Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Phong tục ngày Tết ở các nước Châu Á

ẤN ĐỘ: Tết ở Ấn Độ (Holi) vào ngày 15 tháng Hai âm lịch. Nhà nào, làng nào cũng dự trữ củi, rơm rạ... để đốt những đống lửa từ đêm giao thừa 14 tháng Hai. Người ta cắt cụt móng tay, móng chân quẳng vào lửa cùng với những vật bẩn thỉu khác của năm cũ. Các thùng nước bột pha đủ màu được đặt ở nhiều nơi để mọi người vẩy, té, đổ... nước màu lên người nhau khi gặp mặt - ai càng nhem nhuốc thì càng may mắn! Những cuộc vui và tiệc Tết rất linh đình trong tiếng reo hò: “Holi hai!” và men rượu khang (rượu ép từ lá cây).

Tết ở Ấn Độ

CAMPUCHIA: Tết ở Campuchia (Chol Chnăm Thmây) vào trung tuần tháng Chett (tháng Năm theo lịch Khmer), tức vào khoảng ngày 12-15 tháng Tư dương lịch. Nghi thức quan trọng nhất là mỗi nhà đều đắp 5 núi cát: Núi Meru ở giữa (tượng trưng cho trung tâm vũ trụ) và 4 núi xung quanh ở các phía Đông - Tây - Nam - Bắc. Những nơi không có cát thì thay thế bằng gạo hoặc bánh, trái cây xếp chồng lên nhau...

INDONESIA: Indonesia là một quốc gia có nhiều tôn giáo và sắc tộc, do đó cách chào đón Tết cũng rất đa dạng và khác biệt. Đó là Tết của người Hồi giáo (Tahun Baru Hijriah), Tết của người Hindu tại đảo Bali (Tahun Baru Saka) và Tết cổ truyền theo kiểu Trung Quốc (Tahun Baru Imlek) cũng là ngày lễ quốc gia tại Indonesia. Tết ở Indonesia được chuẩn bị từ khá sớm. Mọi người cùng nhau dựng những ngai thờ cao khoảng 2m bằng gạo nhuộm đủ màu, bằng quả dừa, lá dừa và cây mía để tế thần linh. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sặc sỡ được bày trong nhà tế thần. Một đám rước lớn diễu hành qua khắp nơi rồi đem kiệu thần dìm xuống nước. Tiếp đó là các cuộc vui tưng bừng đón mừng năm mới.

IRAN: Tết Nôruđô kéo dài từ Mùng 1 đến 13 tháng 1 lịch Iran (tức là từ 21 tháng 3 đến đầu tháng 4 dương lịch). Đây là ngày Tết truyền thống đã có lịch sử hơn 2.000 năm của người dân I-ran. "Nhảy qua đống lửa là một hoạt động chính trong lễ Tết, nên từ "Nôruđô” cũng có nghĩa là "Tết nhảy qua đống lửa”. Hoạt động này được tổ chức đúng tối thứ tư cuối cùng của năm, nên người ta quen gọi là "thứ tư nhảy qua đống lửa”. Mâm cỗ đầu năm gồm các món chay mang những ý nghĩa riêng: quả lê dại, hoa lan dạ hương, dấm, tỏi, nước chấm làm từ mầm lúa mì. Mấy quả trứng vẽ màu được đặt trên một tấm gương làm biểu tượng của ánh sáng và sức sống năm mới. Người ta tặng quà cho trẻ nhỏ, đọc kinh Koran, dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, chúc mừng nhau.

ISRAEL: Tết ở Israel (và của những người Do Thái nói chung) gọi là Hanukkah, bắt đầu từ tối ngày 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái (thường trùng với tháng Mười Hai dương lịch) và kéo dài trong 8 ngày. Mọi người vui chơi, ăn uống, múa hát tưng bừng. Đêm giao thừa, cả gia đình thắp một ngọn nến trên chiếc đèn menorah. Bảy đêm tiếp theo, mỗi đêm thắp một ngọn. Sau đó, người ta đọc kinh, cầu nguyện rồi đem đặt cây đèn với 8 ngọn sáng rực này ở cửa sổ để chuyển lời chúc mừng năm mới của gia đình mình đến mọi người xung quanh.

LÀO: Tết ở Lào (Bunpimày) được tổ chức trong 3 ngày: 13-14-15 tháng Tư dương lịch. Đây vừa là lễ hội cầu mưa mang tính Phật giáo, vừa là Tết năm mới. Mở đầu ngày hội, mọi người té nước cho Phật, sư sãi và những người già có uy tín nhất, rồi té nước chúc phúc cho nhau. Nhân dân nhiều địa phương còn làm lễ phóng sinh (thả chim, cá, rùa...), coi đây là việc thiện mừng năm mới. Buổi chiều tàn Tết, người ta rủ nhau ra sông lấy cát về đắp thành những ngọn tháp nhỏ quanh gốc đa cổ thụ, đỉnh tháp cắm cờ đuôi nheo và giăng chỉ ngũ sắc; các sư đến đọc kinh cầu nguyện mong mọi người sang năm mới may mắn, thành đạt như những hạt cát trên đỉnh tháp!

Tết ở Lào

MALAYSIA: Ngày đầu năm mới của Malaysia bắt đầu từ mùng 1/1 (theo lịch Hồi giáo). Đón năm mới ở Malaysia mở đầu rất độc đáo với cuộc vui thi đấu lông công. Hai người đứng cách nhau khoảng 3-4m, mỗi người cầm một cái lông công đẹp, lừa miếng rồi xông vào ngoáy mũi, ngoáy tai người kia, ai bị ngoáy mà bật cười trước là thua cuộc.

MYANMAR: Tết ở Myanmar (Thing Yan) kéo dài từ ngày 13 đến ngày 17 tháng Tư dương lịch, vào tháng Tagu (tức tháng Giêng theo lịch Myanmar). Đây là dịp lễ té nước và nó thật có ý nghĩa trong những ngày nóng bức nhất của xứ sở này. Mọi người ăn uống, vui chơi, múa hát rất tưng bừng và té nước chúc phúc cho nhau. Thanh niên ngồi trên các xe hoa diễu hành khắp đường phố, còn người già thì đi thăm viếng chùa chiền.

MÔNG CỔ: Tết ở Mông Cổ (Sagaanxar) vào tháng Giêng âm lịch và kéo dài 3 ngày. Phần lớn các món ăn Tết được chế biến từ sữa và trước lúc ăn, bát đĩa đều rửa sạch bằng sữa ngựa. Lễ uống trà đón xuân được tổ chức trang trọng: lúc giao thừa, người ta pha trà, rót chén đầu tiên đem ra sân, vẩy khắp 4 phía Đông - Tây - Nam - Bắc; chén thứ hai giành cho chủ nhà, rồi mới đến các chén khác mời khách... Sau đó, mọi người vui vẻ thưởng thức thịt cừu nướng và những sản phẩm được chế biến từ sữa.

NEPAL: Trước kia, Tết ở Nepal vào khoảng 12 đến 15 tháng Tư dương lịch. Mấy năm gần đây, người Nepal (nhất là dân thành phố) chuyết kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống đặc sắc: dán hình động vật lên cửa chính các công sở để cầu may, mời thầy pháp saman đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc... Mọi người thức suốt đêm giao thừa và câu chúc đầu năm được hoan nghênh nhất là: “Thưa ngài, ngài già lắm!” - người bị chúc rất sung sướng vì thấy mình trường thọ!

