Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Võ Thị Dung, Chủ tịch UB MTTQ VN TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, khoa học, các cán bộ hoạt động thực tiễn, các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ.
Nguồn sáng dẫn đường
Hơn 80 bài tham luận gửi về và gần 15 tham luận, ý kiến được nêu tại tọa đàm tập trung vào 5 nhóm vấn đề cơ bản. Đó là những giá trị trường tồn của bản Di chúc; về tinh thần phục vụ nhân dân; giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch; bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: Di chúc của Bác là văn kiện lịch sử vô giá, là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Bác với Tổ quốc, với nhân dân; và là "nguồn sáng dẫn đường" cho chúng ta đi. Di chúc của Bác là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền; là những lời dặn dò, vạch đường, chỉ lối cho chúng ta xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Di chúc của Bác như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh; và là tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân văn cao cả, làm lay động lòng người.
Khẳng định “Di chúc của Bác Hồ là thông điệp về một niềm tin vĩ đại, về một tình thương vĩ đại của cuộc đời và con người vĩ đại: Hồ Chí Minh”, GS.NGND Trần Thanh Đạm cho rằng, tình thương bao la của Bác là cội nguồn của niềm tin son sắt của Bác. Đó cũng là lời di huấn của Bác để lại cho muôn đời sau; là giá trị, sức sống vĩnh cửu của Di chúc Bác Hồ, có sức khôi phục lại niềm tin cho những đầu óc lụi tàn lý tưởng cách mạng, khôi phục lại tình thương cho những tâm hồn vô cảm trước số phận của dân tộc, của nhân dân, của nhân loại đang trong gian nan đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng và đời sống hạnh phúc, cho lý tưởng cao đẹp của mọi người yêu nước, mọi người cộng sản Việt Nam.
Phân tích những lời căn dặn của Bác về công tác xây dựng Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho rằng: Cốt lõi vẫn là cán bộ, đảng viên sát dân, hiểu dân, lo cho dân, luôn vì dân, phục vụ dân, "nói đi đôi với làm", nói ít làm nhiều để thuyết phục, lôi cuốn được, vận động được đông đảo nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị. Những chỉ dẫn khoa học, cách mạng và nhân văn trong xây dựng Đảng, trên tầm cao trí tuệ sáng suốt, mưu lược mà Người để lại mãi là kim chỉ nam cho hành động, là nguồn sáng soi đường cho việc phấn đấu thực hiện nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng bộ TPHCM thật trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Đua đã nêu một trải nghiệm của bản thân: “Càng gắn bó với dân, càng hiểu thêm và được tiếp thêm sức mạnh từ nghị lực cách mạng, sức mạnh vượt khó của nhân dân; có điều kiện học dân, sáng kiến, quyết tâm càng hé lộ, hoàn thiện ý tưởng, cách làm tốt hơn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ”.
|
Toàn cảnh tọa đàm khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguồn sáng dẫn đường” |
Phải phục vụ dân ngày càng tốt hơn
Học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ về tinh thần phục vụ nhân dân, chăm lo cho dân, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, nâng cao đời sống, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng…được đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tập trung thảo luận, phân tích làm rõ.
Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân như thấy mình được Bác gửi gắm, dặn dò. Mọi sự dặn dò, nhắc nhở đều thắm đượm tinh thần phục vụ dân. Điều quan trọng là việc củng cố và xây dựng lòng tin đối với dân, phục vụ dân ngày càng tốt hơn… Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực và chế độ trách nhiệm cá nhân minh bạch; cần làm cho bộ máy bớt cồng kềnh, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân và khắc phục cho được bệnh thành tích, lễ lạt,... nói nhiều, làm ít.
Trăn trở với câu hỏi làm thế nào để lời dạy của Bác trở thành hiện thực, TS. Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, những lời dạy của Bác về lối sống đạo đức ai cũng có thể làm được; nhưng lời dạy về tinh thần phục vụ nhân dân thì chủ yếu dành cho những người có chức quyền, có trách nhiệm quản lý và điều hành những công việc liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Mở rộng thêm, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng, Trưởng Bộ phận chuyên trách Chỉ thị 03 – Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân trước hết thuộc về cán bộ, đảng viên của Đảng, công chức của Nhà nước, những người có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Khi hết lòng vì nhân dân thì sẽ luôn được dân kính trọng, tôn vinh.
Cũng bàn về khía cạnh này, nhà văn Trần Thanh Giao cho rằng, chăm lo đời sống nhân dân không chỉ là xoá đói giảm nghèo. Điều cơ bản là phải công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Đó là đường lối chung mà nhân dân ta đã nỗ lực thực hiện từ khi chiến tranh chấm dứt, nhất là từ sau thời kỳ đổi mới, nước ta đã đạt nhiều thành tựu hết sức to lớn. Nhân vật trung tâm của thời kỳ này không ai khác hơn là người lao động, với tư cách người chủ đất nước, người tự thay đổi số phận mình. Chăm lo đời sống cho dân là chăm lo đời sống vật chất và văn hoá như Di chúc của Bác đã chỉ rõ, trong đó, việc cổ vũ, tôn vinh, làm cho xã hội nhìn nhận và yêu mến người lao động như đã từng yêu mến người lính trong chiến tranh là một việc có ý nghĩa quyết định.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: Cái gốc của mối quan hệ mật thiết với dân là phải có chủ trương, chính sách đúng, xuất phát từ nguyện vọng của dân và hợp lòng dân. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn suy nghĩ, trăn trở trong các chủ trương, chính sách liên quan đến dân, những nội dung gì, vấn đề nào nhân dân chưa hài lòng, tìm cách đáp ứng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân…Và điều quan trọng là những quan điểm, chủ trương của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy phải được phổ biến, quán triệt trong toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị để thực hiện và đặc biệt là sau khi có chủ trương, chính sách đúng, phải đeo bám chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đến nơi, đến chốn, như Bác dạy “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”.
“Chúng ta xin hứa với Bác sẽ luôn thấm nhuần, luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người bằng hành động cách mạng cụ thể, nói đi đôi với làm” – Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Vấn đề được nhân dân kỳ vọng là phải xử lý cho được tình trạng tham nhũng, lãng phí, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lợi dụng chức quyền của những người chưa thấm nhuần tinh thần phục vụ nhân dân của Bác, chăm lo cho dân thì ít, tư lợi thì nhiều. Đồng chí Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.
Để phòng, chống các quan điểm sai trái, điều kiện tiên quyết là tăng cường sức chiến đấu của Đảng, tức là trở về với tinh thần của Di chúc: "Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Các quan điểm sai trái xuất hiện không ngẫu nhiên, mà từ chính những điều kiện hiện thực, từ khiếm khuyết của hệ thống. “Tin vào dân, mở rộng dân chủ, tạo nên môi trường xã hội phổ biến trong đấu tranh chống tham nhũng cũng là cách phòng chống tích cực các quan điểm sai trái, nghĩa là chống từ trong cội nguồn”. PGS.TS Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm Lý luận chính trị, Đại học Quốc gia TPHCM. |