Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Thắp nến tri ân anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 20/7, tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành Đoàn TPHCM phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức lễ thắp nến tri ân anh hùng, liệt sĩ, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Đặng Minh Thông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM…

Phát biểu tại lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải bày tỏ niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong Đồng chí Nguyễn Hồ Hải dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM, đồng chí Nguyễn Hồ Hải bày tỏ sự tri ân đến anh linh các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước; trân trọng tri ân sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng.

“Nghĩa trang Hàng Dương là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày. Những người con đất Việt nằm xuống phần đất này, dẫu có tên hay chưa xác định được tên, đều đã âm thầm dâng hiến trọn cuộc đời cho non sông Tổ quốc. Xương máu của những người tù yêu nước đã thấm đẫm trên từng tấc đất Côn Đảo. Từng câu chuyện được ghi chép, kể lại về sự kiên trung với cách mạng; về tình đồng chí nhường cơm sẻ áo trong các banh, trại ở Côn Đảo, là những mảnh sử rời đã ghép nên trang lịch sử hào hùng của dân tộc”- đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải bày tỏ: Tháng Bảy về, ở Nghĩa trang Hàng Dương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM luôn khắc ghi, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Qua đó, bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Trong không khí trang nghiêm kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), các thành viên trong đoàn đã dâng nén hương và thắp nến tại Nghĩa trang Hàng Dương; thành kính bái vọng anh linh các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước. Đồng thời, tri ân, cảm tạ và nguyện mãi chăm lo, đáp đền các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã nuốt lệ, nén niềm đau, tiễn chồng, tiễn con đi kháng chiến, theo tiếng gọi non sông mãi mãi chưa về…

Thay mặt tuổi trẻ TPHCM, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM Nguyễn Minh Uyên bày tỏ xúc động: “Tại nơi hoa đã nở trên mảnh đất của máu xương của những người cộng sản kiên trung đã đổ xuống, từng ngọn sóng cuộn trào như chứa đựng biết bao thăng trầm lịch sử”. “Các liệt sĩ, các cô, chú cựu tù chính trị, tù binh Côn Đảo là những “Anh hùng”, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo về nghị lực, về lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng” - Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Sư phạm TPHCM Nguyễn Minh Uyên nhấn mạnh.

Tại đây, các đại biểu dành phút mặc niệm và dâng nén hương với lòng thành kính hướng về anh linh của các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã ngã xuống... Sau nghi lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các đại biểu đã đến từng phần mộ dâng hương các liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương, mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu,…

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ cách mạng và nhà yêu nước qua nhiều thế hệ kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong đó chỉ có 793 ngôi mộ lưu rõ danh tính, quê quán, phần còn lại là những ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Nghĩa trang Hàng Dương đã được xếp hạng Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo