Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm khu vực ASEAN

Các đại biểu tham dự chương trình

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 28/3, UBND TPHCM tổ chức chương trình gặp gỡ cộng đồng đổi mới sáng tạo (ĐMST) TPHCM. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Nhiều dư địa, cơ hội, cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST

Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến kết quả nổi bật của Việt Nam, trong đó có TPHCM trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, TPHCM đang tập trung xây dựng TP trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST tầm khu vực ASEAN và hướng tới tầm châu lục.

Đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, lãnh đạo TP mong muốn được lắng nghe những chia sẻ của các đại biểu để TP chọn đúng trọng tâm, đúng định hướng, đầu tư đúng mức để hoàn thiện cơ chế chính sách, hoàn thiện và phát triển hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST để cập nhật với khu vực và quốc tế.

Đồng chí Phan Văn Mãi mong muốn các đại biểu có thể mạnh dạn chia sẻ từ định hướng, chiến lược, cơ chế chính sách đến những việc cụ thể để TP thật sự là môi trường tốt, hệ sinh thái tốt trung tâm khởi nghiệp ĐMST.

“Lãnh đạo TP mong muốn cộng đồng khởi nghiệp ĐMST tiếp tục chọn TPHCM, đồng hành cùng TPHCM trong đóng góp xây dựng chiến lược chính sách và kiến tạo môi trường xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại TPHCM” – đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ.

Nhấn mạnh đến chiến lược định hướng phát triển TP, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM tiếp tục được giao vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm lớn về nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội… Cùng với đó Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã mở ra nhiều cơ chế cho phát triển khoa học công nghiệp, cho ĐMST.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, với định hướng phát triển TPHCM như vậy, sẽ có rất nhiều dư địa, cơ hội, đơn đặt hàng cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Không chỉ các công việc lớn, những nội dung về kinh tế đô thị, môi trường, các vấn đề về kinh tế - xã hội… đều chứa đựng những cơ hội cho các nhà khởi nghiệp nghiên cứu.

Đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn các nhà khởi nghiệp, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu để tìm thấy được dư địa, cơ hội tại TP để khởi nghiệp. Như vậy không chỉ đóng góp cho kinh tế - xã hội TP mà đóng góp kinh tế - xã hội của cả nước; đồng thời đóng góp trong năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.

Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST

Tại chương trình, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP Nguyễn Việt Dũng đã trình bày việc triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, năm 2023, Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số ĐMST toàn cầu (Global Innovation Index 2023, gọi tắt là GII) so với năm 2022, từ vị trí 59 lên vị trí 57. Trong khi đó, theo Báo cáo Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2023 của Startup Blink cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng trong Top 60 với thứ hạng 58, nhưng đã giảm 4 bậc so với năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng như cũ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 12; đồng thời theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 của NIC và Do Venture, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba về số lượng thương vụ và đứng vị trí thứ tư về tổng giá trị đầu tư trong năm 2023.

Riêng đối với TPHCM, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP được đánh giá là năng động nhất cả nước, trong đó chiếm 50% số lượng startups; 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; 44% lượng vốn đầu tư, 60% số thương vụ của cả nước. TPHCM cũng là địa phương đầu tiên có chính sách đặc thù về khởi nghiệp ĐMST. Theo đánh giá một số báo cáo Quốc tế trong năm 2023, trong đó Startup Genome gần đây đã xếp hạng TPHCM nằm trong nhóm 81-90 thị trường khởi nghiệp sáng tạo mới nổi của toàn cầu. Hay theo Startup Blink, TPHCM xếp hạng 114 trong số các hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam liên tiếp tăng trưởng cao từ năm 2017 đến năm 2022, đạt xấp xỉ hơn 2 tỷ USD, trong đó, hơn 60% doanh nghiệp gọi vốn thành công là của TPHCM. Năm 2023, theo thống kê của Crunchbase (nền tảng tìm kiếm thông tin về kinh doanh và startup), tổng số vốn đầu tư mạo hiểm huy động tại TP là 502,7 triệu USD. Việt Nam hiện có 4 Unicorn – Kỳ lân công nghệ chủ yếu là công nghệ thanh toán và game và 3/4 unicorn này là của TPHCM.

Đại diện Sở Khoa học – Công nghệ TP cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, TP triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM theo Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 01 tháng 3 năm 2021 của UBND TP về việc phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM giai đoạn 2021 – 2025”. Bên cạnh đó là các chính sách đặc thù về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Cùng với đó TP đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM nhằm phát triển nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động ĐMST tại TPHCM (Ho Chi Minh Open Innovation Platform – H.OIP).

S. Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo