Chủ Nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024

Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

Đoàn TPHCM thảo luận tại tổ.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước…

Giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, lãng phí cơ hội

Nêu ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đánh giá cao điều hành quyết liệt của Chính phủ trong năm 2024. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu). Tốc độ tăng GDP năm 2024 ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%) và được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng…

Tuy nhiên, các ĐB cũng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; những tháng còn lại của năm 2024 nhiệm vụ nặng nề, cần nỗ lực cao hơn nữa để tạo đà cho năm 2025.

Đặc biệt, các ĐB rất lo ngại tình hình giải ngân đầu tư công chậm và quá thấp, đã nói rất nhiều năm, nhưng năm nay tiếp tục thấp hơn cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%), có nhiều nguồn vốn phải xin kéo dài thời gian, điều chuyển, trong khi nhiều dự án thì chờ vốn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, lãng phí cơ hội rất nhiều. Đây là hạn chế mà Chính phủ phải đặc biệt lưu ý, là điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

ĐB Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cần rà soát thật kỹ vốn đầu tư công năm 2025, tránh tình trạng các Chương trình được ưu tiên dành nguồn lực nhưng thực tế không triển khai được, rất lãng phí. Các ĐB đều đề nghị Chính phủ nhìn nhận rõ nguyên nhân ở đâu để có giải pháp tháo gỡ.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM). ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM).

ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nhấn mạnh, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia. ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) cũng chỉ ra rằng vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công xuất phát từ các thủ tục phức tạp và quy trình rườm rà. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ thực hiện các dự án mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Để khắc phục tình trạng này, ĐB Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị xây dựng một luật sửa đổi nhiều luật, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đầu tư công và các dự án đang gặp khó khăn. Đây là bước đi quan trọng để khơi thông nguồn vốn, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án đầu tư công.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, làm một luật để sửa nhiều luật, tháo gỡ ách tắc trong đầu tư công. Trong đó, tháo gỡ các dự án đang ách tắc hiện nay. Về khu vực doanh nhân, nhiều dự án bị vướng do thể chế. ĐB ủng hộ việc Quốc hội thông qua các luật tại kỳ họp lần này để tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.

Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn

ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Đắk) và nhiều ĐB quan tâm đến vấn đề hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn. Báo cáo của Chính phủ cho thấy số DN rút lui khỏi thị trường còn lớn, tỷ lệ số DN rút lui khỏi thị trường trên số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường vẫn cao hơn cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2024, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 86.900 DN, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61.500 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; 15.400 DN p hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân một tháng có 18.200 DN rút lui khỏi thị trường. Tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường trên số DN tham gia thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. “Như vậy, khả năng phục hồi của kinh tế được đánh giá là tốt nhưng số DN rút lui lại cao hơn cùng kỳ, cần đánh giá lại những chính sách của Chính phủ đối với DN đã thực sự hiệu quả chưa, có đi vào cuộc sống không, DN có được thụ hưởng không. Phải đánh giá kỹ lại, từ vấn đề rào cản thể chế, khả năng tiếp cận nguồn vốn, những chính sách dành cho DN vừa và nhỏ có giúp gì DN… mới giải quyết được vấn đề”, ĐB Thu Nguyệt nêu.

Cùng chung mối quan tâm, ĐB Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) và các đại biểu đều lo ngại tốc độ tăng GDP năm 2024 tăng trưởng cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công. Tình hình DN còn gặp nhiều khó khăn, chỉ có khu vực FDI hoạt động khá hiệu quả. 

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM).

Về động lực tăng trưởng kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng các động lực mới. ĐB đề ra giải pháp tập trung kết nối FDI với doanh nghiệp trong nước và xây dựng hệ thống thể chế phát triển các công nghiệp phụ trợ... mới tăng được giá trị. Đồng thời quan tâm đến “xuất khẩu tại chỗ”, đó là bán hàng cho khách du lịch quốc tế.

Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng trợ cấp xã hội để tăng sức mua của người dân, khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

Về các vấn đề xã hội, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nêu tình trạng lừa đảo qua mạng vẫn nổi cộm, ngày càng phức tạp hơn, gia tăng, phổ biển trên diện rộng. “Gần như ai cũng bị lừa làm thẻ ngân hàng, căn cước, bảo hiểm… Đề nghị Bộ Công an phối hợp với các lực lượng có chuyên án, quyết liệt hơn trong việc đấu tranh chống tội phạm qua mạng, để người dân được bình yên”, ĐB Thu Nguyệt nói.

Các đại biểu quan tâm đến tình trạng lãng phí, tâm đắc với bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm. ĐB Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, lãng phí trước hết ở công tác thể chế. Sự chậm trễ trong ban hành các văn bản pháp luật, thông tư hướng dẫn khiến việc thực thi các chính sách không hiệu quả.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, con người là trung tâm của quá trình phát triển. Ông đề xuất đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo