Thứ Sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2024

Cần có hướng dẫn cụ thể, tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục thực hiện việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi

Một lớp tiểu học tại TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) – Sở GD-ĐT TPHCM vừa có thông tin về tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT) và sách giáo khoa (SGK) lớp 1 tại TPHCM.

Thiếu giáo viên bộ môn ở một số trường tiểu học

Theo Sở GD-ĐT TP, TPHCM đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về chuyên môn để triển khai CTGDPT 2018 và SGK lớp 1 từ năm học 2020-2021 theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Sở GD-ĐT TP cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông thông qua hệ thống Cổng Thông tin điện tử của Sở kết nối với các Phòng GD-ĐT quận-huyện và đến từng cơ sở giáo dục thông qua các hộp thư điện tử và các tiện ích mạng xã hội (viber, zalo, messenger…) để nhanh chóng, kịp thời thông tin các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành, nắm bắt thông tin và phản hồi, hướng dẫn các đơn vị xử lý những trường hợp phát sinh, giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai chương trình và sách SGK mới.

Năm học 2020 - 2021, TPHCM có 560 trường tiểu học (tất cả các loại hình), trong đó có 78 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 13,9%), tỷ lệ trung bình trường tiểu học/phường-xã là gần 2 trường. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 74,6%, tỷ lệ phòng học trung bình là 0,94, nên một số đơn vị chưa đáp ứng đủ số phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Số lượng giáo viên toàn TP là 22.114 giáo viên (trong đó giáo viên tiểu học dạy nhiều môn là 16.862). Tỷ lệ giáo viên tiểu học dạy nhiều môn/lớp là 1,0 hiện chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học, thiếu giáo viên bộ môn ở một số trường tiểu học, nhất là giáo viên Anh văn và Tin học (Tin học - Công nghệ).

Riêng đối với lớp 1, có 3.734 giáo viên trên 3.626 lớp, đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 – 2021. Số giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đạt 83%.

Căn cứ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT cho biết các trường ở TPHCM đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút đối với lớp 1. Những nơi khó khăn về phòng học sẽ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, hoặc trên 5 buổi/tuần, mỗi buổi 5 tiết học, mỗi tiết 35 phút.

Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học với yêu cầu thực hiện dạy học 2 buổi/ngày là thách thức lớn đối với một số quận, huyện có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu do các khó khăn về quỹ đất, kinh phí và dân số cơ học tăng cao. Cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục... 

Để tháo gỡ các khó khăn này cần sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành liên quan và chính quyền các quận, huyện. Hiện nay, Sở GD-ĐT TP đã tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch và chỉ đạo chung, hiện đang tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan để triển khai các văn bản chỉ đạo tiếp theo. 

Sở GD-ĐT TP nhận định, năm học 2020 – 2021 là năm học đầu tiên triển khai CTGDPT 2018 và SGK mới, bắt đầu với khối lớp 1, trong điều kiện nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, Chương trình xây dựng trên cơ sở học sinh được học 2 buổi/ngày và sĩ số hạn chế, tuy nhiên điều này chưa thể thực hiện đồng loạt tại TPHCM.  

Cần có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để tạo cơ sở pháp lý

Trước những phản ánh của dư luận về áp lực khi thực hiện chương trình mới, Sở GD-ĐT TP đã ban hành văn bản chỉ đạo giáo viên lớp 1 chủ động điều chỉnh tiến độ thực hiện chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, bám sát thực tiễn học sinh, không nóng vội, không gây áp lực cho các em trong năm đầu cấp.

Cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo theo mạng lưới và trực tiếp tổ chức giám sát việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát, góp ý, tổ chức tiếp nhận những phản ánh (cả về chương trình và SGK) để tổng hợp, báo cáo, kiến nghị đối với Bộ GD-ĐT.

Cũng theo Sở GD-ĐT TP, qua ghi nhận các ý kiến đóng góp, tình hình triển khai chương trình mới gặp khó khăn trong khoảng 2 tuần đầu tiên. Nguyên nhân là do là năm học bắt đầu trễ hơn các năm trước 2-3 tuần nên học sinh có khoảng thời gian tiếp cận, làm quen với môi trường mới ít hơn những năm trước, một số giáo viên lúng túng khi triển khai chương trình và SGK mới với nhiều yêu cầu mới cùng một số điểm chưa phù hợp.

Trước thực tế đó, cơ quan quản lý đã giao quyền tự chủ cho giáo viên chủ động thực hiện chương trình, chủ động sử dụng các ngữ liệu thay thế các ngữ liệu không phù hợp trong SGK.

Năm học 2020-2021, SGK mới được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không còn sự bao cấp, trợ giá của ngân sách nên về cơ bản, giá sách cao hơn nhiều lần so với trước đây. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục không thực hiện đúng theo quy định, giới thiệu các tài liệu bổ trợ, các xuất bản phẩm tham khảo có tính áp đặt, gây hiểu lầm, tạo áp lực cho phụ huynh vào dịp đầu năm học. Về vấn đề này, TPHCM đã có văn bản nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT (ngày 7/7/2014) của Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, TPHCM cũng thừa nhận tình hình thiếu SGK vào đầu năm học là có. Nguyên nhân do năm nay triển khai SGK mới, việc chọn sách sẽ có thay đổi từ năm học tới nên các đại lý phát hành, nhà sách không dám nhập sách nhiều như mọi năm. Thêm vào đó, các trường gặp khó khăn vì việc dự báo số lượng học sinh bị biến động (tăng dân số cơ học) nên chưa chính xác…

Để giải quyết những khó khăn đó, TPHCM đã kiến nghị điều chỉnh Thông tư số 36/2018/TT-BTC (ngày 30-3-2018) của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, quy định hiện hành không cho phép chi kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

Trước yêu cầu của CTGDPT 2018, nhất là đối với các trường tiểu học không thu học phí, việc nhà trường tự cân đối nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp để hỗ trợ việc tập huấn bồi dưỡng giáo viên là không phù hợp. Ngoài ra, việc bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên sau này cũng sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là trong giai đoạn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, cần hướng dẫn rõ quy định về thời lượng giáo dục tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí các tiết dạy cho phù hợp giữa các buổi và tổ chức các hoạt động giáo dục sau giờ học chính thức; xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận khi thực hiện xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.

H.Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo