- Căn cứ vào Nghị quyết hội nghị lần thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV), xác định việc “đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống của nhân dân” là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong tình hình nước ta hiện nay:
- Căn cứ vào những quyết định gần đây của Hội đồng Chính phủ về bảo đảm đời sống, ổn định cung cấp được vận dụng vào điều kiện cụ thể của thành phố;
- Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ chung được vạch ra trong Nghị quyết Đại hội kỳ này:
Đại hội thấy cần thiết phải có một nghị quyết cụ thể về những biện pháp cấp bách để giải quyết vấn đề đời sống.
I. ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC THUỘC KHU VỰC NHÀ NƯỚC
A. Bảo đảm cung cấp 10 mặt hàng thiết yếu theo tiêu chuẩn định lượng sau đây:
MẶT HÀNG | ĐƠN VỊ TÍNH | TIÊU CHUẨN |
Cán bộ công nhân viên | Ăn theo (1) |
1- Lương thực | kg/ngườ/tháng | Theo tiêu chuẩn Nhà nước | Tiêu chuẩn theo lứa tuổi |
2- Chất đốt (dầu lửa) | lít/hộ/tháng | 5-9-13 lít/theo hộ CNV (2) |
|
3- Rau tươi | kg/người/tháng | 6 |
|
4- Cá tươi | - | 1 | 0,5 |
5- Nước mắm hoặc nước chấm | lít/người/tháng | 1 | 0,5 |
6- Thịt heo | kg/người/tháng | 0,5 |
|
7- Đường cát hoặc đường thủ công loại 1 | - | 0,6 (3) |
|
8- Bột ngọt | gr/người/tháng | 10 gr |
|
9- Vải, lụa các loại | m/người/2 năm (4) | 5 | 4 |
10- Xà phòng cây | kg/người/tháng | 0,5 |
|
Như vậy: - Công nhân viên chức được cấp 10 mặt hàng
- Những người ăn theo được cấp 5 mặt hàng
10 mặt hàng này phải bảo đảm thực hiện đúng tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng và thời gian quy định – không có thứ này phải thay bằng thứ khác có giá trị tương đương và nếu không đủ hiện vật cung cấp thì phải bù bằng tiền theo thời giá từng quý do một hội đồng được Ủy ban Nhân dân thành phố ủy nhiệm quy định.
Riêng về sữa cho trẻ em (là con công nhân viên chức Nhà nước và những người lao động nghèo):
- Mất sữa mẹ hoàn toàn: 8 hộp/tháng, được mua trong 10 tháng theo giá cung cấp.
- Thiếu sữa mẹ: 4 hộp/tháng, được mua trong 10 tháng theo giá cung cấp.
Còn 2 tháng sẽ bảo đảm bột dinh dưỡng theo giá bảo đảm kinh doanh không trừ vào tiêu chuẩn lương thực hàng tháng của các cháu. Sữa cho người bệnh sẽ có quy luật riêng.
Ngoài ra, hàng năm còn dành một số hàng bán theo giá cung cấp và theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước cho công nhân viên chức thông qua sổ mua hàng cơ quan, hoặc theo phương thức thích hợp như: trà, giấy viết, xe đạp và phụ tùng thay thế, dụng cụ gia đình, vải nhựa đi mưa v.v…
Về phương thức bán:
1. Đối với lực lượng vũ trang (không trực thuộc Bộ Tư lệnh thành phố): Trừ lương thực và vải do quân nhu phụ trách cung cấp, còn 8 mặt hàng khác do thương nghiệp thành phố cấp bằng hiện vật qua “sổ mua hàng” của đơn vị đầu mối, theo kế hoạch hàng quý, năm.
Riêng đối với các lực lượng vũ trang thuộc Bộ Tư lệnh thành phố và công an thành phố do Ủy ban Kế hoạch thành phố duyệt kế hoạch cấp hàng quý, năm, căn cứ theo tiêu chuẩn tương tự như cán bộ, công nhân viên thành phố.
2. Đối với các đối tượng công nhân viên chức:
10 mặt hàng được chia thành 2 nhóm A và B.
Nhóm A: Gồm 7 mặt hàng: lương thực, chất đốt, nước mắm hoặc nước chấm, đường, bột ngọt, vải, xà bông cấp cho tất cả các đối tượng ăn lương Nhà nước bằng hiện vật, theo tiêu chuẩn quy định.
Nhóm B: Gồm 3 mặt hàng thực phẩm tươi sống: rau, cá, thịt do việc cung cấp có nhiều khó khăn nên tùy theo tình hình cụ thể mà cấp bằng hiện vật, vật tư (cám, giống, v.v…), bằng tiền mặt.
Cụ thể như sau:
a. Rau: - Tập trung cấp bằng hiện vật theo giá cung cấp cho:
+ Lực lượng vũ trang.
+ Nhà ăn tập thể của cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, công trường, cơ sở xã hội do Nhà nước nuôi dưỡng.
+ Nhà trẻ, mẫu giáo.
+ Khách quốc tế.
- Rau cấp bằng hiện vật phải bảo đảm tươi, ngon, không ép buộc người mua, nếu người mua không đồng ý; chưa mua thì tiêu chuẩn hàng tháng vẫn còn được mua đến ngày cuối tháng đó.
- Ngoài 4 đối tượng trên, thương nghiệp sẽ trả bằng tiền mặt theo thời giá nói trên, ngay trong tháng đó. Việc trả bằng tiền mặt do đơn vị cơ quan, xí nghiệp căn cứ vào sổ lương hàng tháng và chế độ nói trên làm dự trù đưa tới cửa hàng rau thuộc Công ty rau quả xác nhận thì ngân hàng sẽ cấp sau kỳ lương.
b. Cá, thịt:
- Cấp bằng hiện vật theo giá cung cấp cho 4 đối tượng quy định như áp dụng đối với rau.
- Ngoài 4 đối tượng trên, nếu không bảo đảm được bằng hiện vật, thương nghiệp phải trả bằng tiền mặt theo thời giá và cách thanh toán như đối với rau đã nói ở trên.
- Để huy động khả năng của tất cả các cơ quan, xí nghiệp tham gia cùng với ngành thương nghiệp giải quyết vấn đề lớn cho đời sống, nếu đơn vị nào tự túc trồng rau, chăn nuôi heo, cá được thì thương nghiệp phải cung cấp vật tư, thức ăn gia súc và giống để đơn vị đó có thể tiếp tục tăng gia sản xuất trừ vào tiêu chuẩn cung cấp của cán bộ công nhân viên đơn vị mình, thương nghiệp không phải cấp hiện vật hay bù tiền nữa.
- Đồng thời với việc duy trì hệ thống của cửa hàng cung cấp, thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã phải mở rộng kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm và công nghệ phẩm theo giá bảo đảm kinh doanh và bằng phương thức hết sức thuận tiện để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của công nhân viên chức Nhà nước.
- Thực hiện việc phân cấp bán lẻ cho quận, huyện để huy động khả năng tự cân đối của các quận, huyện, phần nào còn thiếu hụt thành phố sẽ cấp bổ sung.
- Ngân hàng cần bảo đảm chi đủ và kịp thời về tiền mặt để thu mua và để thanh toán bằng tiền mặt cho công nhân viên chức theo chế độ nói trên.
- Ngành giao thông vận tải bảo đảm nhu cầu vận tải hàng hoá và trang bị một số xe chuyên dùng cho các công ty thương nghiệp.
Về hình thức phục vụ:
- Tất cả các đối tượng được mua hàng cung cấp bằng hiện vật đều được cấp sổ mua hàng; nếu là tập thể thì cấp “sổ mua hàng tập thể”, nếu là cá nhân thì cấp “sổ mua hàng gia đình” (gồm công nhân viên chức và người ăn theo trong hộ).
- Mỗi sổ mua hàng được đăng ký mua hàng cố định tại một cửa hàng nơi cư trú hoặc nơi làm việc.
- Thương nghiệp sẽ tổ chức hệ thống cửa hàng cung cấp phục vụ tại cửa hàng hoặc định kỳ đưa hàng đến phục vụ tại cơ quan, xí nghiệp.
- Phải thực hiện công khai hoá tiêu chuẩn ở các cửa hàng và các cơ quan, xí nghiệp để chống hiện tượng tùy tiện cắt xén của các cửa hàng hay căn-tin cơ quan.
Thời gian thực hiện:
- Chế độ cung cấp nói trên bắt đầu được thực hiện từ tháng 10 năm 1980, kể cả đối với công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, xí nghiệp của Trung ương đóng tại thành phố.
B. Thực hiện tốt chế độ tiền lương, tiền thưởng Nhà nước mới quy định:
Ngoài việc thực hiện tốt việc cung cấp định lượng 10 mặt hàng như nêu trên, trong từng cơ quan, xí nghiệp, công, nông trường phải bảo đảm thực hiện tốt những việc sau đây:
1. Phải xem xét lại toàn bộ những chính sách, chủ trương về bảo vệ đời sống cho công nhân viên chức Nhà nước đã ban hành mà lâu nay vì lý do này, lý do khác chưa thực hiện thì từ nay phải nghiêm chỉnh thực hiện cho bằng được.