NHẬT BẢN: Tết ở Nhật Bản vào Mùng 1 tháng Giêng âm lịch và được chuẩn bị khá sớm. Khắp nơi vang lên tiếng chày giã gạo gói bánh. Trước cửa nhà treo những cành thông buộc lẫn với lá tre - tượng trưng cho lòng chung thủy và ước vọng sống lâu, đồng thời căng thêm sợi dây rơm để xua đuổi những điều rủi ro. Đêm giao thừa, các ngân hàng đều làm việc tới khuya vì mọi người tin muốn may mắn thì phải trả hết nợ năm cũ. Lúc giao thừa, chuông chùa gióng giả 108 tiếng. Mùng 1 Tết, mọi người đi lễ chùa và thăm hỏi nhau, các cô gái ra đồng hái lộc... Mùng 2, mọi công việc đầu tiên trong năm mới được tiến hành (học trò khai bút, cửa hàng mở cửa, dân miền núi làm lễ “vào rừng”...)

PHILIPPINES: Tết ở Philippines vào tuần thứ 3 của tháng Giêng dương lịch, rất vui nhộn với lễ hội đầu năm Ati Atihan. Dịp Tết, người ta nô nức đổ về thành phố Kalibo trên đảo Ganay để tham gia vui chơi, múa hát, dự lễ hội cùng những người da đen rất độc đáo và hiếu khách.

THÁI LAN: Trước đây, Tết ở Thái Lan (Songkran) cũng tổ chức vào thời gian như ở Lào và Campuchia, nhưng hiện nay chuyển sang Mùng 1 tháng Giêng dương lịch. Từ chiều tối 31 tháng Chạp, người ta mở tiệc linh đình, kéo dài suốt đêm đến tận sáng hôm sau. Buổi sáng đầu năm, mọi người ra khỏi nhà dự các lễ hội Phật giáo: đi lễ chùa, dâng tặng phẩm cúng dường... để cầu phúc. Sau đó, họ nghe hòa thượng giảng kinh Phật, tham gia lễ hội té nước truyền thống rồi đi chúc mừng nhau.

Tết ở Thái Lan

TRIỀU TIÊN: Xưa kia, Tết ở Triều Tiên vào tháng Mười và tháng Mười Một, gần đây mới chuyển dần sang Mùng 1 tháng Giêng âm lịch. Tết kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống đặc sắc: dán hình động vật lên cửa chính các công sở để cầu may, mời thầy pháp saman đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc... Mọi người thức suốt đêm giao thừa và câu chúc đầu năm được hoan nghênh nhất là: “Thưa ngài, ngài già lắm!” - người bị chúc rất sung sướng vì thấy mình trường thọ!

TRUNG QUỐC: Tết ở Trung Quốc vào Mùng 1 tháng Giêng âm lịch, được chuẩn bị trước đó hàng tháng và chính thức kết thúc vào Mùng 5 tháng Giêng. Cũng giống như ở Việt Nam, trong những ngày Tết, người Trung Quốc họp mặt - thăm hỏi - chúc mừng nhau, lễ bái tổ tiên - đình chùa - đền miếu, mở hội thể thao - văn nghệ - tín ngưỡng, làm giò - bánh - mứt, chơi hoa - tranh - câu đối... Đặc biệt, đám rước bò đực làm bằng đất sét được tổ chức rất tưng bừng.

SRI LANKA: Theo lịch của người Sinhalese, Tết ở Xri Lanca vào tháng Tư dương lịch. Ngày cuối năm cũ mọi người có hai việc phải hoàn thành: dọn sạch tro nơi bếp và gánh thật nhiều nước dự trữ (vì họ rất kiêng kỵ chuyện đầu năm mới mà đã hết nước trong nhà). Lần gánh nước cuối cùng, trước khi ra về, mỗi người đều thả xuống giếng một nhành mai để tiễn biệt năm cũ. Sáng sớm Mùng 1 Tết, tất cả con cháu tập trung đầy đủ, mỗi người cầm một nắm lá cây mùi thơm dâng tặng người già nhất trong nhà như lời chúc thọ năm mới và để tỏ lòng trân trọng, biết ơn.

KN (Sưu tầm)

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo