Thứ Tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024

Khi tuyến đường song hành Quốc lộ 50 được thực hiện sẽ kéo theo sự phát triển của hạ tầng, người dân đi lại thuận lợi

Đồng chí Võ Văn Hoan khảo sát thực tế dự án trên đường Trịnh Quang Nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 22/10, đoàn công tác của UBND TPHCM do đồng chí Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng đoàn, kiểm tra thực tế và làm việc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.

Tại đây, Ban Quản Lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông (Ban Giao thông) đã báo cáo dự án Quốc lộ 50 vẫn còn khoảng 11 hộ dân chưa tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Đây là các hộ dân nằm trong dự án bất động sản của 4 doanh nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp chưa hoàn thành bồi thường cho người dân. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phát sinh thêm việc di dời hạ tầng kỹ thuật, đó là một trạm giếng và một trạm điện.

Theo Ban Giao thông TPHCM, dự án được khởi công vào tháng 12/2022, với 4 gói thầu xây lắp, xây dựng mới 4,2 km Quốc lộ 50 đoạn song hành, đến nay đạt khoảng 74%. Ngày 15/3/2024, Ban Giao thông tiếp tục khởi công xây dựng gói thầu xây lắp số 5,6,7, mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu, đến nay đạt khoảng 18%.

Đến nay, tổng khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 55%. Dự kiến thông xe 4,3 km đường song hành Quốc lộ 50 thuộc dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 vào ngày 31/12/2024. Thông xe toàn dự án vào cuối năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài cho biết, Dự án xây dựng mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh có 725/725 trường hợp đồng ý ký biên bản bàn giao mặt bằng để thi công thực hiện Dự án.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tài, trong quá trình thi công công trình, phát sinh một số hộ chưa tháo dỡ hoặc tháo dỡ chưa đúng ranh thu hồi dự án. Đến nay, còn lại 8 trường hợp, UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh phối hợp UBND xã Đa Phước xây dựng kế hoạch, phương án để hỗ trợ tháo dỡ trong quá trình thi công và hoàn thành trong tháng 11/2024.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến 4 doanh nghiệp và công trình hạ tầng kỹ thuật, đồng chí Nguyễn Văn Tài kiến nghị UBND TP đề nghị Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng và Kinh doanh nhà Gia Hòa và Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc khẩn trương thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân trên và bàn giao mặt bằng để nhà nước thi công dự án trong tháng 11/2024.

Theo báo cáo, đoạn song hành Quốc lộ 50 (thuộc dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50) đi ngang qua dự án Phong Phú 4 do Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư. Hiện đang vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng với 8 hộ dân, Tổng Giám đốc Công ty Khang Phúc Phạm Minh Nhựt cho biết, công ty đã có văn bản đề xuất, chuẩn bị sẵn 10 nền đất tại dự án Phong Phú 4 với diện tích từ diện tích từ 100-200 m2/nền để thực hiện phương án tái định cư hoặc hoán đổi đất cho 8 hộ dân này. Bên cạnh đó, Công ty phối hợp Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh để tiếp xúc, vận động 8 hộ dân. Theo đó, đề xuất phương án giá phù hợp với tình hình hiện nay của 10 nền đất (từ 45 - 55 triệu đồng/m2) để Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện có cơ sở làm việc với 8 hộ dân.

Theo đồng chí Phạm Minh Nhựt, 8 hộ dân đang vướng mặt bằng yêu cầu bồi thường với giá rất cao so với phương án bồi thường của công ty. "Thậm chí công ty cũng có thể hỗ trợ thêm ngoài phương án cho 8 hộ dân nhưng yêu cầu đưa ra của các hộ dân hiện nay rất cao, công ty không thể chấp thuận được" - đồng chí Phạm Minh Nhựt nhấn mạnh.

Theo đồng chí Phạm Minh Nhựt, trường hợp có diện tích bồi thường 277m2 và theo phương án bồi thường được tái định cư 180 m2, còn lại nhận khoảng 320 triệu đồng. Tổng số tiền nếu hộ dân không nhận nền mà nhận tiền khoảng 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, hộ dân đề nghị bồi thường 10 tỷ đồng, gấp 5 lần phương án bồi thường của công ty đưa ra.

Quang cảnh dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Quang cảnh dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.

Trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Chánh cần làm việc với 8 hộ dân này. Bên cạnh đó, phải phân tích để người dân thấy rõ giữa phương án bồi thường của nhà nước và phương án bồi thường của doanh nghiệp như hiện nay, người dân được hưởng lợi.

Cụ thể, đối với đường Trịnh Quang Nghị hay Quốc lộ 50, mức giá bồi thường theo quy định hiện nay của nhà nước khoảng 11 triệu đồng/m2, tính trung bình, cả đất ở và đất nông nghiệp. Với mức bồi thường từ 44-55 triệu đồng/m2  của doanh nghiệp đưa ra như hiện nay cùng những khoảng hỗ trợ khác, người dân vẫn có lợi hơn so với mức giá bồi thường của nhà nước. Mặt khác, nếu người dân không đồng ý với phương án bồi thường của doanh nghiệp, sẽ áp dụng phương án bồi thường của nhà nước. Khi đó, nếu người dân không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, cần cho người dân hiểu nhà nước và doanh nghiệp đang hợp lực để lo cho dân. Doanh nghiệp bồi thường cho người dân thì nhà nước cũng phải bồi thường cho doanh nghiệp. "Nếu phân tích kỹ, người dân sẽ hiểu và đồng thuận. Đây là vì lợi ích chung và cũng là lợi ích của người dân" - đồng chí Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Đồng chí Võ Văn Hoan đề nghị lãnh đạo huyện Bình Chánh cùng chủ đầu tư gặp gỡ, trao đổi với người dân và báo cáo kết quả lại UBND TPHCM vào sáng thứ 6 tuần này. Theo đồng chí Võ Văn Hoan, việc giải phóng mặt bằng kết thúc sớm sẽ thúc đẩy tiến độ đoạn song hành Quốc lộ 50. Khi đó, người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Khi tuyến đường song hành Quốc lộ 50 được thực hiện sẽ kéo theo sự phát triển của hạ tầng, người dân đi lại thuận lợi. Giá trị bất động sản sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với hiện tại.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo