Chủ Nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024

Đề nghị phòng công chứng vẫn được thành lập mới tại những huyện chưa phát triển được văn phòng công chứng

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 25/10, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng (VPCC), qua thảo luận, do còn có ý kiến khác nhau về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo 2 phương án.  Phương án 1, đa số ý kiến UBTVQH đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Ưu điểm của phương án này là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển VPCC ở địa bàn vùng sâu, vùng xa do mô hình này chỉ yêu cầu 1 công chứng viên làm chủ. Tuy nhiên, mô hình này có hạn chế là khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do cá nhân khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng, việc giải quyết hậu quả về hồ sơ, chuyển giao trách nhiệm công chứng… đối với các VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân bị giải thể sẽ là vấn đề lớn đặt ra cho công tác quản lý nhà nước.

Phương án 2, một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. Hạn chế của phương án này là VPCC đòi hỏi phải có tối thiểu 2 công chứng viên hợp danh, dẫn đến khó khăn do nguồn bổ sung công chứng viên còn hạn chế, nhất là ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhu cầu công chứng giao dịch không lớn, khó thu hút công chứng viên thành lập VPCC để thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. UBTVQH đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét, cho phép tiếp thu, chỉnh lý nội dung này theo phương án 1.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM)

Về xã hội hóa hoạt động công chứng, UBTVQH nhận thấy, công chứng được xác định là dịch vụ công cơ bản, có mục đích bảo đảm an toàn pháp lý, giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa tranh chấp cho các bên tham gia giao dịch. Bảo đảm việc thực hiện mục tiêu xã hội hóa không có nghĩa là giải thể ngay phòng công chứng ở các địa phương mà việc chuyển đổi, giải thể phòng công chứng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập).

Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, khách quan, toàn diện, quán triệt chủ trương của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng và bảo đảm việc triển khai theo lộ trình phù hợp, khả thi, thống nhất, UBTVQH đề nghị không quy định cụ thể lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng trong luật mà giao Chính phủ quy định nội dung này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và bảo đảm cung ứng dịch vụ công chứng cho người dân, giao Bộ Tư pháp xây dựng, trình Chính phủ quy định chi tiết lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi phòng công chứng thành VPCC, giải thể phòng công chứng tại các địa phương. Trên cơ sở đó, Chính phủ có kế hoạch, giải pháp cụ thể và quyết liệt chỉ đạo để hoàn thành lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, vì mục đích của hoạt động công chứng là nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; do đó, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên sẽ góp phần bảo vệ lợi ích công cộng cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong việc hành nghề công chứng.

Thảo luận về dự án luật, về mô hình VPCC, nhiều ĐB đồng ý phương án 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng ý quy định không quy định công chứng viên chứng thực bản dịch, mà thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Từ thực tế, nhiều công chứng viên không đủ trình độ ngoại ngữ để chứng thực bản dịch, nên từ chối chứng thực. Do đó, ĐB Phạm Văn Hòa đồng ý quy định công chứng viên chỉ công chứng chữ ký của người dịch.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) quan tâm đến quy định đến vấn đề chuyển đổi, giải thể phòng công chứng, dự thảo quy định trường hợp địa phương đã phát triển được VPCC đáp ứng yêu cầu và theo quy định pháp luật có liên quan, Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi phòng công chứng trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Theo ĐB Hồng Hạnh, Nghị quyết số 19 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) xác định mục tiêu đến năm 2030 giữ lại các đơn vị sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chỉ giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả. Thực tiễn tại TPHCM, 7 phòng công chứng nhà nước đều là đơn vị chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm gần 6% số lượng tổ chức hành nghề công chứng, nhưng chiếm hơn 12% tổng lượng việc và chiếm 37% tổng số nộp thuế/ngân sách của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, thể hiện sự tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp, nhất là các giao dịch lớn, có giá trị. Do đó, để phù hợp với nội dung UBTVQH nêu công chứng là loại hình dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm, nhà nước giao cho công chứng viên một phần quyền năng của mình để thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch, ĐB Hồng Hạnh đề nghị phòng công chứng vẫn được thành lập mới tại những địa bàn cấp huyện chưa phát triển được VPCC.

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị cho phép công chứng ngoài trụ sở để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân, nhất là ở những địa bàn khó thành lập VPCC, khi đó người dân có thể từ huyện này sang huyện khác để công chứng, nhất là ở những địa bàn giáp ranh. Nếu yêu cầu công chứng theo địa bàn là chúng ta hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ công của người dân, trong khi hoạt động công chứng là dịch vụ công. 

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo