Chủ Nhật, ngày 17 tháng 11 năm 2024

Xúc phạm Quốc ca có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Khoản 3, Điều 13 Hiến pháp năm 2013 xác định: Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Quốc thiều và tiếng hát Quốc ca của Việt Nam bị tắt âm thanh tại lễ cử quốc thiều trước trận đấu với đội tuyển Lào ở AFF Cup 2020 ngày 6/12 tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Sự cố đã chỉ ra thiếu sót trong việc xác lập các quyền liên quan Quốc ca và từ đó cảnh báo sâu sắc về các hiện tượng thiếu tôn trọng đối với Quốc ca.

Cần xác lập quyền liên quan cho Quốc ca

Năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng bài Tiến quân ca (Quốc ca) cho “nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”. Việc từ bỏ quyền tài sản cũng đồng nghĩa Nhà nước, người dân được tự do sử dụng “nhạc và lời” của bài hát Tiến quân ca mà không cần phải xin phép tác giả và trả tiền bản quyền cho gia đình tác giả. Tuy nhiên, các bản ghi âm của bài Tiến quân ca thì vẫn được bảo vệ bởi Luật Sở hữu trí tuệ.

Khoản 2 và 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”. Luật sư Mai Lưu Phúc, Công ty luật HQC, phân tích, các tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sản xuất ra bản ghi âm bài Quốc ca bản có lời, bản nhạc Quốc ca không lời là chủ sở hữu đối với các bản ghi âm đó. Họ sẽ được pháp luật bảo hộ các quyền đối với các bản ghi âm, đây gọi là quyền liên quan đến quyền tác giả. “Cá nhân, tổ chức sử dụng bản ghi âm bài Tiến quốc ca của các đơn vị sản xuất thì phải xin phép các đơn vị này, thậm chí phải trả tiền bản quyền”, luật sư Mai Lưu Phúc nhấn mạnh.

Trong khi đó, trên nền tảng YouTube, hệ thống Content ID là công cụ cho phép chủ sở hữu dễ dàng xác định và quản lý nội dung của họ. Nếu đăng tải video trùng khớp với tác phẩm đã đăng ký sở hữu trên nền tảng này mà không xin phép chủ sở hữu, thì video đó sẽ bị “đánh” bản quyền. Kênh YouTube đó mất doanh thu quảng cáo, nặng hơn là bị khóa kênh. “Việc kênh Youtube của đơn vị tiếp sóng tắt âm thanh “vì lý do bản quyền âm nhạc”, có thể là do họ đang muốn làm đúng quy định đối với quyền liên quan đến quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ như đã nêu ở trên”, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, Công ty Luật TNHH Chính Nghĩa Luật nhận định.

Đơn vị tiếp sóng “lo xa” là điều dễ hiểu khi trước đó, trong trận đấu tối 16/11 giữa đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia, kênh YouTube của một đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu khác đã không thể kiếm được tiền vì ban tổ chức sân sử dụng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất mà không xin phép.

Tắt âm thanh Quốc thiều hay tiếng hát Quốc ca là hành động không được chấp nhận và không được phép tái diễn, song sự “phòng hờ” của doanh nghiệp chỉ rõ vấn đề bản quyền trên không gian mạng đang được thực hiện ngày càng chặt chẽ. Hiểu luật, các chính sách khai thác nội dung trên môi trường số, thành thạo công cụ là điều cực kỳ quan trọng với mọi quốc gia, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Từ sự cố nghiêm trọng lần này, cơ quan có thẩm quyền cần phổ biến rộng rãi bản ghi Quốc thiều, Quốc ca chuẩn để mọi người dân được sử dụng miễn phí, đồng thời gửi bản ghi chuẩn đến tất cả các sự kiện quốc tế có sự tham gia của các tổ chức và cá nhân của Việt Nam. Đối với các bản ghi chuẩn, cùng với việc tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền cũng cần thông báo cho các nền tảng, trong đó có YouTube, về việc xác lập quyền đối với bản ghi, bảo đảm thực thi pháp luật về quyền liên quan đến quyền tác giả. Có như thế mới “cởi trói” cho tâm lý lo ngại bị “đánh gậy bản quyền” khiến mất doanh thu của các đơn vị có bản quyền tiếp sóng các sự kiện, giải quyết triệt để nguyên nhân chính dẫn đến việc “tắt âm thanh” xảy ra thời gian qua.

Xúc phạm Quốc ca có thể bị phạt tù

“Quốc ca là quốc thể”. Việc tắt âm thanh Quốc ca dù với lý do gì cũng là một trong số những hành vi, thái độ ứng xử chưa phù hợp với bài hát thiêng liêng và mang tính đại diện của dân tộc.

Một sự việc cũng gây phẫn nộ trong nhân dân từng xảy ra vào năm 2015 khi lãnh đạo một doanh nghiệp lĩnh xướng cho hơn 500 nhân viên hát lời chế từ Quốc ca. Việc chế lời đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thiêng liêng của bài hát. Thực chất, không riêng Quốc ca, với bất kỳ bài hát nào, việc chế lời khi chưa được sự đồng ý của tác giả (chủ sở hữu tác phẩm) thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Mọi hình thức xuyên tạc, chế lại tác phẩm sẽ vi phạm Khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 về “hành vi xâm phạm quyền tác giả”.

Học sinh Trường THCS Linh Đông (Thủ Đức) chào cờ trong Lễ tổng kết năm học 2019 – 2020. (Ảnh: Trúc Giang) Học sinh Trường THCS Linh Đông (Thủ Đức) chào cờ trong Lễ tổng kết năm học 2019 – 2020. (Ảnh: Trúc Giang)

Hay thái độ hời hợt khi Quốc ca vang lên trong mỗi dịp chào cờ cũng là những hành vi ứng xử chưa phù hợp với Quốc ca. Bởi, Quốc ca là bài hát được xác định sử dụng trong các nghi lễ quan trọng của đất nước. Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 2/10/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Quốc ca được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại các công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc gia, các sự kiện thể thao cấp Nhà nước và quốc tế… Còn Quốc thiều được sử dụng trong các buổi lễ thượng cờ, lễ đón các nguyên thủ quốc gia, các nghi lễ cấp Nhà nước…

Quốc ca là tài sản của đất nước, là niềm tự hào của dân tộc. Xét về lòng tự tôn dân tộc, các hành vi thiếu tôn trọng Quốc ca Việt Nam đều không được phép xảy ra, dù với bất kỳ lý do gì. Xét về góc độ pháp lý, người nào cố ý xúc phạm Quốc ca thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Điều 351 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hồng Diễm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo