Phong phú, đa dạng, có sức lan tỏa tự nhiên
Nhà trường trong hệ thống giáo dục phổ thông giữ vai trò cốt lõi trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục: “nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…” (Luật Giáo dục năm 2019). Để thực hiện mục tiêu này, nhiều ý kiến ủng hộ việc phát triển không gian văn hoá Hồ Chí Minh một cách thiết thực trong nhà trường là cần thiết.
Thực tế cho thấy trong thời gian gần đây đã có nhiều trường phổ thông trên địa bàn TPHCM xây dựng nhiều mô hình không gian văn hoá Hồ Chí Minh với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, có sức lan toả tự nhiên trong môi trường giáo dục. Các mô hình thư viện mở hướng đến việc trưng bày các sách và tư liệu về Bác và không gian này cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính trị, văn hoá thường xuyên trong nhà trường.
Điển hình, trường THPT Đào Sơn Tây (Thành phố Thủ Đức) xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với 5 không gian chủ điểm: (i) Về quê hương, gia đình và tuổi thơ của Bác; (ii) hành trình đi tìm đường cứu nước và hoạt động yêu nước của Bác; (iii) những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác; (iv) thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và (v) không gian các loại sách báo, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tư liệu, bài viết, cảm tưởng của học sinh trường THPT Đào Sơn Tây với Bác Hồ...
Tại sân trường THCS Minh Đức (Quận 1) trở thành khu triển lãm trưng bày 2 bộ ảnh: TPHCM những chặng đường lịch sử và phong trào học sinh - sinh viên thành phố. Tại trường THCS Lê Văn Tám, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt tại khu vực khuôn viên tượng đài người anh hùng trẻ tuổi Lê Văn Tám với điểm nhấn là 5 cột trụ xoay tương ứng với các chủ điểm: mối quan tâm, tình yêu thương của Bác dành cho giáo dục; phương pháp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường vận dụng để lan tỏa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động giáo dục của nhà trường và những tác phẩm, lời căn dặn của Bác.
Trường THPT Bình Chiểu (Thành phố Thủ Đức) xây dựng không gian giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác qua hình ảnh, nổi bật là những bức chân dung về Bác do học sinh thực hiện; không gian giới thiệu các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của thầy, cô giáo trong trường; không gian sưu tầm các bài viết cảm nhận về Bác của các em học sinh...
Để đổi mới cách tổ chức giáo dục truyền thống nhằm lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa, con người Hồ Chí Minh thấm sâu vào từng giáo viên và học sinh nhà trường, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò vấp) tổ chức hội thi “Giới thiệu tác phẩm về Bác và các cuốn sách viết về Bác” thu hút học sinh toàn trường tham gia thuyết trình tại lớp. Cùng đó, triển lãm hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sảnh chính nhà trường; triển lãm tủ sách Hồ Chí Minh tại thư viện nhà trường; tổ chức cho học sinh tham gia kể chuyện về học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ dưới sân cờ…
Các em học sinh tham quan tìm hiểu về các sách và tư liệu về Bác Hồ Nhiều trường học còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giáo viên và học sinh tham gia sinh hoạt về nguồn tại các di tích lịch sử, tổ chức các hội thi, tọa đàm các nội dung liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thấm nhuần; tích cực học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, để từng bước xây dựng hình thành những không gian văn hóa. Ngoài ra, các trường thường xuyên tổ chức các ngày hội đọc sách, nghiên cứu các tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Người luôn hiện hữu và sống động.
Để các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh lan tỏa mạnh mẽ
Bên cạnh triển khai thực hiện chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”, ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã hướng dẫn triển khai “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” (bao gồm không gian vật thể, không gian phi vật thể và không gian mạng) trong trường học, với mong muốn đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc tự giác, thường xuyên của học sinh, trở thành những học sinh có trí tuệ, phẩm chất đạo đức, có khát vọng phấn đấu cho những mục tiêu tốt đẹp, những công dân tốt.
Để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học một cách có hiệu quả thiết thực, cần nhiều giải pháp thực hiện, trong đó TP đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học gắn với thường xuyên động viên học sinh, sinh viên nhận thức và thực hành việc học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy (Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm). 5 điều Bác Hồ dạy là tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng. Và qua thời gian, 5 điều Bác Hồ dạy đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị; đó không những là mục tiêu, cách thức giáo dục tốt đẹp thiếu niên nhi đồng Việt Nam, là sự giáo dục toàn diện với mục tiêu xây dựng thế hệ trẻ có đủ đức, đủ tài, mà còn là tài sản tinh thần vô giá đối với thế hệ trẻ Việt Nam.
Đối với các trường, việc phát triển văn hoá đọc gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường, tăng sự hiểu biết, lòng biết ơn của học sinh về những tư tưởng tốt đẹp của Bác từ đó góp phần xây dựng niềm tin, lý tưởng cao đẹp trong lòng thế hệ trẻ. Ngoài ra, một trong những cách đơn giản và thiết thực đã được thực hiện là việc xây dựng tủ sách Bác Hồ trong nhà trường (lựa chọn danh mục sách có nội dung hay, hình thức đẹp để có tủ sách đa dạng và phù hợp với lứa tuổi của học sinh), để nơi đây trở thành điểm đến dễ dàng tiếp cận của học sinh. Từ đó không gian văn hóa Hồ Chí Minh vật thể sẽ góp phần hình thành những suy nghĩ, tình cảm và niềm tin tốt đẹp trong tâm thức của học sinh. Trên cơ sở đó bồi đắp tình cảm, nâng cao hiểu biết, nhận thức về Bác Hồ cho thế hệ tương lai của đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo đó, các giá trị văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ hiện thực hóa và lan tỏa rộng khắp, hình thành và hướng dẫn các hệ giá trị tốt đẹp, tích cực trong học sinh. Đây sẽ là hành trang vững chắc cho việc học tập và thực hành theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong bối cảnh môi trường sống xung quanh tác động mạnh mẽ cuộc sống của học sinh hiện nay.
Về phía các địa phương có thể quan tâm thực hiện việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi” nhằm giúp các em tiếp cận, tham quan, giao lưu tìm kiểu kiến thức, cảm nhận được tư tưởng, nhân cách cao đẹp cùng niềm hy vọng to lớn mà Bác dành cho thế hệ tương lai của đất nước. Điều này cũng là việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, nhất là đối tượng thiếu nhi, đoàn viên, thanh niên.