Đại hội không chỉ dừng lại ở niềm vui đối với những thành tựu đã đạt được. Trách nhiệm quan trọng của Đại hội là phải nghiêm khắc xem xét những khuyết điểm, những yếu kém trong sự lãnh đạo của Đảng bộ và Ban Chấp hành Thành ủy, vạch rõ nguyên nhân, đề ra phương hướng và giải pháp đúng cho nhiệm kỳ 2000 - 2005, đáp lại xứng đáng sự mong đợi của cả nước.
Trong bài học về năng động, sáng tạo thì việc lãnh đạo và quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa sâu sát, chưa nghiêm túc kiểm tra, thanh tra, để xảy ra nhiều vụ án lớn về kinh tế. Tuy nhiên, đối với các vụ án này, nhiều cơ quan Trung ương như ngân hàng, thuế quan phải chịu một phần trách nhiệm quan trọng, và dấu hiệu của những vụ phạm pháp ấy đã diễn ra từ các nhiệm kỳ trước.
Cùng với những vụ án ấy là sự sa đọa, biến chất của một số không ít cán bộ, đảng viên, dẫn đến làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.
Việc giáo dục và đấu tranh để ngăn ngừa các tệ nạn xã hội chưa kiên quyết. Tuy rằng với một thành phố đông dân, bao gồm cả dân vãng lai, với những hậu quả phức tạp để lại từ trước, sự xâm nhập thường xuyên của lối sống đồi trụy, văn hóa phản động, sự kích động của các thế lực thù địch và sự lợi dụng của các phần tử xấu "thương mại hóa" văn học, nghệ thuật, xuất bản v.v... cuộc đấu tranh để ngăn chặn tệ nạn xã hội không phải là một việc đơn giản.
Chiều hôm qua, tôi đến thăm khu phố 4, phường 17, quận Bình Thạnh, một khu phố lao động, tình nghĩa, không có tệ nạn xã hội, có đồng bào Chăm, đồng bào theo đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, nhưng sống đoàn kết chăm lo cho nhau, các cháu rất ngoan, nhiều học sinh giỏi, ai nấy làm ăn lương thiện. Ông Lê Văn Nở, thợ hồ, nhà nghèo mà nuôi được 4 con học đại học. Nhân dân khu phố nêu khẩu hiệu "mỗi gia đình vì mọi gia đình, mọi gia đình vì một gia đình", khu phố; phấn đấu là khu phố văn hóa - khu phố xã hội chủ nghĩa.
Khu phố 4 là thành tựu chung của nhân dân và Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu tất cả các khu phố trong thành phố thi đua phấn đấu như khu phố 4, thì nhất định Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một thành phố văn hóa, một thành phố xã hội chủ nghĩa.
Chủ nghĩa xã hội là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, là xóa bỏ bất công, áp bức, bóc lột, là đạo đức, là văn minh. Muốn có CNXH phải xây dựng con người XHCN, không có con người XHCN thì cũng không thể xây dựng thành công CNXH.
Thành phố Hồ Chí Minh có số công nhân và người lao động đông nhất nước. Thành phố đã có nhiều ưu điểm trong sự nghiệp chăm lo đời sống cho công nhân, nông dân và người lao động, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa. Thành phố phải cố gắng hơn nữa về mặt này. Năm 2005 đạt GDP bình quân đầu người là 2000 USD. Thành tựu ấy chỉ có thể công nhận là thành tựu xã hội chủ nghĩa khi không còn hộ nghèo, hố ngăn cách giữa giàu và nghèo ngày càng hẹp lại, công bằng và dân chủ. Phải tìm mọi cách tập trung dạy nghề, đảm bảo người đến tuổi lao động có một nghề sinh sống, để họ tin ở tương lai của chính mình, của thành phố.
Tỷ trọng GDP khu vực công nghiệp và xây dựng của thành phố là 46%, khu vực dịch vụ là 52%, khu vực nông nghiệp là 2%, như vậy phải chăng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang chuyển dần dịch vụ trội lên và như vậy sẽ hình thành một trung tâm giao dịch thương mại lớn nhất của nước ta.
Thành phố có những ngành khoa học công nghệ và dịch vụ quan trọng: cơ khí, xây dựng, chế biến, dệt, bưu điện - viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, vận tải, tài chính, tín dụng, có 17 trường đại học và cao đẳng... Đó là cơ sở rất quan trọng để sớm hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, không đợi đến năm 2020, thành phố có thể là một địa phương về đích trước nhất cả nước (có thể 2015).
Tới năm 2020, nước ta phấn đấu cơ bản trở thành một nước công nghiệp có nội dung hiện đại hóa cao hơn, đó là nói chung cả nước. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... phải phấn đấu đạt sớm hơn yêu cầu đó.
Thành phố Hồ Chí Minh phải có quyết tâm như vậy, vì hạnh phúc của nhân dân thành phố và vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, học tập kinh nghiệm cả nước và làm tốt để đem lại kinh nghiệm cho mình và cho cả nước.
Để đạt được quyết tâm ấy, phải nhìn thẳng vào thực trạng của thành phố, tức là điểm mạnh, điểm yếu mà báo cáo của Ban Chấp hành Thành ủy đã nêu. So với các nước nền kinh tế của nước ta (bao gồm cả Thành phố Hồ Chí Minh), phát triển đang còn ở mức thấp. Trong khi các thế lực thù địch có ý đồ chuyển hóa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, với những thủ đoạn nham hiểm, tinh vi, phức tạp, che giấu dưới những hình thức nhằm tạo ra sự mơ hồ, ảo tưởng, đẩy chúng ta đi chệch hướng.
Báo cáo của Thành ủy đã nêu: Sự phát triển khá lên nhiều, nhưng sự phát triển còn thiếu chiều sâu; tuy năng động, sáng tạo nhưng chưa thật vững chắc về định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng quan hệ sản xuất từng bước phù hợp sự phát triển lực lượng sản xuất còn lúng túng.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta, cũng như của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là một cuộc đấu tranh cực kỳ phức tạp, quyết liệt giữa hai con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa, giữa quyết tâm giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển và âm mưu, thủ đoạn kiềm chế, thúc ép, ràng buộc, lợi dụng để đưa nước ta đi vào quỹ đạo khác, không còn là chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh diễn ra hàng ngày, trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các đơn vị, các địa bàn, trong tất cả mọi chủ trương, chính sách.
Nhận thức sâu sắc điều đó để kiên định, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong mọi tình huống, thường xuyên kiểm tra, uốn nắn kịp thời, tổng kết rút kinh nghiệm và kiên quyết sửa chữa các lệch lạc. Phải đề phòng hiện tượng "nói vậy mà không làm vậy" , nói tán thành "định hướng xã hội chủ nghĩa", "độc lập tự chủ", "phát huy nội lực" nhưng việc làm thì đi theo các lời khuyên đường mật và mua chuộc vật chất của kẻ xấu, ỷ lại vào bên ngoài, không đi sâu vào thực tiễn và cơ sở để thực sự nhận ra, khai thác triệt để nội lực của chính mình.
ở Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế chung của thành phố, có tỷ trọng lớn nhất trong GDP (45,9%), có mức đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP.
Để làm cho kinh tế thành phố cũng như kinh tế cả nước phát triển vững chắc, thì điều quan trọng là phải củng cố kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác, nghĩa là phải củng cố nền tảng của nền kinh tế, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế: tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng phát triển. Làm cho kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể là nền tảng ngày càng vững chắc. Đó là xây dựng quan hệ sản xuất XHCN.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn theo định hướng xã hội chủ nghĩa chính là quá trình củng cố kinh tế hợp tác (mà nòng cốt là hợp tác xã). Một trung tâm khoa học công nghệ như Thành phố Hồ Chí Minh phải làm nhiều việc để hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn... như: công nghệ sinh học, thí dụ giống lúa, cây, con, chế biến... Không làm được thì thật vô lý.
Để đảm bảo củng cố kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác, phải tập trung đầu tư hơn nữa vào khoa học công nghệ, phải tổ chức và động viên các nhà khoa học, xác định mục tiêu, yêu cầu trước mắt và lâu dài, phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học làm việc. Phải triệt để tiết kiệm, tằn tiện xây dựng cho được một phòng thí nghiệm hiện đại. Hiện tượng lãng phí còn rất lớn, tự mình tích lũy chưa nhiều, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển sản xuất, đầu tư cho khoa học công nghệ còn rất thấp. Chúng ta là một nước nghèo. Phải hiểu rõ phận nghèo. Tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh "lấy sức ta mà giải phóng cho ta"' ngày nay là tiết kiệm, là phát huy triệt để nội lực, và biết sử dụng có hiệu quả ngoại lực.
Tôi nghĩ rằng: trong 10 công trình của thành phố, nên chăng có một công trình tập trung củng cố kinh tế nhà nước và phát huy thế mạnh khoa học công nghệ của thành phố.
Cuối cùng, tôi muốn nói về xây dựng và chỉnh đốn Đảng bộ. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các đảng bộ ra đời sớm nhất. Một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng hình thành tại thành phố này. Giai cấp công nhân và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân của thành phố được Bác Tôn Đức Thắng gây dựng đã có truyền thống rất oanh liệt. Khối công nông liên minh và đội ngũ trí thức, mặt trận đại đoàn kết dân tộc đã được xây dựng thành lực lượng chiến đấu mạnh mẽ làm cho kẻ thù khiếp sợ và góp phần có ý nghĩa quyết định vào thắng lợi chung của thành phố.
Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh qua hơn một năm thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có một bước tiến bộ.
Nhưng nghiêm khắc nhìn lại, những vấn đề tồn tại, những yếu kém còn nhiều. Đảng bộ thành phố bao gồm nhiều đầu mối, nhiều loại hình tổ chức cơ sở ở đô thị, nông thôn, tổng công ty, xí nghiệp, trong các công ty liên doanh, ở đủ các ngành từ xây dựng, công nghiệp đến tài chính, ngân hàng, tín dụng, đơn vị vũ trang, của địa phương và của Trung ương đóng trên địa bàn. Thành phố lại là một trọng điểm trong cuộc đấu tranh để giải quyết vấn đề "ai thắng ai" trong qụá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Tất cả những điều ấy đòi hỏi Đảng bộ phải được tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn với tinh thần tích cực hơn nữa, thực chất hơn nữa, tập trung hơn nữa để giải quyết cơ bản những vấn đề nổi cộm và những vấn đề mới nảy sinh.
Chúng ta đang đứng trước những thuận lợi lớn. Nhưng các nguy cơ mà Đại hội Đảng lần thứ VII và lần thứ VIII chỉ ra vẫn đang tồn tại.
Đối với một Đảng cầm quyền, nguy cơ lớn nhất là nguy cơ suy thoái về chính trị, suy thoái về đạo đức. Kẻ thù hiểu rằng muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thì phải chuyển hóa Đảng cộng sản, làm cho Đảng cộng sản không còn nữa, hoặc làm cho Đảng cộng sản còn tên mà đã biến chất. Trên trường quốc tế, do sự tác động của nhiều yếu tố, trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới. Nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng hoảng chính trị, đảo chính quân sự vẫn còn diễn biến ở nhiều nơi.
Do sự phát triển của khoa học công nghệ, lực lượng sản xuất nói chung của toàn thế giới sẽ có bước phát triển nhảy vọt, ngày càng mở rộng khắp toàn cầu. Nhưng sự phát triển lực lượng sản xuất ấy lại mâu thuẫn ngày càng gay gắt với chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa. Liệu khủng hoảng kinh tế ở mức độ này hay mức độ khác có còn xảy ra không? Cách mạng xã hội ở nơi này hay nơi khác có bùng nổ hay không?
Sự phát triển của tình hình không chỉ có thuận lợi. Vì vậy, vấn đề đầu tiên của Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh cũng như đại hội các đảng bộ tỉnh, thành phố khác là phải đấu tranh để kiên định đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phải quán triệt trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống mà Đảng chịu trách nhiệm lãnh đạo, từ giáo dục đào tạo, đến kinh tế tài chính - văn hóa - xã hội...
Phải khắc phục sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, nguyên tắc và ý thức tổ chức, đạo đức lối sống, mơ hồ về bản chất dân tộc và giai cấp của cuộc đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới, mất cảnh giác, ảo tưởng, ỷ lại chùn bước trước khó khăn.
Phải tiếp tục chống tham nhũng, quan liêu, xa rời nhân dân, kèn cựa địa vị, đó là những biểu hiện xấu xa nhất của chủ nghĩa cá nhân hiện nay.
Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh có đảm bảo với Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân thành phố không để xảy ra các vụ như TAMEXCO, Minh Phụng, Ep-cô, Tân Trường Sanh như trước đây hay không?
Trong 5 năm tới, chỉ có 70% tổ chức cơ sở của Đảng bộ thành phố phấn đấu đạt được trong sạch, vững mạnh. Như thế đã đạt được yêu cầu lãnh đạo toàn diện và vững chắc của Đảng bộ hay không?
Đề nghị các đồng chí nghiêm túc thảo luận với tinh thần tự phê bình và phê bình để có những quyết định đúng nhất.
Chúc Đại hội của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đạt được yêu cầu đã đề ra.