2. Từng đơn vị, nhất là trong các xí nghiệp sản xuất, cần phải áp dụng ngay và áp dụng rộng rãi chế độ lương khoán, lương sản phẩm, tiền thưởng, tiền phụ cấp khác cho công nhân viên chức; chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân do Nhà nước quy định.
3. Trong mỗi ngành, mỗi đơn vị, tìm mọi cách thực hiện trong ngành mình, đơn vị mình việc mở rộng sản xuất, kinh doanh trong kế hoạch và ngoài kế hoạch, thực hiện đầy đủ chế độ 3 lợi ích do thành phố đã hướng dẫn để không ngừng mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống công nhân viên chức, nâng cao phúc lợi tập thể của đơn vị mình một cách cụ thể, thiết thực.
4. Công bố và cho áp dụng quyết định của Hội đồng Chính phủ về mức phụ cấp lương tạm thời cho công nhân, viên chức Nhà nước.
II. ĐỐI VỚI THẦY GIÁO, CÔ GIÁO, VÀ CÔ NUÔI DẠY TRẺ
Ngoài việc bảo đảm bán cung cấp 10 mặt hàng theo tiêu chuẩn định lượng như mọi cán bộ công nhân viên khác, để góp phần ổn định và cải thiện từng bước đời sống thầy giáo, cô giáo và cô nuôi dạy trẻ, thành phố chủ trương áp dụng một số biện pháp cụ thể sau đây:
- Thực hiện đầy đủ chế độ bồi dưỡng giảng dạy thêm giờ bằng hiện vật (đường, sữa) đúng định lượng và thời gian theo thành phố đã quy định, kể cả đối với các trường đại học và trung học chuyên nghiệp do trung ương quản lý đang thuộc địa phận thành phố.
- Phụ cấp tiền tàu xe đi dạy học như đã quy định trong nghị quyết 10 của Thường vụ Thành ủy, những trường hợp khó khăn sẽ giải quyết bán xe đạp cung cấp hoặc phụ tùng thay thế trong khuôn khổ chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, nhưng có sự chiếu cố hơn công nhân viên chức các ngành khác.
- Hàng năm, thành phố sẽ bán theo giá cung cấp cho mỗi thầy cô giáo các trường phổ thông, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, các trường bổ túc văn hoá tập trung đủ một bộ quần áo (nữ 1 áo dài, 1 quần dài; nam 1 chemise và 1 quần dài). Đối với các cô nuôi dạy trẻ sẽ cung cấp đủ lương thực theo chế độ Nhà nước quy định (16 kg/tháng), trang bị áo blou trong giờ làm việc.
- Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng nhằm khuyến khích các thầy cô tập trung sức lực vào việc dạy học tại trường, chăm lo được việc nâng cao chất lượng giảng dạy, không phải lo nhiều việc khác để kiếm sống. Hàng năm, thầy cô giáo và các cô nuôi dạy trẻ được công nhận là lao động tiên tiến thì được thưởng ít nhất bằng 1 tháng lương, thầy cô giáo và cô nuôi dạy trẻ được công nhận là cô thầy nuôi, dạy giỏi thì được thưởng ít nhất bằng 2 tháng lương. Ngoài ra, có thể cho phép dạy thêm ngoài giờ và do nhà trường tổ chức. Đối với giáo viên cấp III mở các lớp luyện thi lớp 10 và đại học, được thu của học sinh 5 đồng 1 tháng. Đối với giáo viên cấp II mở các lớp ban đêm cho các cháu vì đời sống gia đình khó khăn không đi học được, tiền thù lao cho thầy cô giáo không phải do các em đóng góp mà do ngân sách đài thọ. Chú ý không đãi ngộ bình quân, đối với thầy cô dạy giỏi thì có mức thu nhập cao hơn.
Đối với anh chị em giáo viên công tác ở các quận nội thành không có nhà ở hoặc nhà quá chật hẹp, hư hỏng thì cơ quan quản lý nhà đất thành phố và quận cùng ngành chủ quản tích cực giải quyết cho anh chị em này có nhà ở, điều chỉnh những nhà quá chật hẹp hoặc có kế hoạch sửa chữa ngay những nơi hư hỏng.
Đối với anh chị em giáo viên công tác ở các huyện ngoại thành, nhất là những thầy cô giáo, cô nuôi dạy trẻ từ xa đến dạy học ở các xã thì điều trước hết phải bảo đảm chỗ ăn, ở, làm việc ổn định cho số anh chị em này bằng 2 nguồn giải quyết: một mặt do các huyện, xã, các đoàn thể quần chúng địa phương cùng phụ huynh học sinh góp phần giải quyết; mặt khác Nhà nước phải trợ cấp.
Riêng đối với Duyên Hải, những thầy cô giáo nào được phân công đến dạy học ở vùng này, thành phố sẽ có chính sách đãi ngộ đặc biệt về tiền lương, tiền phụ cấp, tiền chi phí cho những sinh hoạt đi lại.
Để tạo được mối quan hệ gắn bó giữa gia đình và nhà trường, phát huy được vai trò của nhân dân trong việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nhà trường, giải quyết một phần khó khăn cho thầy cô giáo, các địa phương sẽ thành lập “Ban bảo trợ trường học”. Công đoàn giáo dục, Sở Giáo dục kết hợp với Ban Dân vận Mặt trận Thành ủy nghiên cứu chức năng nhiệm vụ và cơ cấu của “Ban bảo trợ trường học” các cấp để đề xuất với Thường vụ Thành ủy.
- Về việc tổ chức cung cấp hàng hóa cho anh chị em ở ngành giáo dục (cũng như ngành y tế); Sở Thương nghiệp cùng Sở Giáo dục (và Sở Y tế) bàn ngay cách thức phân phối sao cho thuận tiện để cho thầy cô giáo (và y, bác sĩ) không phải bận bịu với các hàng hoá được phân phối.
Đối với các ký túc xá các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, Ủy ban Nhân dân thành phố cùng với Ban cán sự các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải cử người đi kiểm tra ngay tình hình ăn, ở, việc thực hiện các chế độ cung cấp của Nhà nước đối với sinh viên và học sinh nội, ngoại trú và phải có kế hoạch bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ này (nhất là về lương thực thực phẩm, vải may quần áo, giấy viết, các chi phí khác về đời sống tập thể v.v…).
III. ĐỐI VỚI Y, BÁC SĨ VÀ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC NGÀNH Y TẾ
- Thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật có định lượng để bảo đảm sức khỏe cho công nhân viên chức ngành y tế trong những phiên trực, khi mổ xẻ và trong những ngành nghề độc hại.
- Trong lúc chờ đợi quyết định của Trung ương trước mắt cần bảo đảm bồi dưỡng phẫu thuật, làm thay (làm choàng) theo tinh thần chỉ thị 113 của Ủy ban Nhân dân thành phố đối với các cơ sở y tế trong thành phố. Riêng đối với các cơ sở y tế của Trung ương quản lý thì kiến nghị với Trung ương cho thực hiện thống nhất với các cơ sở y tế của thành phố.
- Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng nhằm khuyến khích y, bác sĩ tập trung sức lực vào việc chăm lo sức khỏe của bệnh nhân, không phải mất nhiều thời giờ vào việc sinh sống hàng ngày. Y, bác sĩ là lao động tiên tiến được thưởng mỗi năm ít nhất bằng 1 tháng lương; y; bác sĩ giỏi mỗi năm được thưởng ít nhất bằng 2 tháng lương. Ngoài ra, để thực hiện chế độ 3 lợi ích, bảo đảm tăng thu nhập của công nhân ngành y, các bệnh viện được phép tổ chức những phòng khám bệnh ngoài giờ ở trong hoặc ngoài bệnh viện theo những quy định quản lý được ban hành, với sự hỗ trợ của Nhà nước về thuốc men, cơ sở, phương tiện xét nghiệm, X quang, được phân phối theo giá bảo đảm kinh doanh, hoặc được sử dụng vào bồi hoàn khấu hao một cách hợp lý cho tất cả các anh chị em còn có điều kiện thực hiện việc khám, chữa bệnh ngoài giờ.
- Các bệnh viện phải tìm mọi cách bảo đảm chế độ nuôi dưỡng người bệnh theo chế độ của Nhà nước quy định; ngoài ra các bệnh viện có thể tổ chức căn-tin phục vụ ăn uống cho bệnh nhân theo yêu cầu bệnh lý và nhu cầu của bệnh nhân theo giá bảo đảm kinh doanh.
- Kiến nghị với trung ương cho nhập khẩu và huy động tồn kho để bảo đảm có đủ thuốc. Đặc biệt là thuốc cấp cứu và các nhu cầu tối thiểu cần thiết cho chữa bệnh và phòng bệnh. Trước mắt và từ đầu năm 1981, thành phố cố gắng nhập một số nguyên liệu để sản xuất thuốc và nhập các dược phẩm đặc chế, chuyên trị các bệnh theo nhu cầu phòng và chữa bệnh.
- Lập các cửa hàng bán dược phẩm theo giá bảo đảm kinh doanh để mở rộng diện bán lẻ trong nhân dân và các phòng khám tập thể ngoài giờ.
IV. ĐỐI VỚI CÁN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT, NHỮNG NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC BÁO CHÍ, BIÊN TẬP, XUẤT BẢN, VĂN NGHỆ SĨ, VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ DỤC THỂ THAO
- Đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, thành phố sẽ tổ chức mở kho lưu các bản thảo có thù lao thích đáng của những anh chị em có công trình nghiên cứu đã được Hội đồng khoa học kỹ thuật xác nhận nhưng chưa được sử dụng, để khuyến khích anh chị em đó tiếp tục nghiên cứu; quy định tỷ lệ thưởng rộng rãi đối với những công trình nghiên cứu, sáng chế về khoa học, kỹ thuật theo hiệu quả kinh tế mang lại.
- Đối với anh chị em làm công tác báo chí, biên tập, xuất bản sẽ thực hiện chế độ định mức nghĩa vụ. Nếu viết bài vượt mức nghĩa vụ được tăng, thì được hưởng chế độ nhuận bút đã quy định.
- Đối với văn nghệ sĩ và vận động viên thể dục thể thao, phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng phù hợp với loại hình dao động nghệ thuật và thể dục thể thao. Tổ chức thu tiền vào cửa xem các phòng triển lãm hoặc bán vé giá hợp lý đối với các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ để tạo nguồn thu trang trải những chi phí cần thiết. Ủy ban Nhân dân thành phố cần nghiên cứu và ban hành các chế độ này.
V. ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CÔNG AN, TỰ VỆ PHƯỜNG, XÃ VÀ THANH NIÊN XUNG PHONG
1. Đối với lực lượng công an:
- Kiến nghị với Bộ Nội vụ chuyển quỹ hàng hóa cung cấp cho lực lượng công an theo chế độ Nhà nước quy định về thành phố, để thành phố trực tiếp cung cấp, mặt nào còn thấp thành phố sẽ giải quyết ngang hàng với chế độ cung cấp cho cán bộ công nhân viên thành phố.
- Trong khu vực quận, huyện, lực lượng công an sẽ tổ chức ăn ở tập thể chu đáo cho những anh chị em chưa có gia đình riêng. Những người có gia đình riêng mà chưa có nhà ở sẽ được xét cấp nhà như các cán bộ công nhân viên khác.
- Thực hiện chế độ tiền thưởng cho những tập thể và cá nhân có công trong việc phát hiện và bắt giữ hàng buôn lậu, được trích tỷ lệ như Ủy ban Nhân dân thành phố đã quy định.
2. Đối với tự vệ tập trung phường, xã:
- Mỗi phường, xã được tổ chức lực lượng tự vệ theo biên chế mà Ủy ban Nhân dân thành phố đã chấp thuận và Bộ tư lệnh thành phố đã duyệt để bảo vệ an ninh phường, xã. Đội viên tự vệ phường, xã được xem là quân dự bị, được huấn luyện chu đáo về kỹ thuật chiến đấu, khi cần có thể bổ sung cho bộ đội chủ lực.
- Đời sống của anh chị em dựa trên 3 nguồn: một nguồn do trợ cấp của Nhà nước theo như chế độ đối với công nhân viên chức thuộc khu vực Nhà nước; một nguồn do anh em tăng gia sản xuất tự cải thiện thêm và một nguồn khác là dựa vào sự chăm sóc của nhân dân. Riêng về quần áo hàng năm sẽ được Nhà nước cung cấp đủ vải để may một bộ đồng phục cho mỗi đội viên theo chế độ đã định.
3. Đối với lực lượng thanh niên xung phong:
- Thực hiện đúng những điều quy định trong quyết định số 122/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân ban hành ngày 9-10-1980 đối với lực lượng thanh niên xung phong thành phố.
- Ngoài ra Ủy ban Nhân dân thành phố cần nghiên cứu giải quyết các nhu cầu về phòng hộ lao động đối với từng loại công tác của thanh niên xung phong. Đối với đội viên nữ thanh niên xung phong ngoài chế độ chung được cấp 1 lần bằng hiện vật (như quyết định số 122/QĐ-UB) cần cấp thêm 1 bộ quần áo bằng vải mỏng.
Về ánh sáng cho sinh hoạt và học tập của thanh niên xung phong được cấp bằng hiện vật.
VI. ĐỐI VỚI CÁN BỘ PHƯỜNG, XÃ
- Ngoài số cán bộ dân cử trong bộ máy chính quyền phường, xã, số cán bộ còn lại sắp xếp vào các công việc nghiệp vụ cần thiết tại chỗ như thống kê, kế toán… theo số lượng quy định của tổ chức chính quyền thành phố. Những người này được hưởng chế độ như cán bộ công nhân viên trong biên chế ở quận, huyện.
- Số cán bộ được dân cử thì hưởng theo chế độ định xuất do Nhà nước quy định. Đối với những anh em, chị em hoạt động liên tục lâu năm, tại chỗ mà vẫn được dân tín nhiệm thì thành phố kiến nghị với trung ương cho anh chị em này được tính vào thâm niên và được hưởng chế độ hưu trí như cán bộ công nhân viên trong bộ máy Nhà nước.
- Cán bộ biệt phái về phường, xã được hưởng mọi quyền lợi như cán bộ công nhân viên Nhà nước; Ủy ban Nhân dân thành phố cho nghiên cứu một chế độ khuyến khích cán bộ cấp trên về công tác ở phường, xã.
- Cán bộ phường, xã phải gắn liền với sản xuất và quần chúng để bảo đảm vừa công tác vừa ổn định được đời sống và sinh hoạt của anh chị em.
- Riêng đối với tổ trưởng, tổ phó dân phố (không phải là cán bộ công nhân viên kiêm nhiệm) cần nghiên cứu chế độ trợ cấp phù hợp, trước mắt phải bảo đảm thực hiện tốt chế độ cung cấp lương thực và những chế độ cung cấp trong những ngày lễ, ngày tết cho anh chị em.
VII. ĐỐI VỚI NÔNG DÂN NGHÈO
- Theo tinh thần chỉ thị 57 của Ban Bí thư, chính quyền huyện và xã phải ưu tiên giải quyết ruộng đất cho số nông dân nghèo, nếu bà con ở gần nơi có đất hoang hoá thì địa phương phải nghiên cứu kiến nghị với Nhà nước có chế độ đầu tư khai hoang phục hoá để giúp đỡ bà con có ruộng. Ở những nơi không có ruộng hoang hoá thì động viên nhân dân với tinh thần nhường cơm xẻ áo mà san xẻ ruộng cho bà con. Tùy từng nơi, đảng bộ địa phương (huyện và xã) cùng nhân dân giải quyết cho số bà con này có đất canh tác, có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập đủ sống; nơi nào gần nông trường, thì ưu tiên đưa bà con vào làm việc ở nông trường, trở thành công nhân nông trường; hoặc đưa vào làm ở các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các ngành nghề tiểu, thủ công. Chú ý giúp đỡ cho bà con về nhà cửa, nông cụ, giống cây, con, vốn liếng sản xuất v.v… Cần thực hiện đúng chính sách đối với phú nông để điều chỉnh ruộng đất của phú nông đối với nông dân nghèo.
Nhà nước sẽ thực hiện một chính sách đầu tư cần thiết cho các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với các tập đoàn có nhiều nông dân lao động nghèo, phải giúp đỡ một cách thiết thực về vốn liếng, phân, giống cây, con, sức kéo, nông cụ v.v… để các tập đoàn này có thể vươn lên, đẩy mạnh được sản xuất cải thiện được đời sống.
Riêng đối với Duyên Hải, ngoài chế độ chung hàng năm, cần chú ý cung cấp nông, ngư cụ và bán đủ cho mỗi ngư dân một bộ quần áo theo giá bảo đảm kinh doanh.
VIII. ĐỐI VỚI CÁC GIA ĐÌNH THƯƠNG BINH LIỆT SĨ, CÁC GIA ĐÌNH CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, ĐỐI VỚI SỐ BÀ CON THUỘC DIỆN KINH TẾ MỚI
1. Đối với các gia đình thương binh liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, cần thực hiện đầy đủ các chính sách Nhà nước đã ban hành. Ủy ban Nhân dân và ngành thương binh xã hội các cấp cần công bố cho mọi người rõ các chính sách của Nhà nước đối với các gia đình thương binh liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng và các gia đình này có trách nhiệm phản ánh cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp việc thực hiện các chính sách đó.
2. Đối với số bà con thuộc diện kinh tế mới:
- Đối với số bà con đã đưa đến những vùng kinh tế mới ở các tỉnh và hiện còn làm ăn sinh sống ở đó thì phải tổ chức các đoàn kiểm tra đi nắm lại tình hình, bàn bạc với các tỉnh để giúp đỡ bà con khắc phục các khó khăn về ăn, ở, sản xuất. Có những mặt khó khăn nào mà các tỉnh và bà con không giải quyết được thì thành phố phải có trách nhiệm góp sức cùng các tỉnh giải quyết những mặt khó khăn đó để bà con ổn định sản xuất và đời sống.
- Đối với vùng giãn dân ở ngoại thành, phải cho kiểm tra ngay lại tình hình để giải quyết cho bà con ở đây được ổn định. Bộ phận nào có thể đưa vào nông trường thì giao hẳn cho nông trường quản lý, chịu trách nhiệm về mọi mặt đối với bà con. Các nông trường cần sử dụng tốt sức lao động của số bà con này; bộ phận nào không thuộc phạm vi nông trường thì chuyển hẳn cho địa phương quản lý, thực hiện các chế độ chính sách giống như dân địa phương. Trước mắt, số bà con này có khó khăn gì thì nông trường và ủy ban nhân dân xã phải có trách nhiệm giải quyết bằng cách tận dụng hết mức khả năng và điều kiện của mình, nếu cuối cùng không giải quyết được thì phải báo cáo cho huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện và cho ngành cấp trên trực tiếp quản lý nông trường.
- Đối với số bà con đang sống lang thang ở các đường phố, ở các vùng kinh tế mới về không nhà ở thì trước hết phải gấp rút lo cho bà con có chỗ ăn, chỗ ở, bán lương thực theo giá cung cấp, ai quá khó khăn thì phải cứu tế về lương thực, quần áo, thuốc men trị bệnh. Ủy ban nhân dân phường phải lập một bộ phận giúp việc (gồm công an, dân vận, phụ trách công tác đời sống) chuyên trách việc bố trí, sắp xếp cho bà con. Cần tiến hành phân loại để giải quyết thích hợp theo phương hướng dưới đây:
+ Nếu phường nắm chắc người của phường bố trí đi thì phường chịu trách nhiệm cho đăng ký hộ khẩu tạm trú ngay, giải quyết công ăn việc làm, giải quyết các chính sách giống như những người lao động nghèo ở địa phương. Có một số bà con mà trước đây đã tích cực hưởng ứng chính sách ra đi, nay hoàn cảnh khó khăn làm ăn không được hoặc gia đình quá neo đơn phải trở về chốn cũ thì cho làm thủ tục nhập khẩu trở lại. Những người có tay nghề mà thành phố có nhu cầu thì tìm công ăn việc làm cho họ và tích cực vận động bà con thân nhân giúp đỡ họ.
+ Nếu thuộc diện có thể hoặc bắt buộc phải đưa lại vùng kinh tế mới thì phải có chuẩn bị kỹ chỗ ăn, chỗ ở và điều kiện sản xuất ở vùng kinh tế mới trước khi đưa đi.
+ Số làm ăn bất chính, lưu manh, không chịu lao động hoặc đã trốn trại, cần đưa vào trại cải tạo sẵn có.
+ Số già yếu không nơi nương tựa thì đưa vào các trại thuộc Sở Thương binh Xã hội, số cùi đưa vào các trại cùi.
Vùng đất khai hoang trồng cây công nghiệp ở cầu An Hạ và kinh Thầy Cai cần gấp rút xây dựng một số nhà để trường hợp có số bà con vùng kinh tế mới nào chưa có chỗ ăn, ở và công ăn việc làm thì sẽ bố trí ngay cho số bà con này.
Có một số trường hợp không phải đồng bào vùng kinh tế mới chạy về mà do đời sống khó khăn ở một số tỉnh, bà con chạy vào thành phố, sống lang thang trên vỉa hè; đối với số này, các quận tìm mọi cách đưa bà con vào tạm trú ở một số nơi tập trung, cứu trợ ngay về lương thực, thuốc trị bệnh, quần áo v.v… Nếu còn nhà cửa mới xây cất ở phía kinh Thầy Cai và cầu An Hạ thì tạm thời đưa số bà con này lên ở đấy, đồng thời báo cáo lên Ủy ban Nhân dân thành phố liên hệ với các tỉnh, tổ chức giúp đỡ bà con trở về quê cũ.
Ủy ban Nhân dân thành phố cần có chỉ thị quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành, các cấp có liên quan trong việc giải quyết số bà con thuộc diện nói trên và tổ chức triển khai ngay.
IX. ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG, TRẠI CẢI TẠO GIAM GIỮ
+ Phải thực hiện đúng các chính sách Nhà nước đã quy định là: bảo đảm ăn, ở, mặc, thuốc men, học hành, chế độ đối xử.
+ Ủy ban thành phố và các quận, huyện phải có một bộ phận gồm các ngành có liên quan để kiểm tra và chỉ đạo vấn đề trên, đồng thời để phát huy sức lao động, tay nghề, đất đai và nguyên vật liệu tại nơi các trường, trại này. Trên cơ sở đó phát huy ba lợi ích để vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa cải tạo qua lao động, vừa cải thiện đời sống của họ.
+ Ủy ban Nhân dân thành phố cần nghiên cứu chế độ đãi ngộ thích đáng đối với những cán bộ làm công tác cải tạo các nạn nhân tệ nạn xã hội để khuyến khích anh chị em này tập trung sức lực vào việc cải tạo con người, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
*
Thực hiện được những điều quy định trên đây phải có sự nỗ lực lớn và đồng bộ. Trong tình hình khó khăn chung của đất nước, nếu thực hiện được những điều quy định này cũng sẽ giảm bớt được một số khó khăn trong đời sống quần chúng, nhất là trong công nhân viên chức và người lao động nghèo. Song, muốn thực hiện yêu cầu này, Nhà nước phải chi tiêu thêm cho quỹ bù đắp một số tiền rất lớn. Để có một số tiền như trên, chúng ta không có cách nào khác hơn là:
1. Thi đua tăng năng suất, triệt để tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm, chống lãng phí, chống thất thoát tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho Nhà nước nắm chắc các nguồn hàng, phát huy 3 lợi ích, theo chế độ chính sách và phương thức của Nhà nước mới quy định.
2. Phân công phân cấp một cách hợp lý, tháo gỡ ngay những cơ chế ràng buộc (ngay trong cơ cấu của nội bộ thành phố, giữa các ban ngành, sở của thành phố và giữa thành phố với các quận, huyện) để giải phóng sức sản xuất và thúc đẩy phân phối lưu thông; đồng thời sớm kiến nghị với Chính phủ giải quyết vấn đề phân công phân cấp giữa trung ương và thành phố.
3. Chống bao cấp tràn lan. Phải bán giá bảo đảm kinh doanh một số mặt hàng cho một số đối tượng. Chỉ có như thế thì mới có thể tái phân phối và tái sản xuất mở rộng, nghĩa là mới có điều kiện để cải thiện một bước đời sống cho công nhân, viên chức Nhà nước và tầng lớp lao động nghèo, mới phân phối lại thu nhập quốc dân một cách công bằng, hợp lý.
4. Quản lý thị trường, chống đầu cơ tích trữ: thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán phải tích cực tham gia thị trường đi đôi với đẩy mạnh cải tạo tư thương bằng các hình thức thích hợp.
5. Phát huy mọi tiềm năng, tay nghề sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu.
6. Nhất thiết phải tăng cường một đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, giỏi tay nghề, phẩm chất tốt vào khu vực phân phối lưu thông. Ngoài ra, cần phải sử dụng cho được các tay nghề về phân phối lưu thông trong quần chúng và có chính sách thỏa đáng đối với họ.
7. Quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ. Phải thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước với tinh thần tự lực tự cường, chống ỷ lại, trông chờ vào sự chi viện của Trung ương, của thành, quận, huyện mà phải vươn lên tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở ngay từ cơ sở. Phải phát huy những khó khăn, vướng mắc ở ngay từ cơ sở; phải phát huy và mở rộng nhanh chóng phong trào học tập và nhân điển hình tiên tiến để làm cơ sở vững chắc cho việc thực hiện nghị quyết này.
Tóm lại là phải tích cực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và biện pháp của nghị quyết Đại hội lần này, và phát huy thành phong trào cách mạng của quần chúng, trong các tầng lớp và các sở, ban, ngành, các cấp.
Nghị quyết này là một phần của nghị quyết chung của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II được cụ thể hoá để giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất trước mắt trong đời sống hiện nay, còn những mặt đời sống khác sẽ căn cứ vào nghị quyết chung của Đại hội.
Ủy ban Nhân dân thành phố căn cứ các điểm quy định trong nghị quyết này, sớm ban hành các văn bản về mặt Nhà nước, đồng thời tổ chức triển khai việc thực hiện một cách khẩn trương, đồng bộ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, căn cứ các quy định trong nghị quyết này và các văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố, tổ chức và giám sát việc thực hiện một cách nghiêm chỉnh.
*
**
Với tinh thần trách nhiệm, với sự phấn đấu để vượt qua một chặng đường khó khăn, toàn Đảng, toàn quân và nhân dân thành phố phải đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, noi gương các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực hoạt động, trong hoàn cảnh chung đó tự mình vươn lên giải quyết được những khó khăn trong sản xuất và đời sống, để thực hiện cho bằng được nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng bộ nhằm đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh cải tạo, ổn định đời sống, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh và trong sạch, đưa thành phố chúng ta tiến lên vững chắc, quyết xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại.
(Về một số vấn đề chưa đề cập trong Nghị quyết này mà các ngành có đề nghị thêm, Đại hội giao cho Thành ủy chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội để ban hành các quy định cụ thể tiếp sau).
Ngày 25 tháng 10 năm 1980
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ II ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
---------------
(1) Căn cứ số người ăn theo được cung cấp lương thực.
(2) Từ 1-3 người tối đa được 5 lít, từ 4-6 người tối đa được 9 lít, từ 7 người trở lên tối đa được 13 lít.
(3) Tính bình quân, mức cụ thể phân chia theo ngành nghề.
(4) Riêng nữ, mỗi năm được cấp thêm 1 mét vải lót ngoài tiêu chuẩn vải hàng năm.