Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 20/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có báo cáo tình hình triển khai và kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong hệ thống mặt trận.

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với gần 1,4 triệu lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các ý kiến của toàn bộ dự thảo. Cùng với đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số trên 8,3 triệu ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở tập hợp các báo cáo và ý kiến gửi đến, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành phân loại các ý kiến đóng góp theo từng Chương, từng lĩnh vực, đặc biệt chú trọng tập hợp, phân tích những ý kiến đóng góp về một số nội dung nổi bật, điểm mới trong dự thảo, việc cụ thể hóa những nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"); những ý kiến đối với nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân. Quá trình tập hợp, tổng hợp các ý kiến được thực hiện khẩn trương, bài bản bảo đảm tính trung thực, đầy đủ và khách quan.

Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, qua tổng hợp, hầu hết các ý kiến đều đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều nội dung mới và có định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi luật lần này cần thêm thời gian, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tuy cần thiết nhưng còn gấp gáp, không tránh khỏi tình trạng hình thức còn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị. Để Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 18 thì đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét có nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, có thể lùi thời hạn thông qua để có thời gian nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo.

Về các nội dung cụ thể, đáng chú ý, đối với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, xuất phát từ thực tế, nếu để người dân và doanh nghiệp thoả thuận thì có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhưng nếu để Nhà nước thu hồi đất cũng sẽ phát sinh một số vướng mắc mà hiện nay người sử dụng đất chưa đồng thuận cao. Bởi vì khi thu hồi bồi thường là giá đất nông nghiệp, sau đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao nhiêu thì không có ai kiểm soát và khi thành đất ở giá chênh lệch nhiều lần nên tạo ra vướng mắc, chưa công bằng. Mặc dù dự thảo vẫn quy định là Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng bao gồm rất nhiều điểm, trong đó ban soạn thảo đã tiếp thu và không còn quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, tuy nhiên dự thảo vẫn còn điểm quy định về dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở. Như vậy, trong dự thảo vẫn quy định dự án đô thị do Nhà nước thu hồi đất. Bởi vậy, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thật kỹ lưỡng điều khoản này để phù hợp với Nghị quyết 18.

Cụ thể, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: dự án đô thị phải thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong trường hợp, dự án đã thỏa thuận được trên 80% số hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án nhưng số còn lại không thể thỏa thuận được thì trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Nhà nước tiến hành thu hồi đất đối với phần diện tích không thể thỏa thuận…

Cũng theo báo cáo của MTTQ, một trong những quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 18-NQ/TW đó là quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, đất bỏ hoang. Theo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, so với Luật Đất đai năm 2013 thì dự thảo quy định các khoản thu tài chính từ đất đai bổ sung thêm khoản thu mới là tiền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất đa mục đích. Đối chiếu những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 18-NQ/TW thì dự thảo vẫn chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề là thuế sử dụng đất chưa được quy định cụ thể, không thể hiện điểm mới, chưa đáp ứng yêu cầu mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích, nhiều nhà ở… Quan điểm này được đông đảo nhân dân quan tâm nhưng hiện nay vẫn chưa được cụ thể hóa bởi quy định pháp luật trong dự thảo luật. Do đó, đề nghị đưa vào dự thảo luật các quy định cụ thể về đối tượng sẽ bị áp dụng mức thuế cao, đối tượng được áp thuế bình thường, các trường hợp miễn giảm, xây dựng một hệ thống để thông báo cho người dân biết số tiền thuế họ đóng vào được dùng vào những việc gì, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào công tác giám sát việc sử dụng thuế của Nhà nước. Cùng với đó là những khoản thu nhằm điều tiết hiệu quả chênh lệch địa tô, nhất là phần giá trị tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo