Quang cảnh giám sát(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 28/3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm trưởng đoàn giám sát, đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tham gia cùng đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng đại diện các cơ quan, đơn vị TP tiếp đoàn giám sát.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội của TPHCM đã đạt được trong thời gian qua. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết này xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt.
Tuy nhiên, TPHCM - trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ của cả nước, vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Do đó, đoàn giám sát mong muốn có cái nhìn toàn diện về thực trạng này, từ đó đưa ra kiến nghị phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của TPHCM và cả nước.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh phát biểu khai mạc tại buổi giám sátTheo đồng chí Nguyễn Thị Thanh, TPHCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao hàng đầu cả nước. Để đạt được điều này, TP cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và giữ chân nhân tài; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Việc tăng cường hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục là yếu tố quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái đào tạo - sử dụng nhân lực bền vững. Đặc biệt, TP cần tận dụng thế mạnh trong khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
Do đó, đồng chí Nguyễn Thị Thanh đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá việc ban hành các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND, HĐND TP liên quan đến phát triển nguồn nhân lực; thực trạng sử dụng nhân lực chất lượng cao trong cả khu vực Nhà nước và tư nhân; cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài; công tác đào tạo, bồi dưỡng và đầu tư phát triển nguồn nhân lực; tình trạng dịch chuyển lao động.
Những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc tại TPHCM là cơ hội để đánh giá khách quan, toàn diện về chính sách phát triển nguồn nhân lực, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng của TP trong thời gian tới.
Đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch, định hướng đào tạo nhân lực
Báo cáo với đoàn giám sát, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu báo cáo với đoàn giám sátTPHCM thực hiện chủ trương thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và tuyển dụng sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Việc này được triển khai theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội và Đề án 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Các chính sách này đã góp phần thu hút, giữ chân đội ngũ nhân sự tài năng, tạo động lực để nhiều cá nhân tiếp tục cống hiến cho TP.
TP cũng chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Đồng thời, TP triển khai Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với sự phối hợp chặt chẽ từ Đại học Quốc gia TPHCM và các trường đại học trên địa bàn. Đội ngũ thiết kế đề án là các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm, đảm bảo nội dung đào tạo bám sát thực tiễn.
Ngoài ra, TPHCM đã tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2020 - 2030. Những giải thưởng này thu hút nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến đột phá, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển TP.
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy điều hành phiên thảo luận tại buổi giám sátCũng tại buổi làm việc, UBND TPHCM đã đưa ra một số kiến nghị quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực.
Theo UBND TP, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý các trường đại học trên địa bàn TP, trong khi các bộ, ngành khác quản lý 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực do cơ chế quản lý còn chồng chéo. Do vậy, UBND TP kiến nghị Chính phủ xem xét chuyển chức năng quản lý các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp về UBND TP để đảm bảo tính thống nhất, giúp địa phương chủ động trong quy hoạch, định hướng đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030.
Về cơ chế đặt hàng đào tạo giữa địa phương và các trường đại học, UBND TP cho rằng, hiện nay, việc đặt hàng đào tạo giữa TP và các trường đại học còn gặp vướng mắc về quy trình, tài chính và đánh giá chất lượng sau đào tạo. UBND TP đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành có hướng dẫn chi tiết hơn về quy trình đặt hàng, lựa chọn đơn vị đào tạo cũng như cơ chế tài chính phù hợp.
Đối với điều chỉnh quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, UBND TP kiến nghị Quốc hội điều chỉnh, bổ sung quy định về đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong công tác đào tạo.