Một tiết học giáo dục STEM của học sinh (Thanhuytphcm.vn) – Ngày 23/9, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn ứng dụng phương pháp STEAM trong giáo dục. Diễn đàn do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong quá trình ứng dụng và thúc đẩy STEM tại Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen nhấn mạnh tầm quan trọng của STEM đối với thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Theo Đại sứ Kim Højlund Christensen, mục đích chính của STEM không phải đào tạo ra các nhà khoa học mà là truyền cảm hứng học tập, giúp học sinh thấy được sự kết nối giữa các nội dung kiến thức, đặc biệt kiến thức về khoa học, toán học; thấy tầm quan trọng của kiến thức tác động đến xung quanh. Ngoài ra, các kỹ năng thực hành đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Đại sứ Kim Højlund Christensen cho rằng, chưa bao giờ thích hợp hơn lúc này để triển khai STEM tại Việt Nam. Bộ GD-ĐT cần có hành động và chính sách cụ thể để triển khai một cách đồng bộ giáo dục STEM. Điều này liên quan đến đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy học, nên rất cần có một khung chương trình để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Ngay trong chương trình hiện hành của Việt Nam đã chú trọng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực, như phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp bàn tay nặn bột, đặc biệt là dạy học tích hợp, liên môn. Tuy giáo dục STEM vẫn còn mới mẻ đối với nhiều địa phương nhưng ở các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, giáo dục STEM đã bước đầu được tiếp cận và triển khai.
“Ở những trường không có điều kiện, nhiều thầy cô giáo, với sự hỗ trợ của ban giám hiệu, cha mẹ học sinh, với cách hiểu đơn giản, thực tiễn về STEM đã tìm tòi, sáng tạo, phát huy những hiểu biết, kinh nghiệm của mình và đồng nghiệp để xây dựng các hoạt động dạy học làm cho bài dạy hấp dẫn hơn với học sinh”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Để đạt được những yêu cầu đặt ra đối với công cuộc đổi mới GD-ĐT, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế nhằm nhanh chóng đổi mới chương trình GD-ĐT một cách phù hợp ở tất cả các cấp bậc học. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phát triển nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở vật chất và điều kiện học tập ở những vùng kinh tế xã hội khó khăn... để nâng cao chất lượng GD-ĐT, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục.
STEM là phương pháp tiếp cận liên môn trong giáo dục các môn học Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Mỹ thuật và Toán nhằm định hướng các em học sinh bằng các câu hỏi, trao đổi nhóm và tư duy phản biện. Phương pháp này thông qua các trải nghiệm thực tiễn sẽ giúp các em có được những kỹ năng như cân nhắc rủi ro, giải quyết vấn đề, hợp tác và làm việc sáng tạo. Đây là những kỹ năng vô cùng cần thiết của những nhà kiến tạo, giáo dục, những lãnh đạo và học sinh của thế kỷ XXI.
Tại Việt Nam, từ năm học 2013-2014 đến nay, giáo dục STEM đã được triển khai trong chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan, gắn với đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thông qua xây dựng và thực hiện các chủ đề/dự án học tập gắn với thực tiễn. Hàng năm, Bộ GD-ĐT tổ chức Cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học và chọn cử học sinh tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) tại Hoa Kỳ. Chính thức tham dự Intel ISEF từ năm 2012 đến nay, năm nào học sinh Việt Nam cũng đoạt giải tại hội thi này.