Thứ Tư, ngày 6 tháng 11 năm 2024

Thực hiện nghiêm quan điểm "Nhân dân là gốc", “Nhân dân là trung tâm”

Đồng chí Lê Hồng Quang

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam bước vào ngày làm việc thứ 3. Trong phiên thảo luận buổi sáng 27/1 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành, có 12 ý kiến tham luận. Phiên thảo luận buổi chiều do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương điều hành. Đáng chú ý, có nhiều tham luận đề cập đến vấn đề tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, “lấy dân làm gốc”.

Lấy mục tiêu an dân trong các vấn đề chỉ đạo

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh đến vấn đề tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng; vận động, thu hút rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho quá trình phát triển đất nước.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, công tác dân vận còn có những hạn chế, bất cập. Việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là tình hình nhân dân trước những sự kiện, tình huống phát sinh ở những lĩnh vực, địa bàn phức tạp có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn quan liêu, sách nhiễu, chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân vận, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; thiếu trách nhiệm, thậm chí làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Một số nơi công tác tiếp công dân, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với Nhân dân chưa được quan tâm đúng mức, chưa bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân... Những hạn chế đó đã ảnh hưởng đến công tác dân vận, làm giảm hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; một số hạn chế kéo dài tạo nên những hệ lụy không tốt, phải mất thời gian, công sức để xử lý.

Bên cạnh việc chỉ ra những tồn tại, thách thức về kinh tế-xã hội hiện nay, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đề cập  đến 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn là thách thức. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là những thách thức rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong thời gian tới.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, đất nước, công tác vận động Nhân dân càng phải chú trọng và đổi mới mạnh mẽ, xây dựng lòng dân hướng về Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo nên sự đồng lòng trong các phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó có việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Cụ thể, thường xuyên sâu sát, gần gũi nắm bắt tình hình, những vấn đề bức xúc trong nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động Nhân dân nhận thức đúng, phối hợp để phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu. Các cấp chính quyền phải xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự xã hội, phục vụ Nhân dân, lấy mục tiêu an dân trong các vấn đề chỉ đạo.

Song song đó, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, người đứng đầu các xã, phường, đơn vị, doanh nghiệp phải tôn trọng và nâng cao vai trò của người dân, người lao động trong việc tiếp cận thông tin, góp ý, hiến kế và quyết định những vấn đề được pháp luật quy định, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; có giải pháp ngăn ngừa từ xa việc bùng phát các điểm nóng trong Nhân dân, không để phát sinh mâu thuẫn lợi ích trong quá trình phát triển. Xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, các vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế và nâng cao vai trò tham gia của nhân dân trong quá trình quyết định chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của Nhân dân, có chính sách sát hợp với đặc điểm vùng miền, đặc thù của đời sống văn hóa người dân mỗi tỉnh nhằm tạo động lực, phát huy lợi thế so sánh và không tạo tâm lý ỷ lại trông chờ vào sự chăm lo, hỗ trợ của Chính phủ, quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội.

“Hiểu dân” hơn để có được thông tin đa chiều

Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đề cập đến vấn đề phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, thực hiện hiệu quả cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. 

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh

Theo đồng chí, trước khi cải cách tư pháp, chúng ta coi việc giúp dân là làm thay cho dân dẫn đến Tòa án phải thực hiện nhiều hoạt động tố tụng, còn người dân thì bị động khi đến Tòa án. Nhưng với tư duy đổi mới và cải cách tư pháp, trong xét xử hình sự, các phán quyết của Tòa án không chỉ căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ, mà còn phụ thuộc vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các phán quyết ấy không chỉ đưa ra những chế tài trừng trị, răn đe mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa. Cũng qua thực hiện cải cách tư pháp, hoạt động xét xử được coi trọng. Tranh tụng tại Tòa án không chỉ diễn ra ở tranh tụng về nội dung mà còn được thể hiện cả về hình thức, cách bố trí phiên tòa để đảm bảo công bằng, bình đẳng khi tranh tụng. Như vậy, Tòa án vẫn giúp đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nhưng không làm thay người dân, mà vẫn tuân thủ nghiêm nguyên tắc pháp chế, đồng thời đảm bảo được công lý, công bằng xã hội.

“Bên cạnh đó, mặc dù Tòa án giải quyết các xung đột, tranh chấp trong dân trên nền tảng pháp luật, nhưng không tách rời đời sống xã hội. Các cán bộ Tòa án phải xâm nhập thực tiễn, “hiểu dân” hơn để có được thông tin đa chiều; tìm hiểu sự việc từ nhiều góc độ khác nhau, củng cố thêm niềm tin nội tâm và nhận định chính xác về sự thật khách quan vụ việc; đảm bảo việc xét và xử vừa thấu tình, vừa đạt lý”, đồng chí Lê Hồng Quang  chỉ rõ.

Từ thực tiễn quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tư pháp, ngành tòa án rút ra bài học kinh nghiệm, đó là phải luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm quan điểm "nhân dân là gốc", “nhân dân là trung tâm” của hoạt động tư pháp, quyền tư pháp; mọi chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy phương châm phục vụ nhân dân, vì hạnh phúc và lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cải cách; coi việc tăng cường niềm tin của nhân dân đối với cơ quan tư pháp là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo