liệt. Mùa khô 1965 - 1966 và mùa khô 1966 - 1967, hai mùa khô tấn công ác liệt nhất của đế quốc Mỹ, cũng chính là hai mùa khô bám trụ kiên cường, vững vàng trước mưa bom bão đạn mà kẻ thù dội xuống quân và dân Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng Khu ủy lãnh đạo quân - dân Sài Gòn - Gia Định, mà chủ đạo là nhân dân, du kích, lực lượng vũ trang tại Củ Chi, chiến đấu chống lại các trận càn của quân Mỹ vào căn cứ bắc Củ Chi. Từ “Cái Bẫy” (Crimp) cho đến “Bóc vỏ trái đất” (Cedar Falls), từ xe tăng, pháo bầy cho đến B52 rải thảm…, đế quốc Mỹ đã dùng mọi cách để bẻ gãy “mũi tên đáng sợ chỉa thẳng vào Sài Gòn”[5], song chúng đều thất bại. Dưới hỏa lực kinh hoàng của bom đạn Mỹ, đồng chí Võ Văn Kiệt và Khu ủy Sài Gòn - Gia Định vẫn kiên cường bám trụ lãnh đạo phong trào cách mạng.

Cũng trong khoảng thời gian này (1966 - 1967), trong nội đô thành phố, lực lượng vũ trang Quân khu Sài Gòn - Gia Định, đã đánh những trận đánh tiêu biểu của lối đánh đặc công biệt động, tạo được tiếng vang lớn, như trận đánh vào sân bay Tân Sân Nhất, trận pháo kích vào lễ “Quốc khánh” đệ nhị cộng hòa, pháo kích vào nhà riêng Westmoreland,… Song song đó, với nội dung chủ yếu là chống Mỹ, lật đổ chính quyền Thiệu - Kỳ, cao trào đấu tranh chính trị ở đô thị đã phát triển mạnh mẽ. Ba tháng đầu năm 1966 có 125 cuộc đấu tranh của công nhân lao động. Bước sang năm 1967, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Võ Văn Kiệt, nội dung, hình thức phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở nội thành càng phát triển đa dạng và phong phú.

Trước tình hình đó, tháng 6 năm 1966, tại Hà Nội, trong cuộc họp giữa Tổ Thường trực Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương, Sài Gòn đã lần đầu xuất hiện trong một báo cáo quân sự, như một hướng chiến trường cùng với Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Khu 5 và Trị - Thiên. Dự kiến trong năm 1966 - 1967, sẽ sử dụng 4 khối chủ lực tiến công trên 4 chiến trường: Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Khu 5 và Trị - Thiên, kết hợp với khởi nghĩa ở Sài Gòn[6]. Tiếp sau đó, trong thư gửi cho Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tháng Giêng năm 1967, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ ra rằng: “…trong một giai đoạn nhất định, cuộc chiến tranh cách mạng vừa quân sự vừa chính trị của ta sẽ phát triển đến tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhằm đánh bại về cơ bản lực lượng quân sự, chính trị của địch ở tất cả các vùng do chúng kiểm soát, mà hướng chính là thành thị.”[7]. Vào tháng 1/1967, Hội nghị Trung ương 13 (khóa III) có bước chuẩn bị cho tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Có thể nói, quyết tâm đánh một đòn quyết định trên chiến trường miền Nam, mà mục tiêu chính là đô thị, của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã được hình thành.

Đến giữa năm 1967, sau thất bại của cuộc hành quân Junction City, Mỹ - ngụy chuyển từ thế phản công chiến lược sang thế phòng ngự chiến lược. Tháng 10/1967, Trung ương Cục chính thức nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng về tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Ngày 25/10/1967, Trung ương Cục miền Nam đã ra nghị quyết về tiến hành tổng công kích – tổng khởi nghĩa (gọi là nghị quyết Quang Trung). Tại Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm tổng tiến công, Trung ương Cục quyết định giải thể Khu Sài Gòn - Gia Định, thành lập “Khu trọng điểm” gồm Sài Gòn và một số huyện thuộc các tỉnh lân cận, phân công đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Khu Trọng điểm, đồng chí Võ Văn Kiệt và Trần Văn Trà làm Phó Bí thư. Đồng thời, thành lập 2 Bộ Chỉ huy Tiền phương, Bộ Chỉ huy Tiền phương Bắc (gồm đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh) và Bộ Chỉ huy Tiền phương Nam (gồm đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng)[8].

Ngày 16/4/1976 UBMTDTGP TP.HCM làm lễ ra quân do các đoàn tình nguyện đi  lao động xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Võ Văn Kiệt, Chủ tịch UBNDCM TP.HCM  kêu gọi mọi người hăng hái than gia sản xuất. (Ảnh: TTXVN) Ngày 16/4/1976 UBMTDTGP TP.HCM làm lễ ra quân do các đoàn tình nguyện đi lao động xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Võ Văn Kiệt, Chủ tịch UBNDCM TPHCM kêu gọi mọi người hăng hái than gia sản xuất. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Chỉ huy Tiền phương Nam do đồng chí Võ Văn Kiệt phụ trách, chỉ huy các mũi phía Nam, một phần Tây Nam, gồm các Phân khu 2,3,6; đồng thời lãnh đạo quần chúng nổi dậy ở nội thành. Khi họp với các lãnh đạo quân sự của biệt động thành, nghe báo cáo kế hoạch tấn công 10 mục tiêu ở trung tâm Sài Gòn là những cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn như: Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (Dinh Độc Lập), Đài phát thanh, Đài truyền hình, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ Đô, Khám Chí Hòa... Đồng chí Võ Văn Kiệt đặt vấn đề: “Tại sao không đánh vào Đại sứ quán Mỹ”.  Và thế là Đội Biệt động số 11 được gấp rút thành lập, với Đội trưởng là Ngô Thành Vân (Ba Đen), nhằm tấn công mục tiêu này. Đại sứ quán Mỹ là mục tiêu được lựa chọn sau cùng, nhưng lại là mục tiêu quan trọng nhất, tạo tiếng vang lớn nhất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, điều đó cho thấy tư duy chiến lược và nhãn quan chính trị sắc bén của đồng chí Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiền phương Nam Võ Văn Kiệt. Việc đánh chiếm và trụ lại trong Tòa Đại sứ Mỹ đến 6 giờ đồng hồ đã gây một tiếng vang lớn làm tất cả các cấp chỉ huy quân sự, ngoại giao ở Sài Gòn và cả ở nước Mỹ bàng hoàng sửng sốt.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, Bộ Chỉ huy tiền phương Nam của đồng chí Võ Văn Kiệt đã vào sát cửa ngõ Sài Gòn, khu vực Bình Chánh. Đồng chí Huỳnh Văn Cang[9], Thư ký đồng chí Võ Văn Kiệt trong giai đoạn này, kể lại: khi được hỏi “Anh đi chiến trường, thì việc bảo vệ anh như thế nào?”; đồng chí Võ Văn Kiệt trả lời ngay: “Mỗi người đi kháng chiến, từ người chỉ huy cao nhất cho tới người chiến sĩ, ai cũng phải đứng đúng vị trí của mình. Tôi là Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Tiền phương Nam, thì tôi phải đứng đúng vị trí của người Tư lệnh Tiền phương, chứ không thể vì sợ chết mà lại ở xa cách vị trí của mình được”[10].  Mặc dù có nhiều lời khuyên đồng chí Võ Văn  Kiệt nên ở lại căn cứ nhưng đồng chí vẫn kiên quyết vào nội thanh, điều đó thể hiện hùng tâm của một nhà lãnh đạo cách mạng, một con người không ngại hiểm nguy, sẵn sàng có mặt tại nơi hiểm yếu nhất để trực tiếp chỉ đạo.

“Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”[11] và cũng thật là trùng hợp từ khi Nghị quyết 15 ra đời cho đến Mậu Thân cũng là 9 năm, từ khi đồng chí Võ Văn Kiệt nhận nhiệm vụ tại khu Sài Gòn - Chợ Lớn cho đến Mậu Thân cũng là 9 năm. Chín năm xây dựng lực lượng, chín năm nếm mật nằm gai, kiên cường bám trụ dưới mưa bom bão đạn, vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Khu ủy lãnh đạo phong trào cách mạng Sài Gòn - Gia Định thực hiện xuất sắc những chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; những chỉ đạo sâu sát của Trung ương Cục, tạo nên một cơn bão táp cách mạng Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn, mà tiếng sấm động của nó làm rung chuyển từ Nhà Trắng đến Ngũ Giác Đài, mở ra một giai đoạn mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Những năm tháng sau Mậu Thân, cơ sở vỡ gần hết, lực lượng thì hy sinh và bị bắt bớ; sau khi tái lập, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định không còn chỗ đứng chân mà phải di chuyển từ Mỹ Tho sang Trà Vinh, về Bến Tre và thậm chí đến tận Ba Thu (biên giới Campuchia). Có thể nhận định tình hình lúc này khó khăn gần giống với thời kỳ sau Luật 10/59. Đồng chí Võ Văn Kiệt lại một lần nữa cũng với Thành ủy từng bước ổn định tình hình, động viên tư tưởng đảng viên và quần chúng, từng bước xây dựng lại lực lượng. Các hội nghị Thành ủy mang mật danh “Bình Giã” đã có những nhận định sát với tình hình thực tế và đề ra được những giải pháp đúng đắn để xây lựng lại lực lượng và khôi phục phong trào cách mạng. Với những chỉ đạo đúng đắn về chuyển hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Trung ương Cục, đô thị không còn là trọng điểm đấu tranh về quân sự nữa mà chủ yếu là đấu tranh chính trị và binh vận, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng chính trị trong mọi tầng lớp nhân dân.

Tháng 1/1971, đồng chí Võ Văn Kiệt được Trung ương Cục điều về làm Bí thư Khu ủy Tây Nam bộ. Hơn 10 năm (từ 1959 - 1970) hoạt động tại Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí đã bám sát địa bàn, thời gian dài bám trụ ở Củ Chi, nhiều lần ra vào nội thành, chỉ đạo sát sao việc xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang ngay trong nội thành, phát triển các lực lượng cốt cán, tổ chức các phong trào đấu tranh của các giới đồng bào,… Những tháng ngày gian khổ thực hiện công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ngay trong sào huyệt của đối phương, những bước thăng trầm, những nỗi đâu khi mất đi người thân không thể nào lay chuyển được ý chí của chiến sĩ cộng sản kiên cường. Đối diện với muôn vàn khó khăn thử thách, đối diện với gian lao và hiểm nguy, với một nghị lực phi thường, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn phấn đấu hoàn thành một cách tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng giao phó.

Từ tiếp quản Sài Gòn - Gia Định, đến xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, những bước đi… vượt qua chông gai thử thách, ổn định tình hình, tạo tiền đề cho hình thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước

Đại thắng mùa Xuân 1975 đem lại thắng lợi trọn vẹn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, “xế chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt, Thường vụ Trung ương Cục, đặc trách công tác chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn - Gia Định và đồng chí Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng đoàn tiền trạm của Thành ủy vào đến Trường Pétrus Ký (nay là Trường Phổ thông trung học Lê Hồng Phong)…”[12], những ngày sau đó, chính quyền cách mạng phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội phức tạp do tàn dư chế độ cũ để lại, như ma túy, lưu manh bụi đời cướp giật. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền quân quản lúc này, là nhanh chóng ổn định tình hình, củng cố chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân. Đến đầu năm 1976, Ủy ban Quân quản đã hoàn thành nhiệm vụ và được thay thế bằng Ủy ban nhân dân cách mạng. Đến thời điểm này, tính hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thành phố từng bước đi vào ổn định, đời sống nhân dân trở lại bình thường, các khu chợ lại tấp nập hoạt động mua bán.

Ngày 20 tháng 1 năm 1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Quyết định số 03/QĐ-76 công nhận Ủy ban nhân dân cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đồng chí Võ Văn Kiệt là Chủ tịch, các Phó Chủ tịch: đồng chí Mai Chí Thọ, đồng chí Lê Đình Nhơn, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu. Phát biểu tại lễ ra mắt, đồng chí Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Thành phố khẳng định: “Ý thức được vấn đề hàng đầu và cơ bản của cách mạng là vấn đề chính quyền, sau khi giải phóng, đi liền với việc đập tan bộ máy chính quyền cũ và truy quét tàn binh địch, trấn áp bọn phản cách mạng, chúng ta đã khẩn trương xây dựng và từng bước củng cố chính quyền cách mạng các cấp. … Chúng ta đã từng bước ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo đảm các sinh hoạt và hoạt động bình thường của nhân dân thành phố, đưa tình hình thành phố đi vào chiều hướng ngày càng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc từng bước ổn định đời sống quần chúng, bắt tay vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thành phố”[13].

Sau giải phóng, một trong những vấn đề lớn là phải tìm được hình thức tổ chức thích hợp để huy động và sử dụng lực lượng thanh niên thành phố, góp phần khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, cải tạo và xây dựng lại thành phố. Trước yêu cầu bức bách ấy, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố chủ trương thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong để tập hợp một bộ phận thanh niên vào tổ chức, tạo điều kiện cho tuổi trẻ phát huy trí tuệ và sức lực của mình xây dựng đất nước và thông qua lao động để rèn luyện, giáo dục lớp người thanh niên mới. Ngày 15 tháng 3 năm 1976, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 06 phát động “Phong trào thanh niên lao động tình nguyện khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu đẹp” nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Quán triệt chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy, sáng ngày 28 tháng 3 năm 1976, Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh Thành phố tổ chức trọng thể Ngày hội Thanh niên ra quân lao động sản xuất tại sân vận động Thống Nhất. Ngày hội có sự góp mặt của hơn 20.000 đoàn viên thanh niên các quận nội, ngoại thành, các cơ quan, xí nghiệp, các lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố.

Xác định khôi phục và phát triển kinh tế là trọng tâm hàng đầu của Thành phố. Chính vì thế, việc tập hợp, xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn về phát triển kinh tế là hết sức quan trọng. Nhận thức rõ điều này, đồng chí Võ Văn Kiệt trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng, người chịu trách nhiệm cao trước Thành ủy, trước nhân dân Thành phố về tình hình phát triển kinh tế, với tinh thần hết sức cầu thị, đã cùng Thường vụ Thành ủy thống nhất thành lập Nhóm Chuyên viên Kinh tế của Thành ủy. Ngày 12 tháng 6 năm 1976, Thường vụ Thành ủy đã ban hành “Thông báo Quyết định về tổ chức và nhiệm vụ của Nhóm Chuyên viên Kinh tế của Thành ủy” và đến ngày 21 tháng 6 năm 1976, Thường trực Thành ủy thông qua Đề án về nội dung công tác và lề lối làm việc của Nhóm Chuyên viên Kinh tế, đồng thời thông báo đến các ngành, các cấp có liên quan để giúp đỡ và phối hợp công tác[14].

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Võ Văn Kiệt giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. 

Ngày 28 tháng 12 năm 1976, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, phương hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp và cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới ở khu vực ven đô và ngoại thành trong 5 năm từ 1976 đến 1980. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ, phương hướng, mục tiêu chủ yếu cần đạt đến trong kế hoạch 5 năm 1976-1980: “Về nông nghiệp, Thành phố sẽ triệt để thủ tiêu quyền sở hữu và bóc lột phong kiến, đẩy mạnh hợp tác hóa đi lên với thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ khí hóa, hóa học hóa, sử dụng giống mới (cây trồng và vật nuôi). Tích cực khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, thâm canh, tăng năng suất trên từng vùng sản xuất chuyên môn hóa,… Về công nghiệp chế biến thực phẩm thịt, cá, rau, trái, cần khôi phục phát triển thành mạng lưới rộng khắp và cân đối từ nội thành, ven đô đến ngoại thành. Hết sức coi trọng tổ chức lại ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các quận ngoại thành, để vừa phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, cho xây dựng cơ bản ở nông thôn, vừa làm ra các mặt hàng tiêu dùng có tính chất mỹ nghệ cho đời sống nhân dân và cho xuất khẩu tiêu dùng có tính vật dụng hằng ngày”[15].

Đồng chí Võ Văn Kiệt đi thăm và nói chuyện với đồng bào ở các hòm phiếu trong huyện Củ Chi (25/4/1976). (Ảnh tư liệu) Đồng chí Võ Văn Kiệt đi thăm và nói chuyện với đồng bào ở các hòm phiếu trong huyện Củ Chi (25/4/1976). (Ảnh tư liệu)

Trong hai năm 1975 - 1976, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, khôi phục kinh tế và ổn định một bước đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bước vào năm 1977, ngành công nghiệp Thành phố thiếu nguyên liệu, phụ tùng thay thế, một số cơ sở phải đóng cửa. Giai đoạn 1978 - 1981, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước lâm vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội, thời điểm này thiên tai hết sức khắc nghiệt tàn phá vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long; khó khăn lại chồng chất khó khăn khi chiến tranh biên giới Tây Nam (1978 - 1979) nổ ra. Thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố lớn, đông dân, là trung tâm kinh tế của cả nước, đứng trước muôn vàn khó khăn; vừa phải chăm lo miếng ăn cho hàng triệu dân, vừa phải phát triển sản xuất, đồng thời phải có trách nhiệm hỗ trợ cho các vùng khác. Đồng chí Võ Văn Kiệt với vai trò là người lãnh đạo cao nhất của Thành phố, đã cùng Ban Thường vụ Thành ủy và Thành ủy tập trung tháo gỡ từng vướng mắc, sao cho các nhà máy, xí nghiệp có đủ nguyên liệu vật tư để sản xuất, sao cho người dân Thành phố có đủ lương thực để ăn. Với những kinh nghiệm đã qua, nhất là từ sau ngày giải phóng, trên cơ sở phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến công, tự lực tự cường, tích cực, chủ động, sáng tạo, không chịu bó tay trước khó khăn, tinh thần chịu trách nhiệm và chăm lo đời sống nhân dân; mặt khác khơi dậy và động viên các yếu tố tích cực, khả năng cách mạng và tinh thần làm chủ tập thể của đông đảo nhân dân, nhất là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, lao động, tầng lớp thanh niên, lực lượng xung kích của phong trào; với sự lãnh đạo và chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp của Trung ương cùng với sự giúp đỡ tận tình, to lớn của các tỉnh bạn, đồng chí Võ Văn kiệt đã cùng Đảng bộ Thành phố từng bước tháo gỡ các vướng mắc, mạnh dạn thực hiện các biện pháp sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, qua đó khắc phục và vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định đời sống nhân dân và tình hình các mặt của Thành phố.

Trước tình hình khó khăn về lương thực, dẫn đến tình trạng thiếu đói của một bộ phận nhân dân Thành phố, bên cạnh việc cho phép Công ty Lương thực về đồng bằng sông Cửu Long mua lương thực trong dân, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thảo luận cùng Ban Thường vụ Thành ủy và ban hành Thông tri số 69, ngày 11 tháng 11 năm 1978 hướng dẫn cứu trợ cho những gia đình thiếu đói. Đối với những người hoặc hộ gia đình đang thiếu đói, các nơi nắm chắc thì các cấp ủy và ủy ban địa phương, ban phụ trách các cơ quan đơn vị phải có trách nhiệm giải quyết ngay[16]. Song song đó, quán triệt đường lối cải tạo và xây dựng nông thôn của Đảng, vận dụng vào điều kiện, đặc điểm cụ thể của nông thôn ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 1978, Ban Thường vụ Thành ủy triệu tập hội nghị với đại biểu các huyện ngoại thành để bàn về công tác cải tạo nông nghiệp Thành phố. Đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, trực tiếp chủ trì buổi họp. Hội nghị đã tiến hành trao đổi, thảo luận và đánh giá cụ thể tình hình thực tiễn của phong trào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hội nghị khẳng định: Cần quán triệt đường lối cải tạo và xây dựng nông thôn theo chủ trương của Đảng, vận dụng vào điều kiện, đặc điểm riêng của từng vùng nông thôn ngoại thành một cách hợp lý; đưa phong trào cải tạo nông nghiệp tiến lên mạnh và vững chắc[17].

Tháng 8/1979, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (Khóa IV) họp về “Tình hình cấp bách” với yêu cầu: “Tình hình kinh tế và đời sống nhân dân đang có nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước phải có những chủ trương và biện pháp cấp bách, mạnh mẽ, kiên quyết, đem lại hiệu quả thiết thực nhằm đẩy mạnh sản xuất và đảm bảo đời sống nhân dân...” [18]. Sau gần một năm quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV), tháng 10/1980, trong Báo cáo “Tình hình Thành phố hơn ba năm qua, phương hướng cơ bản những năm trước mắt” trình bày trước Đại hội Đại biểu Lần thứ II của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã khẳng định: “Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) là một nguồn sức mạnh mới, mở ra những hướng suy nghĩ mới, những hướng làm ăn mới nhằm đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân... Đại hội Đại biểu lần thứ II này của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh là đại hội chấp hành sự chuyển hướng chính sách kinh tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giải phóng sức sản xuất, cải tiến phân phối lưu thông, xoay chuyển tình thế, đẩy mạnh sản xuất, trên cơ sở đó mà ổn định đời sống”[19].

Nhìn lại thời gian từ tháng 4/1977 đến tháng 10/1980, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt và Ban Thường vụ Thành ủy, Đảng bộ cùng Nhân dân Thành phố đang ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ I, thì các thế lực thù địch từ bên ngoài đã phát động cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới. Quán triệt đường lối của Trung ương Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Thành phố phát huy truyền thống cách mạng, tập trung cải tạo, phát triển sản xuất, các nhà máy duy trì sản xuất sau cải tạo, đảm bảo cho người công nhân làm việc. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp bước đầu phát triển sản xuất, thu hút lao động. Nông nghiệp được phục hồi, nông dân trở về quê cũ sản xuất, ổn định đời sống. Xây dựng cơ bản và quản lý đô thị có kết quả, giáo dục y tế có nhiều tiến bộ. Có thể khẳng định: “Sau hơn 5 năm cầm quyền, Đảng bộ liên tục giữ được nhiệt tình cách mạng, thủy chung gắn bó với quần chúng, mau chóng hình thành được tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, có bước trưởng thành nhất định, tích lũy được một số vốn kinh nghiệm trên tất cả các mặt hoạt động, được biểu hiện tập trung ở hàng loạt đối sách chính trị phù hợp trước tình hình phức tạp, ở nhiều nghị quyết công tác đúng đắn và ở nhiều điển hình tiên tiến. Chính sự trưởng thành và vốn kinh nghiệm đó là nhân tố quyết định, nhân tố sáng tạo, bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và nghị quyết của Đảng, Nhà nước”[20]. Ngày 5 tháng 11 năm 1980, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa II họp phiên thứ nhất, bầu Ban Thường vụ Thành ủy gồm 16 đồng chí. Đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Thành ủy.

Trong điều kiện bị bao vây, cấm vận hết sức khắc nghiệt, trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, ngay cuối thập niên 70, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng tập thể Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy hết lòng lo cho bữa ăn của nhân dân, chạy gạo và thực phẩm cho dân, tìm nguyên liệu cho sản xuất,… đã nhận định và đề ra những chủ trương đúng đắn, tìm ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển lực lượng sản xuất, đã tác động “cởi trói”, làm cho sản xuất “bung ra”, công nhân có việc làm, nhà máy tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Những tháo gỡ này đã làm thấy rõ sự bất cập của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, qua đó xây dựng nền móng, một số mô hình, điển hình tiên tiến về cách làm ăn mới, sáng tạo. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp quan trọng, tạo nên cơ sở thực tiễn phong phú, góp phần hình thành đường lối Đổi mới của Đảng.

“Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[21], đồng chí Võ Văn Kiệt đã sống một cuộc đời trọn vẹn hiến dâng cho quê hương đất nước, cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Gần 70 năm theo Đảng, đó là những năm tháng mà ý chí và hành động cách mạng ở đồng chí luôn song hành với nhau, đã nói là làm và đã làm là làm đến nơi đến chốn. Với gần 20 năm lãnh đạo Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, chiến trường trọng điểm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đầu tàu kinh tế của cả nước; đồng chí luôn vượt qua mọi khó khăn thử thách, cho dù đó là sự ác liệt của chiến tranh, nỗi đau đớn khi mất đi những người thân yêu nhất của mình, hay là những khó khăn của việc lèo lái một thành phố lớn vượt qua phong ba bão táp ổn định cuộc sống người dân và phát triển kinh tế. Có thể nói, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, tên tuổi và công lao của đồng chí gắn liền với những trang sử vẻ vang của Thành phố Anh hùng.

Phạm Đức Hải

Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

______________________

[1]  Lời điếu do đồng chí Nông Đức Mạnh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt, Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn,  nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước, vì dân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.

[2]  Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 608

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 36, tr. 156, 157.

[4] Đại tướng Mai Chí Thọ trả lời phỏng vấn trong phim tài liệu Mậu Thân 1968 của đạo diễn Lê Phong Lan, do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. Thời điểm năm 1959, đồng chí Mai Chí Thọ công tác tại Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 723.

[6] Phim tài liệu: Giải mã Mậu Thân, do Viettel Media sản xuất.

[7] Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb. Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí Minh, 2013, tr.121.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 980.

[9] Đồng chí Huỳnh Văn Cang sau này giữ nhiệm vụ Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

[10] Trích phim tài liệu, Đội cận vệ A6, Hãng phim Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất.

[11] Trích bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, Tố Hữu, 1960.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 915-916.

[13] Bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng. Lưu tại văn phòng Thành ủy.

[14] Thông báo Quyết định về tổ chức và nhiệm vụ của Nhóm Chuyên viên Kinh tế của Thành ủy (số 24/TB-76, ngày 12 tháng 6 năm 1976). Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

Thông báo về nội dung công tác và lề lối làm việc của Nhóm Chuyên viên Kinh tế Thành ủy (số 27/TB-76, ngày 21 tháng 6 năm 1976). Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[15]  Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ, phương hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp và cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa ở khu vực ven đô và ngoại thành 5 năm (1976 - 1980), ngày 28 tháng 12 năm 1976. Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[16] Thông tri số 69/TT-TV ngày 11 tháng 11 năm 1978 của Ban Thường vụ Thành ủy. Lưu tại Văn phòng Thành ủy

[17] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 13 tháng 12 năm 1978.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 40, tr.359.

[19] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ II, tháng 10 năm 1980, tr.51, Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[20] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ II, tháng 10 năm 1980, tr.53, Lưu tại Văn phòng Thành ủy.

[21] Lời điếu do đồng chí Nông Đức Mạnh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt, trong Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước, vì dân, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo