Thứ Tư, ngày 19 tháng 2 năm 2025

Trách nhiệm của đảng viên trong việc xây dựng chi bộ mạnh

Một buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ Trường Mầm non 12 (Phường 12, quận Tân Bình). (Ảnh: MN)

(Thanhuytphcm.vn) – Trong bài viết “Mừng Đảng ta 34 tuổi”, đăng báo Nhân dân số 3598, ngày 3/2/1964, với bút danh T.L., Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm trọn 10 nhiệm vụ đã ghi trong Điều lệ của Đảng…”. Như vậy, muốn chi bộ mạnh (hay ngày nay chúng ta hay gọi là “chi bộ trong sạch, vững mạnh”) thì không ai khác ngoài các đảng viên của chi bộ đó phải nỗ lực thực hiện. Sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của cấp ủy cấp trên chẳng qua là góp thêm những điều kiện để chi bộ trở nên vững mạnh, còn lại, tất cả các đảng viên, đặc biệt là cấp ủy, người đứng đầu, phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện để giúp chi bộ thực sự mạnh, cả trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ xây dựng Đảng.

Trong bài viết nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 10 nhiệm vụ của đảng viên, có thể tóm lược như sau:

1. Tích cực phấn đấu để thực hiện mọi nghị quyết và chỉ thị của Đảng, tham gia sinh hoạt đảng đều đặn, luôn tìm cách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

2. Giữ gìn và củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng.

3. Phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng. Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể mà mình tham gia.

4. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình.

5. Hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đặt lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

6. Luôn thắt chặt quan hệ với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của quần chúng để phản ánh cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Ra sức tuyên truyền, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách và nghị quyết của Đảng...

7. Gương mẫu trong lao động sản xuất, trong công tác, trong việc chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể; thực hành tiết kiệm, tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô.

8. Thực hành tự phê và phê bình; kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động có hại đến lợi ích chung của Đảng.

9. Tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không giấu giếm, xuyên tạc sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu giếm, xuyên tạc sự thật với Đảng.

10. Giữ gìn bí mật của Đảng, của Nhà nước và luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại của kẻ địch.

Cuối bài, Người nhấn mạnh: “Từ nay, mỗi một chi bộ cần phải luôn luôn lấy 10 điều đó mà giáo dục đảng viên; mỗi một đảng viên cần phải luôn luôn ghi nhớ lấy 10 điều đó mà tự kiểm điểm. Phải như thế mới xứng đáng là một chi bộ tốt, một đảng viên tốt của Đảng ta - một đảng cách mạng vĩ đại”.

10 nhiệm vụ nêu trên dành cho đảng viên nay đã được khái quát và tóm gọn thành 4 nhiệm vụ của đảng viên theo Điều 2 Điều lệ Đảng hiện hành nhưng vẫn còn nguyên giá trị và vẫn là định hướng cần thiết để các đảng viên và các chi bộ thực hiện. Hiểu một cách chung nhất, chi bộ mạnh là chi bộ đã lãnh đạo các đảng viên thực hiện được: thứ nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; thứ hai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng Đảng; thứ ba, phát huy tốt nhất vai trò của các cá nhân đảng viên ở tất cả các khía cạnh; thứ tư, thực hiện tốt việc quản lý, giáo dục, định hướng, để không có đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thứ năm, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc của Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt; thứ sáu, thực hiện tốt việc nêu gương đối với quần chúng và thu hút quần chúng phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Một buổi sinh hoạt chi bộ của một tổ chức đảng thuộc quân đội. (Ảnh minh họa: Qdnd.vn) Một buổi sinh hoạt chi bộ của một tổ chức đảng thuộc quân đội. (Ảnh minh họa: Qdnd.vn)

Tùy theo góc nhìn và cách thức tiếp cận, thứ tự của các nhiệm vụ trên có thể thay đổi nhưng một chi bộ mạnh không thể thiếu một trong số các yếu tố đó. Thí dụ, có người sẽ cho rằng điều đầu tiên cần thực hiện là bảo đảm các nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt của chi bộ, phải có giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nhưng người khác có thể cho rằng nhiệm vụ trước hết của chi bộ phải là lãnh đạo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, nếu chi bộ quá chú trọng đến việc thực hiện đúng nguyên tắc mà lơ là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì không thể cho là chi bộ mạnh… Dẫu ở góc độ nào, những điều đó cũng cần phải thực hiện song hành với nhau, bổ trợ cho nhau và từng thời điểm có thể tập trung nhiệm vụ này nhiều hơn nhiệm vụ kia nhưng không vì thế mà có nhận thức xem nhẹ điều này hơn điều khác. Và để đáp ứng được yêu cầu, từng đảng viên phải thực sự nỗ lực, thực sự giữ vững nguyên tắc, thực sự phát huy tính chủ động, sáng tạo, thực sự thể hiện tính chiến đấu…

Như vậy, trên hết, trước hết, bản thân từng đảng viên phải “tự mình” thực hiện tất cả các điều đó. Thí dụ, mỗi đảng viên không thể chỉ chăm chăm thực hiện nhiệm vụ về xây dựng Đảng mà không quan tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị; cũng không thể chỉ nêu gương về đạo đức mà không nêu gương về thực hiện chuyên môn… Đồng thời, bản thân phải gắn kết, chia sẻ các nhiệm vụ trong chi bộ để đóng vai trò hỗ trợ, đồng hành với tập thể, với các cá nhân đảng viên khác. Thí dụ, đảng viên không chỉ cố gắng giữ gìn sự trong sạch của bản thân mà không chú trọng giúp đỡ, uốn nắn các đồng chí trong chi bộ; cũng không thể nỗ lực vươn lên mà không tạo điều kiện để đảng viên khác cùng tiến bộ…

Đặc biệt, các đảng viên phải thể hiện rõ tính chiến đấu, mà biểu hiện rõ nhất là thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình; đối với bản thân thì thẳng thắn tự phê bình, dám thừa nhận các thiếu sót, sai lầm, mạnh dạn sửa chữa các khuyết điểm, hạn chế; đối với đồng chí, đồng đội thì dũng cảm và có trách nhiệm trong việc phê bình, chỉ ra hạn chế và giải pháp khắc phục. Phải thực sự tránh thái độ “co thủ”, “cầu an”, “dĩ hòa vi quý”, mà biểu hiện được nhiều người hay nhắc đến là “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”.

Để thực hiện được những điều ở trên, bên cạnh trách nhiệm của từng đảng viên thì không thể thiếu vai trò chủ động của cấp ủy, của bí thư chi bộ. Có người nói, cấp ủy (hoặc bí thư) là hạt nhân của đoàn kết; nếu hạt nhân lệch về bất kỳ phía nào thì sự cân bằng về đoàn kết cũng sẽ bị lệch theo, tức là yếu tố đoàn kết không còn được bảo đảm. Cũng có người bảo, cấp ủy (bí thư) là đầu tàu của chi bộ; đầu tàu chạy đi đầu thì các toa sẽ đi về phía đó, có khi đi đến sai lầm, thất bại. Điều này không phải không có cơ sở, bởi vai trò dẫn dắt của cấp ủy, của bí thư là không nhỏ.

Nhưng dẫu vậy, nếu từng đảng viên đã nắm vững nguyên tắc, đã phát huy đúng trách nhiệm của mình thì dù cấp ủy, bí thư có đi lệch, đi sai hướng vẫn có thể được “kéo lại”. Thí dụ, nếu bí thư chi bộ xem nhẹ nguyên tắc sinh hoạt đảng, thường xuyên bỏ các buổi họp định kỳ rồi yêu cầu “sáng tác” biên bản để hợp thức hóa mà các đảng viên đấu tranh, yêu cầu phải tổ chức họp đúng thời gian, đúng nội dung, đúng nguyên tắc thì bí thư chi bộ không thể không thực hiện…; nếu bí thư độc đoán, áp đặt thì đảng viên hoàn toàn có thể báo cáo lên cấp ủy cấp trên để có biện pháp xử lý phù hợp.

Do đó, mỗi chi bộ, mỗi đảng viên cần nhớ lời dạy của Bác Hồ: Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm trọn 10 nhiệm vụ. Tức là, không loại trừ cá nhân nào trong chi bộ và từng cá nhân cũng không để sót nhiệm vụ nào thì mới là điều kiện cần và đủ để bảo đảm chi bộ mạnh. Bài học đó rõ ràng là rất thiết thực mà từng đảng viên phải luôn ghi nhớ và thực hiện thường xuyên!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

TPHCM: Khơi dậy và thúc đẩy khát vọng vươn lên không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà còn trong toàn thể nhân dân

Thông báo