Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đại biểu Quốc hội tán thành cần thiết phải có Quỹ Phòng thủ dân sự

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về Quỹ PTDS, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các ĐBQH tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Cụ thể, phương án 1: giữ quy định về Quỹ PTDS như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật. Phương án 2, quy định “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ PTDS theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.”

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng đã giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật PTDS về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; các biện pháp được áp dụng trong PTDS cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3; biện pháp PTDS trong tình trạng khẩn cấp cũng như về chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng PTDS.

Thảo luận về dự thảo luật, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và các ý kiến phát biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải có Quỹ PTDS, nhất trí lựa chọn phương án 1, tuy nhiên đề nghị rà soát để tránh chồng chéo.

Nhiều ĐB cũng cho rằng, Nghị quyết số 22 ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị có nêu, PTDS phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Như vậy, việc thành lập Quỹ PTDS theo phương án 1 chính là công tác chuẩn bị cho PTDS từ sớm, từ trước khi xảy ra sự cố là thảm họa. Mục đích hoạt động của quỹ là ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố và thảm họa gây ra. Quy định này là phù hợp bởi với sự có sẵn của nguồn lực có thể cung ứng ngay lập tức các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị thiệt hại đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe. Nếu Quỹ chỉ được thành lập sau khi sự cố thảm họa xảy ra sẽ không đáp ứng được yêu cầu cung ứng ngay và kịp thời lương thực, nước uống, thuốc men, dễ dẫn đến khả năng thiệt hại về người sẽ cao hơn.

Quốc hội chiều 24/5 Quốc hội chiều 24/5

Về chế độ chính sách với lực lượng PTDS, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị điều chỉnh theo hướng tách làm hai ý theo hai trường hợp: bị tai nạn thì được hưởng các hình thức trợ cấp, hỗ trợ, còn trường hợp bị chết thì người nhà, thân nhân sẽ hưởng các hình thức trợ cấp, hỗ trợ. Đáng chú ý, ĐB Lý Thị Lan (Hà Giang) đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức kinh tế nếu để xảy ra sự cố, thảm họa trong hoạt động sản xuất

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao. Về Quỹ PTDS, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, hồ sơ đã đưa ra 2 phương án, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ ngay trước khi xảy ra các vụ việc, sự cố. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở cả 3 miền đã tương đối thống nhất, đồng thuận. Nêu những dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu không có lực lượng, nguồn lực dự trữ đặc biệt về vốn, sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng, đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ trong vấn đề Quỹ PTDS. Bộ Quốc phòng sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng mục đích. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng cần có các tiêu chí cụ thể để các cấp, các ngành căn cứ vào đó có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trong ứng phó với các thảm họa, sự cố.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo