Lãnh đạo TPHCM tặng hoa cảm ơn đơn vị tài trợ xây dựng cầu(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 29/3, TPHCM khởi công dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn kết nối Công viên Bến Bạch Đằng, Quận 1 với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Đây là công trình ý nghĩa chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tham dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM;…
Thay mặt lãnh đạo TP phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về kết nối giao thông, mà còn mang tính biểu tượng kết nối, mở rộng không gian phát triển khu vực trung tâm TP.
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nối liền hai công viên, nằm ở vị trí hết sức đặc biệt ngay tại khu vực Trung tâm TP. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là địa điểm lý tưởng phục vụ người dân và du khách trải nghiệm, thư giãn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn và cảnh quan khu vực với điểm độc đáo của cầu là thiết kế mang hình dáng chiếc lá dừa nước – hình ảnh thân thuộc của vùng đất Nam Bộ, phong cách ấn tượng, hiện đại.
Cầu còn mang ý nghĩa tôn vinh nét đẹp truyền thống, hòa quyện với cảnh quan hiện đại của thành phố, kỳ vọng sẽ tạo sức hút đặc biệt với người dân và du khách đến với TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại buổi lễKhông chỉ có vị trí xây dựng, kết cấu, kiến trúc hết sức đặc biệt, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn còn là một công trình rất đặc biệt khi được xây dựng với tấm lòng tri ân sâu sắc, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng cao cả khi dự án được tài trợ toàn bộ kinh phí bởi Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Công trình sẽ hoàn thiện vào dịp 30/4/2026, hứa hẹn trở thành một biểu tượng kiến trúc và là điểm nhấn trong không gian đô thị của TP.
Việc khởi công công trình là một trong những hành động thiết thực nhằm chào mừng dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và là bước tiến mới, giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đồng thời tạo thêm các công trình điểm nhấn có giá trị đặc biệt trong quy hoạch TP.
TPHCM đang trong quá trình thực hiện nhiều mục tiêu phát triển chiến lược, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, lưu giữ được những ký ức. Cây cầu sẽ là minh chứng cho sự phát triển của TPHCM với vai trò là một đô thị lớn, không ngừng hiện đại hóa, với tầm nhìn phát triển là TP toàn cầu nhưng vẫn giữ cho mình những giá trị văn hóa bền vững.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công“Công trình này cùng với dòng sông Sài Gòn sẽ như một minh chứng cùng thời gian, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và khát vọng vươn lên không ngừng của Sài Gòn - TPHCM, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu trong niềm tri ân và tự hào với lịch sử” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Giao thông công chánh (GTCC) TP Trần Quang Lâm cho biết cầu đi bộ qua sông Sài Gòn là công trình có vị trí hết sức đặc biệt, nằm tại khu vực Trung tâm TP với yêu cầu rất cao về mặt thẩm mỹ và được lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM hết sức quan tâm.
UBND TPHCM đã tổ chức thi tuyển kiến trúc quốc tế với sự hỗ trợ của Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh và kết quả được tuyển chọn là phương án kiến trúc của Liên danh Chodai - Takashi Niwa và Chodai Kisojiban Việt Nam, với thiết kế theo hình dáng chiếc là dừa nước.
Đây là một biểu tượng văn hóa thân thuộc của vùng đất Nam Bộ, phong cách thiết kế ấn tượng, giản dị, mang ý nghĩa tôn vinh nét đẹp truyền thống và hòa quyện với cảnh quan hiện đại của TP.
Sau khi phương án kiến trúc cầu được phê duyệt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã đề xuất tài trợ kinh phí để xây dựng công trình nhằm tri ân người dân TPHCM nói riêng và người dân cả nước nói chung. Đồng thời góp phần vào mục tiêu phát triển của TPHCM.