Thứ Hai, ngày 16 tháng 12 năm 2024

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, bước ngoặt lịch sử vĩ đại

Tranh ảnh Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) - Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước, về giai cấp tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành xuống tàu sang Pháp và các nước phương Tây tìm kiếm một con đường đấu tranh để giải quyết mục tiêu kép cứu nước, cứu dân. Xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, nhưng chủ nghĩa yêu nước ở Người vừa kế thừa tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, vừa bao hàm một tinh thần đổi mới phù hợp với yêu cầu và xu thế của thời đại.

Từ năm 1911 đến năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã khảo sát con đường cứu nước, cứu dân, phát triển dân tộc, học tập lý luận, tham gia đấu tranh chính trị, vào Đảng Xã hội Pháp, sát cánh với giai cấp công nhân và trí thức cách mạng Pháp, với những đồng bào yêu nước của mình trên đất Pháp; khảo sát, nghiên cứu các cuộc cách mạng, đặc biệt là cách mạng xã hội là tiền đề cho Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ, tiếp thu Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Người đã tìm thấy “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1]. Người đã dần định hình ra con đường Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Từ sau năm 1921 đến năm 1929, bằng những hoạt động phong phú, khoa học và sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành kiên trì, thông qua hai con đường chủ yếu là Pháp và Trung quốc để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Nin về Việt Nam. Trong khoảng thời gian gần 10 năm, Người hoạt động ở các nước, Pháp, Đức, Liên Xô, Ý, Thụy sĩ, Xrilanca, Trung Quốc, Nhật, Bỉ, Thái Lan, Lào.

Cảng Marseille, nơi Nguyễn Tất Thành đặt chân lên đất Pháp ngày 6/7/1911. (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM Cảng Marseille, nơi Nguyễn Tất Thành đặt chân lên đất Pháp ngày 6/7/1911. (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM

Khoảng thời gian từ năm 1924 đến năm 1927 ở Quảng Châu là khoảng thời gian, Người đã tích cực chuẩn bị cả về lý luận, tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người tiếp xúc với những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động tại Quảng Châu, trước hết là tổ chức Tâm Tâm xã. Sau đó, Người mở rộng địa bàn hoạt động; khẩn trương, chủ động và cẩn trọng tiến hành xây dựng tổ chức cách mạng theo từng bước; lập ra nhóm bí mật làm hạt nhân[2] và tiến tới thành lập một tổ chức có tính chất quần chúng rộng để tập hợp những thanh niên yêu nước ở trong và ngoài nước. Tháng 6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên; Hội là một tổ chức quá độ, phù hợp với điều kiện của Việt Nam khi đó. Đây là một sáng tạo, có chủ đích của Nguyễn Ái Quốc, nhằm đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng mới vào phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Tiếp đó, Người mở lớp huấn luyện chính trị khai mạc cuối năm 1925 tại đường Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc), đào tạo đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho việc tuyên truyền những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước.

Từ đầu năm 1925 đến năm 1927, Người đã trực tiếp huấn luyện 75 học viên[3] những vấn đề cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác - Lênin, những nguyên tắc hoạt động bí mật và kỹ năng thực hành các công tác vận động quần chúng..., khi học xong những người này trở về nước và đến Thái Lan (Xiêm) hoạt động. Họ trở thành những người tuyên truyền, tổ chức phong trào cách mạng trong nước và Việt kiều ở Thái Lan (Xiêm). Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc còn chọn một số thanh niên gửi đi học ở trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) và Trường Đại học cộng sản cho người lao động phương Đông (gọi tắt là ĐH Phương Đông; Liên Xô) để họ trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng sau này. Cuối năm 1926, 7 trong số học viên của khóa huấn luyện tại Quảng Châu được đưa về ba trung tâm lớn trong nước là Hà Nội (Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ), Vinh (Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng) và Sài Gòn (Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi) để tuyên truyền và tổ chức phong trào cách mạng trong cả nước.

Trích “Sơ thảo lần thứ nhất Những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa“ của Lênin đăng trên báo L’Humanite, số ra ngày 16 và 17/7/1920. (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM) Trích “Sơ thảo lần thứ nhất Những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa“ của Lênin đăng trên báo L’Humanite, số ra ngày 16 và 17/7/1920. (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM)

Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Người chủ trương xuất bản sách và báo chí làm phương tiện tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin và là hình thức tuyên truyền, công cụ đấu tranh cách mạng

Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, đồng thời là cây bút chủ chốt (số 1, ngày 21/6/1925), với các chuyên mục xã hội, bình luận, tin tức, diễn đàn, vấn đáp, phê bình, trả lời bạn đọc...; với những nội dung chính như: Những vấn đề đế quốc và thuộc địa, thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Đảng cách mạng và Đảng Cộng sản, cách mạng và mặt trận dân tộc thống nhất, học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin... đã thống nhất phương hướng và nội dung tuyên truyền giáo dục ở trong và ngoài hội.

Nhà số 13 và 13/1 đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc) – trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập (1925). (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM) Nhà số 13 và 13/1 đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc) – trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập (1925). (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM)

Đầu năm 1927, tập Đề cương bài giảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc biên soạn làm tài liệu huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (1925-1927) được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông do Người sáng lập, được xuất bản thành sách với nhan đề “Đường Kách mệnh”. Tác phẩm Đường Kách mệnh được bí mật đưa về trong nước và sớm trở thành tài liệu căn bản để tuyên truyền giác ngộ chính trị theo chủ nghĩa Mác - Lênin và hướng dẫn các mặt hoạt động của Hội Thanh niên: tuyên truyền, tổ chức, công tác, tranh đấu, tu dưỡng rèn luyện nhân cách. Trên thực tế Đường Kách mệnh đã có ý nghĩa lịch sử rất to lớn đối với phong trào cách mạng trong cả nước, đặc biệt tại Thành phố Sài Gòn và ở Nam Kỳ, đã chuẩn bị các nhân tố đảm bảo cho sự ra đời của một Đảng Cộng sản để gánh vác nhiệm vụ lịch sử trọng đại là lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng về đường lối cách mạng, về phương pháp cách mạng và đặc biệt là sự khủng hoảng về tổ chức cách mạng; học thuyết Mác - Lênin được Người đưa vào Việt Nam theo cách của riêng mình thật giản dị, dễ hiểu, làm cho lý luận Mác - Lênin thâm nhập sâu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, làm thay đổi tính chất, chiều hướng của phong trào đấu tranh yêu nước, dẫn đến thắng lợi của khuynh hướng vô sản; làm chuyển biến phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát, đơn lẻ, sang đấu tranh tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo, có sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương. Sự phát triển cả bề sâu và bề rộng của phong trào trong những năm 1928-1929 đặt ra một yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự lãnh đạo của một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đã dẫn đến sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập ngày 17/6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (tháng 11/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (ngày 1/1/1930).

Đường Kách mệnh. (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM) Đường Kách mệnh. (Ảnh: nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM)

Sự ra đời nhanh chóng của các tổ chức Đảng Cộng sản lúc bấy giờ phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phải gắn với đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, sự tồn tại biệt lập cùng một lúc ba tổ chức cộng sản và có những hoạt động công kích lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng, tranh giành quần chúng, dẫn đến một sự chia rẽ lớn rất bất lợi cho công cuộc vận động cách mạng đang đòi hỏi phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước.

Trước yêu cầu bức xúc đó, với tư cách là Phái viên của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư về nước yêu cầu các tổ chức cộng sản cử Đại biểu ra Hồng Kông để bàn việc hợp nhất. Hội nghị hợp nhất đã họp vào đầu năm 1930 vào dịp Tết Canh Ngọ tại một địa điểm trong xóm thợ trên bán đảo Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Do uy tín và những lý lẽ đúng đắn có sức thuyết phục cao của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã nhanh chóng đi tới nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản, lập ra một Đảng Cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.

Từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam đã có một chính Đảng, gánh vác trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, đồng thời chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, xây dựng, trưởng thành, không ngừng phát triển lớn mạnh, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Người đi tìm hình của Nước, bôn ba 30 năm, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Người trở về quê hương trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đây là cuộc hành trình vĩ đại của một con người vĩ đại.

Nguyễn Võ Cường

(Trưởng phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng,

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)

---------------------

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tr314

[2] Nhóm bí mật đó là Cộng sản Đoàn, thành lập tháng 2 năm 1925

[3] Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr94

 


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo