Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Ngành công tác Dân vận - Những chặng đường xây dựng và trưởng thành

Nhân dân bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vui mừng chào đón Bác Hồ về thăm, ngày 20/2/1961. Nguồn: Ảnh tư liệu

(Thanhuytphcm.vn)- Chủ tịch Hồ Chí minh từng khẳng định: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; Muốn cách mạng thành công thì Đảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động nhân dân tham gia và lãnh đạo nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nước phải lấy dân làm gốc, “gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Bước mở đầu được xem như là nền tảng quan trọng cho công tác dân vận có thể kể đến Hội nghị Trung ương lần thứ nhất diễn ra từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tại đây, Hội nghị đã thông qua các án nghị quyết về: công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: “Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động”.

Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh. Đây cũng là hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Để hoàn thành tốt mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng đã tổ chức cho đảng viên đi vào các giai tầng xã hội, tuyên truyền, vận động, tổ chức và tập hợp, huấn luyện quần chúng đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, “ba cùng” với nhân dân, tuyên truyền, giác ngộ và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo đường lối “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. 

Nhờ chủ trương mở rộng chính sách đại đoàn kết toàn dân và công tác mặt trận, Đảng đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, bao gồm nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và cả ngoại kiều… thực hiện các hình thức đấu tranh phong phú, công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, tạo nên bước phát triển mới trong xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, đặc biệt nổi bật với các phong trào cách mạng tiêu biểu của quần chúng nhân dân như: Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh thời kỳ 1930 - 1931, Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương thời kỳ 1936 - 1939, Phong trào Phản đế 1939 - 1941 và Phong trào Mặt trận Việt Minh thời kỳ 1941 - 1945... Từ đó, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc tập hợp, chuẩn bị lực lượng, phát huy sức mạnh, truyền thống đoàn kết toàn dân tộc thực hiện các mục tiêu cách mạng.

Thông qua các phong trào quần chúng, Đảng ta đã xây dựng, phát triển lực lượng chính trị ngày càng đông đảo, hùng hậu với đầy đủ các thành phần, giai cấp, tầng lớp nhân dân, đồng thời kết hợp với việc xây dựng lực lượng vũ trang, chớp thời cơ làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, giành độc lập, xây dựng chính quyền công - nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Ngày 2/9/1945, dưới Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nước nhà giành được độc lập, nhân dân được tự do, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách của “thù trong, giặc ngoài”. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng đã xác định những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, từ đó đề ra chủ trương phải huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa xây dựng thực lực mọi mặt cho Nhà nước Dân chủ Cộng hòa.

Các hình thức và biện pháp đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng hơn với sự thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên - Việt) vào ngày 29/5/1946, thu hút thêm các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, sắc tộc, xu hướng chính trị.

Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo với tựa đề “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949, lấy bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận năm 2020. Nguồn: Ảnh tư liệu Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận năm 2020. Nguồn: Ảnh tư liệu

Sau này, xuất phát từ bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 10/1999, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là Ngày Truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, đảng bộ và các cấp chính quyền, bằng nhiều cách thức, phương pháp vận động khác nhau đã đẩy mạnh tuyên truyền, động viên nhân dân thi đua sản xuất, nỗ lực chiến đấu, đem sức người, sức của ủng hộ chiến sĩ nơi tiền tuyến. Sức mạnh của công tác dân vận đã làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo sức mạnh, tiền đề vững chắc để kế thừa, phát huy trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời, tăng cường đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, động viên đồng bào, chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và hết lòng đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. 

Tại miền Nam, ngày 20/12/1960, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam họp tại vùng căn cứ Tây Ninh, quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhờ chú trọng đổi mới nội dung và phương thức, công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Trong những năm kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng ta đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với nhân dân ở khắp mọi miền của đất nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chịu đựng hy sinh gian khổ, kiên cường bám dân để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao cho. Nhân dân tin tưởng và che chở cho cán bộ khi bị địch truy lùng, chăm sóc chạy chữa khi đau yếu, móc nối khi mất liên lạc và đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi như con em trong gia đình. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”... đã rầm rộ phát triển, tạo nên bầu nhiệt huyết cách mạng sôi động trong nhân dân cả nước, tất cả vì sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Suốt 30 năm ròng rã, trường kỳ của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, công tác dân vận của Đảng đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức nên những cao trào rộng lớn, huy động được sức mạnh của toàn dân, làm nên những chiến thắng vẻ vang, những chiến công hiển hách, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến tranh qua đi, bước vào thời kỳ mới, Đảng đã vận động nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và kéo dài, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với Lào, Campuchia, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất họp từ 31/01 - 4/2/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất các tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam Bắc thành tổ chức Mặt trận thống nhất duy nhất, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, cùng toàn dân khởi xướng sự nghiệp đổi mới với bốn nội dung: “đổi mới chủ trương, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”. Trên cơ sở đó, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phá thế bao vây cấm vận, tiếp tục phát triển.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Nghị quyết đã nêu lên 4 điểm chỉ đạo trong công tác vận động quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân như sau: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; Công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.

Năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội đã khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”.

Thực hiện các Nghị quyết từ Đại hội VII đến Đại hội XI của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân vận, đặc biệt là: Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/2/1998 về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; các Nghị quyết số 23, 24, 25, khoá IX (năm 2003) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/2/2010 về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.

Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tình hình, làm rõ các thách thức đối với công tác dân vận trong Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định và làm sâu sắc thêm 5 quan điểm, 7 nhiệm vụ nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Nghị quyết Đại hội XII (2016) của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”. Trên cơ sở đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; giải quyết bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; kịp thời thể chế đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, công tác dân vận của hệ thống chính trị; tăng cường thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng liên quan đến công tác dân vận, cuộc sống của nhân dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phát huy dân chủ, nhất là vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội XIII (2021) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường”. Đảng cũng đã chỉ đạo nội dung thực hiện trọng điểm của công tác dân vận trong thời gian tới là thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hơn 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, chúng ta tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lãnh tụ của Đảng, dân tộc, nhân dân ta, người thầy vĩ đại trong công tác dân vận. Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận cũng là lúc các cán bộ, công chức đang công tác trong các ngành Dân vận tự hào và tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử quý báu trong thời gian qua, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, ra sức thi đua, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo