Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp

Ông Mai Thanh Tùng thông tin tại buổi họp báo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 25/5, tại buổi họp báo do UBND TPHCM tổ chức, ông Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM đã thông tin về tổng số các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn TPHCM.

Đang triển khai 9 dự án nhà ở xã hội

Ông Mai Thanh Tùng cho biết, giai đoạn từ 2006 đến tháng 3/2022 TP đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 32 dự án nhà ở xã hội với quy mô 19.100 căn hộ. Đối với các dự án đang triển khai, thi công, chuẩn bị khởi công, hiện nay, trên địa bàn TP có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với diện tích đất 17,54 ha, 517.689,7 m2 sàn xây dựng, quy mô 6.383 căn hộ (trong đó có 5 dự án chuyến tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020; 4 dự án động thổ, khởi công trong năm 2022).

Cùng với đó, trên địa bàn TP đang triển khai 2 dự án nhà lưu trú công nhân, với diện tích đất 2,60 ha, 120.624 m2 sàn xây dựng, quy mô 1.400 phòng.

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ trên địa bàn TP, ông Mai Thanh Tùng cho biết, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như: Thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức ...

Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Mai Thanh Tùng cho biết, theo quy định, nguồn tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền, được sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn tiền này để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế.

Ngoài ra, nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà là chưa ổn định. Cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa hấp dẫn, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Có tình trạng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài.

Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ

Để tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, ông Mai Thanh Tùng đã đề xuất một số giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ, cách thức làm việc giữa các đơn vị, phân nhóm giải quyết các thủ tục đầu tư thuộc trách nhiệm của Văn phòng UBND TP, các sở, ban, ngành, UBND TP các quận huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, trách nhiệm của công chức trong thực thi nhiệm vụ, trong phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư dự án. Việc lấy ý kiến của các sở ngành phải thống nhất, đồng bộ xuyên suốt trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, không lấy ý kiến một sở ngành nhiều lần trong suốt quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Hàng tuần, lãnh đạo UBND TP sẽ cùng các đơn vị họp để tập trung tháo gỡ các vướng mắc của các dự án bất động sản theo từng chuyên đề hoặc nhóm vướng mắc điển hình về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài chính, giao thông và kinh doanh bất động sản.

Một trong những giải pháp khác là lập kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn TP để hưởng ứng Đề án của Chính phủ về “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Khẩn trương hoàn thành việc lập và phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

Song song đó là rà soát quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Trường hợp chậm hoặc không thực hiện thì thu hồi, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu đất này theo quy định.

Cùng với đó, phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở TP hoặc giao cho Ban Dân dụng để đầu tư phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước… 

Ng.Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo