Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Nhớ Tết chiến khu xưa

Tết sắp đến. Miền Trung sẽ ăn Tết ra sao? Câu hỏi đó làm tôi chạnh nhớ tới một cái Tết ở chiến khu năm xưa. Đó là vào đầu những năm 50. Giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi mới 23 tuổi, hoạt động văn nghệ tại mặt trận Bình Trị Thiên.

Miền Trung lúc đó cũng vừa trải qua một trận lũ khủng khiếp. Ở ngay ở chân rừng Trường Sơn mà có chỗ cũng phải buộc thân mình vào những cây lồ ô để nước khỏi cuốn trôi đi. Đồng bằng chỉ còn là một mặt nước mênh mông nối liền với đại dương.

Trận lũ qua đi, hậu quả của nó thì thật thảm! Nhà cửa có thể từ từ dựng lại, nhưng ăn thì không thể thiếu. Gạo thóc thời đó thường phải chôn dưới hầm để chống địch càn, đốt phá. Moi lên được thì gạo cũng đã trương, ẩm một màu xám ngoét. Trong khi hoàn cảnh chiến tranh, không thể trông chờ vào sự cứu trợ của các chiến trường khác...

Chúng tôi là văn công, không chỉ cần ăn để sống, mà còn để múa hát nên được ưu tiên. Tôi nhớ, lúc đầu chưa quen, khi anh nuôi nấu cơm dưới bếp thì mọi người nhìn nhau, tưởng rằng có ai đó trót lỡ... Khi cơm dọn lên rồi, mọi người phải quạt một lúc cho hả hết hơi mới có thể đưa lên miệng nhai, nuốt được.

Rau tàu bay bị úng, không hái đâu ra được, thức ăn chỉ là một chút nước ruốc chan cho đỡ nhạt. Mà cũng lạ, cái dạ dày lúc đó kể cũng kiên cường thật! Chỉ thấy ì ạch một lát rồi cũng qua. Nhưng khi trả lại ngoài rừng, ngoái đầu lại, tưởng như ai vừa đánh đổ một bát cơm vữa sau lưng mình vì gạo không tiêu nổi... Lũ chó ve vẩy đến thu dọn chiến trường, hình như không thấy hơi hướng gì cũng buồn rầu bỏ đi...

Cứ như thế mấy tháng trời. Khổ nhất là nhiều khi đang hát, hay ngâm thơ, nhỡ ợ một cái thì cảm giác như mình bị ai đó đổ dấm chua vào miệng, không cất tiếng lên được nữa...

Địch lợi dụng tình hình khó khăn, gần Tết mà chúng vẫn tung quân đi càn, chúng tôi phải tạm lánh lên vùng rừng cao hơn.

Giáp Tết mà cả phòng chính trị gồm non trăm người, vỏn vẹn chỉ có một chú chó vện gọi là chất tươi dự trữ. Trời mưa dầm thối đất, thối cỏ. Hai tối liền chúng tôi ngồi quanh ánh bùi nhùi nhựa trám, tranh luận xem nên làm món gì. Lần đầu tiên trong đời tôi được nghe phân tích tỉ mỉ giữa chả, mận, sáo, luộc... Món gì ngon hơn. Cũng là lần đầu tiên tôi được nghe đến nhiều kiểu nấu. Bao nhiêu tri thức ẩm thực của cả ba miền được đề xuất, tán thành cũng có và phản pháo cũng nhiều, sôi nổi như một phiên họp bình công. Tôi chỉ còn biết há hốc mồm ngồi nghe, nước bọt túa ra, không còn cảm thấy mùi ẩm mốc của lán trại mà là mùi ngào ngạt của chả, của riềng mẻ và rau húng ở đâu đó...

Không hiểu trong bụng nghĩ gì, đồng chí chủ nhiệm phòng chính trị chỉ gật gù cười và tuyên bố vì phương án chưa ngã ngũ nên tối hôm sau thảo luận tiếp. Đêm sau, trong chiếc lán đã bỏ hoang lâu ngày, lại sôi nổi bàn cãi, có phần găng hơn, vui nhộn hơn. Và dù chưa ngã ngũ thì Tết vẫn cứ đến.

Giờ Giao thừa cũng là giờ thực thi “nghị quyết” của hai đêm thảo luận. Sau mấy tiếng vĩnh biệt của chú chó vện tội nghiệp, bỗng có tiếng thất thanh rồi tiếng cười phá lên, lan dần từ góc lán này sang góc nọ. Thì ra làm gì có riềng có mẻ, càng moi đâu ra rau húng... Thế là “nghị quyết” có muốn gì cũng chỉ có luộc và xào với ruốc (mắm tôm đặc).

Chủ nhiệm không cho nướng chả vì sợ ngót nhiều, ông đảo mắt nhìn quanh, không chút lưỡng lự, dốc cả ruốc đầy vào chảo.

Giờ chia phần, không cân nhắc, ai ai cũng rất quân phong quân kỷ, đều xếp hàng chờ tới lượt mình. Tôi thấp thỏm mừng thầm vì đứng ngay sau lưng một cô sơn ca. Chắc nữ không ăn thịt chó đâu. Nhưng rồi nhận phần xong, không thấy cô yểu điệu như mọi khi mà nhanh nhẹn rút vào một chỗ khuất. Cũng như tất cả mọi người, tôi được hai miếng xào, một miếng luộc và hai khúc sắn.

Bữa tiệc đầu năm diễn ra từ tốn và lặng lẽ, trong bữa ăn đã có tiếng suối reo thay cho tiếng pháo, tiếng đàn. Mọi người nhìn Chủ nhiệm chính trị tán thưởng. Miếng thịt xào ruốc mặn cứng, hóa ra lại có lợi. Chúng tôi chỉ cần ngậm là cũng đủ cho miếng sắn vừa đậm đà, vừa mỡ màng. Miếng thịt xào ruốc không cần phải qua tranh luận như mấy đêm trước, đều được mọi người trao vinh dự là miếng tổng kết cho bữa tiệc Trường Sơn. Nó được mọi người lưu luyến ngậm mãi mới chịu cho đi tiếp con đường của nó.

Thì ra, trong gian khổ, chúng tôi đã vui vẻ đón xuân những ba ngày!

… Đã 50 năm trôi qua, tôi vẫn còn cảm thấy như mới hôm nào. Niềm vui trong gian khổ hình như để trong ký ức của con người những nếp nhớ sâu hơn là những niềm vui dễ dãi.

50 năm đã qua rồi nhưng trong tôi vẫn trăn trở khi nghĩ về miền Trung, nhất là khi Tết đến Xuân về. Miền Trung đón xuân ra sao, miền Trung ơi!

GS-TS Đình Quang

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo