Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh

Các đại biểu tham dự diễn đàn

(Thanhuytpcm.vn) – Sáng 25/11, tại TPHCM, Bộ Công thương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2022”. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan; Thứ trưởng Ngoại giao Haiti Azad Belfort; Đại sứ Ramiro Ordoqui - Phó Quốc Vụ khanh phụ trách Đàm phán Kinh tế Quốc tế, Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina…

Diễn đàn được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm cung cấp thông tin cập nhật về những thay đổi trong chính sách kinh tế - thương mại của các nước khu vực Mỹ Latinh; phân tích tình hình thị trường và nhu cầu đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, từ đó xác định cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và thu hút đầu tư từ khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại đang đi vào thực thi, xu hướng dịch chuyển chuỗi ứng toàn cầu và phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đặc biệt ghi nhận những kết quả tích cực trong trao đổi thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 21,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 12,5 tỷ USD, tăng 46,4% so với năm 2020, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,2%. Bước sang năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung cũng như của Việt Nam và các nước Mỹ Latinh nói riêng trải qua nhiều biến động, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch hai chiều đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,3%, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,3%.

Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực là Brazil, Mexico, Argentina, Chile..., nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các thị trường này đều đạt mức tăng trưởng rất cao, cụ thể như với Colombia đạt 674,7 triệu USD, tăng 41,5%; với Peru đạt 633,7 triệu USD, tăng 62%; với Panama đạt 465,6 triệu USD, tăng 45,5%.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá dù đã có nhiều tăng trưởng tích cực nhưng quan hệ kinh tế giữa TPHCM và khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa xứng tầm với mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của hai bên và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa TPHCM và khu vực Mỹ Latinh đạt 1,25 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của TPHCM vào các thị trường Mỹ Latinh đạt 700 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của TP từ các thị trường Mỹ Latinh đạt 550 triệu USD. Một số thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu của TP với khu vực Mỹ Latinh gồm: Mexico, Brazil, Argentina và Chile.

Các đại biểu tham gia trao đổi tại diễn đàn Các đại biểu tham gia trao đổi tại diễn đàn

Về trao đổi thương mại của Việt Nam, Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong số các thị trường đạt tăng trưởng cao nhất. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…

Diễn đàn đã tập trung thảo luận cập nhật tình hình thị trường Mỹ Latinh trong bối cảnh hiện nay – cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực nói chung và từng thị trường nói riêng, đặc biệt là các thị trường mới nổi; cung cấp thông tin về các kênh phân phối hàng hóa tại khu vực Mỹ Latinh; chia sẻ nhiều bài học và kinh nghiệm thực tiễn trong giao dịch thương mại với các đối tác Mỹ Latinh và khuyến nghị nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các giải pháp vận tải – logistics để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu sang khu vực này.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia hoạt động kết nối trực tiếp với 28 doanh nghiệp Mỹ Latinh trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, dệt may, y tế… để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có cơ hội trưng bày quảng bá các sản phẩm có nhu cầu kết nối tại Diễn đàn, thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp Mỹ Latinh và người tham dự.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo