Thứ Sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2025

Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đơn thư nặc danh để tố cáo sai sự thật

Ảnh minh họa: Thanhnien.vn

Tình trạng lợi dụng dân chủ, nhân quyền để viết, gửi đơn thư nặc danh, mạo danh, tố cáo sai sự thật đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Mục đích của việc làm này không phải nhằm góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, tổ chức tốt đẹp hơn mà để bôi nhọ, hạ thấp uy tín lãnh đạo, gây mất đoàn kết nội bộ, gây rối tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hệ lụy của đơn thư nặc danh, mạo danh, tố cáo sai sự thật rất nặng nề, làm xáo trộn tư tưởng, gây dư luận xấu trong xã hội, tiến tới bôi nhọ, phá hoại Đảng, chống đối chính quyền...

Thực chất của đơn thư nặc danh khi tố cáo

Điều 22 Luật Tố cáo quy định: Việc tố cáo sẽ được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tại khoản 1, Điều 23 Luật Tố cáo cũng nêu rõ nguyên tắc tố cáo bằng đơn thư như sau: Trường hợp tố cáo mà được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo sẽ phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức để liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp có nhiều người cùng thực hiện tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Khái niệm đơn thư nặc danh là để dùng chung cho các loại đơn thư không xác định được người tố cáo. Mục đích thường là để tố cáo một hành vi vi phạm pháp luật hoặc một vấn đề nào đó mà người gửi muốn “đưa ra ánh sáng”, nhưng lại không muốn công khai danh tính của mình. Đơn thư nặc danh, mạo danh gồm: Đơn thư không có tên người tố cáo hoặc có tên nhưng đó là tên giả, không có thật, chỉ mang tên người khác và mạo danh; hoặc đơn thư có tên nhưng không có địa chỉ cụ thể hoặc địa chỉ không rõ ràng, chính xác.

Nguyên nhân chủ yếu của người viết đơn thư nặc danh: Người tố cáo lo sợ việc mình tố cáo có thể bị trả thù, trù dập nên mặc dù rất muốn thông tin cho cơ quan có thẩm quyền về hành vi mà họ cho là vi phạm pháp luật để cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn và xử lý nhưng họ buộc phải giấu tên. Người gửi đơn thư nặc danh, tố cáo có thể muốn bảo vệ người khác mà không muốn người đó bị liên lụy. Nhưng đặc biệt nguy hiểm là trường hợp người tố cáo với dụng ý không tốt, muốn đưa tin thất thiệt hay thậm chí bịa ra những bằng chứng giả mạo để vu cáo, vu khống người khác, có thể do thù hận cá nhân mà triệt hạ người khác, cũng có thể vì mục đích tư lợi-những hành vi này được xác định là tố cáo sai sự thật.

Đối với đảng viên, được quy định rõ trong Điều 6 Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm: “Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt; cùng người khác viết, ký tên trong đơn tố cáo; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên”.

Những hậu quả khôn lường

Thực tế cho thấy, tình trạng lợi dụng đơn thư nặc danh, mạo danh, tố cáo sai sự thật khá phổ biến, nhằm vu khống, hãm hại người khác và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả của đơn thư nặc danh, mạo danh, tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân; gây mất đoàn kết nội bộ, mất ổn định trong các tổ chức, cơ quan; gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong giải quyết công việc. Ngoài ra, tình trạng này còn gây phức tạp trong xã hội và ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nghiêm trọng hơn, khi đơn thư nặc danh, mạo danh, tố cáo sai sự thật nhằm vào cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị làm hạ thấp uy tín, mất niềm tin.

Các hình thức khiếu nại, tố cáo không chỉ đơn thuần là gửi đơn thư nặc danh mà còn lợi dụng nhiều chiêu trò kết hợp như cắt ghép hình ảnh, dàn dựng video clip, ghi âm giọng nói giả... Nếu không kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh tình trạng đơn thư nặc danh, mạo danh, tố cáo sai sự thật thì tình hình chính trị, tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ sẽ ngày càng nghiêm trọng, kéo dài, gây nên những hậu quả khó lường. Rõ ràng, viết đơn thư nặc danh, mạo danh, tố cáo sai sự thật, hạ uy tín lãnh đạo, tổ chức là hành vi gây rối, nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước và nhân dân, phá hoại tổ chức, cần kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh, thích đáng.

Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đơn thư nặc danh, tố cáo sai sự thật

Hệ thống pháp luật của Việt Nam có chế tài xử lý hành vi vu khống, đơn thư mạo danh, nặc danh, tố cáo sai sự thật đã đủ sức răn đe đối với các công dân có hành vi này. Tuy nhiên, một số cơ quan, địa phương, đơn vị trong thời gian qua còn lúng túng, chậm xử lý đơn thư nặc danh, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân. Vì vậy, để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đơn thư nặc danh, mạo danh, tố cáo sai sự thật hiện nay cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nghiêm minh.

Các cơ quan, tổ chức cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Luật Tố cáo; Luật Khiếu nại; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan; đặc biệt là quy định về tố cáo trong Đảng, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bằng nhiều kênh, hình thức thông tin khác nhau để tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyền khiếu nại, tố cáo, trình tự thực hiện quyền này trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Từ đó thúc đẩy cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, viết đơn thư nặc danh, mạo danh.

Song song với đó, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có biểu hiện hách dịch, cửa quyền, tham nhũng; chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật, kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài trợ, kích động hoạt động khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vượt cấp.

Kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, khiếu kiện phức tạp về an ninh trật tự ngay tại cơ sở, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp. Cấp ủy các cấp cần tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên; phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong tham gia ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng viết đơn thư nặc danh, mạo danh, khiếu nại, tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Không ngừng chăm lo, xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân; phát huy vai trò của các đoàn thể, chính quyền trong gắn bó với quần chúng nhân dân, đi sâu, đi sát với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của người dân.

Đối với cá nhân, cán bộ, đảng viên, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của hành vi gửi đơn thư nặc danh, tố cáo sai sự thật, vu khống; không tùy tiện tin vào những thông tin từ đơn thư nặc danh, tố cáo sai sự thật. Tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra nhận xét, đánh giá.

Nếu bị vu khống, cần tích cực thu thập bằng chứng để bảo vệ quyền lợi của bản thân; báo cáo sự việc ra cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xử lý, giải quyết. Tuyệt đối chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh, phê phán những hành vi lợi dụng đơn thư nặc danh để tố cáo sai sự thật; bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Trung tá Phạm Văn Long, Học viện Chính trị

Theo QDND.vn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo