Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

"Cây sáng kiến” Phạm Quang Thắng hết lòng với hành trình phát triển nông nghiệp xanh

Sáng kiến mang lại lợi nhuận cao cho người ứng dụng của anh Phạm Quang Thắng và đồng nghiệp

(Thanhuytphcm.vn) - Tích cực lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả cao và có giá trị làm lợi cho đơn vị; có tinh thần học hỏi, nhiệt tình hướng dẫn, truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho các bạn mới bước vào nghề; luôn dành hết tâm trí cho nông nghiệp và người nông dân… Đó là những nhận xét của lãnh đạo và đồng nghiệp dành cho kỹ sư trẻ Phạm Quang Thắng (sinh năm 1993), Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học và thủy sản, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, kiêm Phó Bí thư Đoàn Ban Quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM…

Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, năm 2011, anh Phạm Quang Thắng quyết định vào TPHCM học ngành công nghệ sinh học. Sau khi ra trường, năm 2016, anh công tác tại Ban Quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đến nay.

Từ phòng thí nghiệm đến cánh đồng, thực địa, anh Thắng đã có nhiều công trình thiết thực, có giá trị kinh tế cao như: Kỹ thuật trồng, xử lý, đóng gói rau bầu đất tía và sâm đất ba cạnh; quy trình sản xuất bột dưa lưới hòa tan; quy trình sản xuất bột thanh long ruột đỏ hòa tan bằng phương pháp sấy thăng hoa ứng dụng trong chế biến thực phẩm... Đặc biệt, sáng kiến “Phòng trừ bệnh đốm lá trên lan Dendrobium Sonia bằng nanochitosan” đã mang lại giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường, góp phần khắc phục những khuyết điểm của việc sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe nhà nông, người tiêu dùng và có thể phòng trừ bệnh đốm lá trên lan.

Anh Phạm Quang Thắng đóng gói sản phẩm sâm kết quả công trình nghiên cứu mà anh tâm đắc Anh Phạm Quang Thắng đóng gói sản phẩm sâm kết quả công trình nghiên cứu mà anh tâm đắc

Cùng với các nghiên cứu, sáng kiến ứng dụng trong thực tế, anh Phạm Quang Thắng còn tích cực tham gia viết bài báo hội nghị trong và ngoài nước, đăng trên các tạp chí uy tín. Anh là chủ nhân của nhiều công trình khoa học, trong đó có 2 công trình nghiên cứu được đăng tạp chí có chỉ số Impact Factor Q1, Q2. Anh Thắng được đồng nghiệp đặt biệt danh đáng yêu "Cây sáng kiến”. Bởi từ ngày đến với ngành nông nghiệp, anh luôn tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật gắn với nông dân và mang tính ứng dụng cao.

Anh Phạm Quang Thắng cho biết, xuất phát từ những ngày gắn bó với ruộng đồng, cùng ăn, cùng ở với nông dân và từ những thắc mắc của người nông dân, anh đã trăn trở để từ đó đưa ra những sáng kiến. Trong kho sáng kiến ấy có những ý tưởng đến từ điều rất nhỏ. Chẳng hạn như thấy quả chanh dây chỉ lấy ruột làm nước uống, vỏ thì vứt bỏ, ảnh hưởng đến môi trường, vậy là anh Thắng tìm cách sử dụng vỏ quả chanh dây ủ làm phân hữu cơ để bón lại cho cây.

Anh Phạm Quang Thắng nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 23 năm 2023 Anh Phạm Quang Thắng nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 23 năm 2023

Trăn trở với những khó khăn của người nông dân, anh Thắng có những mô hình cải tiến quy trình, tạo ra những sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó là nghiên cứu các sản phẩm chế biến tinh để tăng giá trị sản phẩm hiện có. Không ngừng chinh phục nông nghiệp bằng công nghệ, đổi mới sáng tạo, hướng đến nền nông nghiệp xanh. Năm 2023, anh và đồng nghiệp đã hoàn thiện và được công nhận 1 quy trình tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia: Quy trình sản xuất nấm nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) trên môi trường không sử dụng nhộng tằm. Sáng kiến này đã góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất nhộng trùng thảo, giảm tình trạng khai thác nhộng trùng thảo tự nhiên quá mức, tăng nguồn cung cấp đối với loại nấm dược liệu quý nói trên.

Quy trình cũng tạo dựng được mô hình liên kết khoa học - đào tạo - sản xuất, đồng thời rất phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị của TPHCM. Việc sử dụng quy trình sản xuất không sử dụng nhộng tằm làm tăng hơn 200% năng suất so với quy trình sản xuất sử dụng nhộng tằm, từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế 2,5 lần. Chỉ riêng từ năm 2021 - 2022, anh Thắng có 7 mô hình sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, giúp tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cho người ứng dụng. Trong đó có thể kể đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường tại huyện Cần Giờ, với năng suất đạt 40 tấn/ha. Mô hình này mang về tổng doanh thu hơn 3,9 tỷ đồng/năm và lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng/năm cho người nuôi tôm. Hay là sáng kiến chế biến một số sản phẩm từ sâm bố chính cũng mang lại lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng/năm; sáng kiến quy trình sản xuất bột hòa tan dưa hấu sấy thăng hoa, mang lại giá trị lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm.

Đồng chí Lê Văn Cửa, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM nhận xét: “Đồng chí Phạm Quang Thắng là cán bộ trẻ có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, yêu nghề, nhiệt tình, hết lòng vì công việc. Anh là một kỹ sư hết lòng với hành trình phát triển nông nghiệp xanh; đồng thời sẵn sàng chia sẻ cùng đồng nghiệp, tận tụy với công việc, chịu khó học tập nâng cao trình độ và tìm tòi nghiên cứu đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến hiệu quả…”.

Với những sáng kiến đem lại lợi ích thiết thực, anh Phạm Quang Thắng được trao nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp ngành: Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 23 năm 2023. Là một trong 12 công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2022 với nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên, xung kích vì cộng đồng; Giải thưởng Lương Định Của năm 2022 với 3 mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn trong hồ tròn lót bạc HDPE”, “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường (IoT)” tại huyện Cần Giờ và “Mô hình chế biến một số sản phẩm từ sâm bố chính”.

Bích Ly


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo