Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Điêu khắc tại TPHCM đang thiếu các tác phẩm xứng tầm với cảnh quan đô thị

Tọa đàm bàn bạc các giải pháp để phát triển ngành điêu khắc TPHCM trong thời gian tới

(Thanhuytphcm.vn) - Đó là nhận định của giới điêu khắc tại Tọa đàm “Điêu khắc TPHCM - Thực trạng và xu hướng phát triển”, do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức ngày 22/7. Sự kiện thu hút sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà điêu khắc (NĐK), nhà nghiên cứu và sinh viên.

TPHCM không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa mà còn là trung tâm mỹ thuật của khu vực Nam bộ và của cả nước, nơi hội tụ nhiều tài năng lớn. Sự ra đời và phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ, của các hoạt động và giao lưu văn hóa, nghệ thuật... đã tạo cho Sài Gòn - TPHCM trở thành một thành phố có ảnh hưởng lớn với cả nước về văn học nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng.

Lực lượng điêu khắc TPHCM trong những ngày đầu khi đất nước mới thống nhất không nhiều; nhưng tính đến nay, Thành phố đã có khoảng 200 nhà điêu khắc, trong đó có 91 nhà điêu khắc là hội viên của Hội Mỹ thuật Thành phố. Như vậy, lực lượng điêu khắc TPHCM ngày càng phát triển hùng hậu về số lượng cũng như chất lượng, đã có nhiều đóng góp tích cực đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển nền điêu khắc hiện đại Việt Nam nói chung và tại Thành phố nói riêng.

Trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay, ngành điêu khắc không những đóng vai trò quan trọng việc phục vụ quần chúng nhân dân bằng những sáng tạo, làm đẹp cho cảnh quan đô thị, mà còn đem tác phẩm điêu khắc phục vụ xã hội…

Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ tại tọa đàm Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ tại tọa đàm

Theo Hội Mỹ thuật TPHCM, tọa đàm nhằm nhận diện, đánh giá những kết quả và hạn chế, qua đó, đề xuất ý kiến, giải pháp để góp phần đưa hoạt động của Hội Mỹ thuật TPHCM nói chung và chuyên ngành điêu khắc nói riêng phát triển hơn nữa, xứng đáng với sự quan tâm và kỳ vọng của Thành phố.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Thực trạng hoạt động của chuyên ngành điêu khắc tại TPHCM; những khó khăn, hạn chế của các NĐK khi sáng tác và đưa tác phẩm vào không gian công cộng; kinh nghiệm cá nhân trong thực hành, sáng tạo điêu khắc; làm thế nào để hoạt động điêu khắc ngày càng hiệu quả hơn…

Theo GS.TS.NĐK Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM: Nhìn lại chặng đường gần 50 năm từ tháng 5/1975 đến nay, cho thấy điêu khắc TPHCM đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng đội ngũ sáng tác cũng như tác phẩm nghệ thuật. Nhưng công tâm mà nói, vẫn chưa thấy được nhiều những tác phẩm gây ấn tượng mạnh và lâu bền với người xem hay hòa quyện với không gian cảnh quan đô thị...

“Các sáng tác theo xu hướng hiện đại, ảnh hưởng các trường phải ấn tượng, trừu tượng, tối giản... vẫn mang nặng yếu tố hình thức theo kiểu “trình diễn” về bố cục, chất liệu, ngôn ngữ nghệ thuật, tạo ấn tượng lạ mắt cho người xem, nhưng chưa để lại nhiều suy tưởng, thông điệp đến với cuộc sống. Các tác phẩm điêu khắc hoành tráng vẫn mang nặng yếu tố tả thực, cổ động, miêu tả sự kiện, lịch sử... chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố thẩm mỹ tạo hình chung và chưa tạo ra được điểm nhấn cần thiết trong không gian, tạo ra cảm xúc khó quên đối với người dân hay du khách gần, xa” - GS Nguyễn Xuân Tiên tâm tư.

NĐK Phan Tấn Toàn cũng cho rằng, nền điêu khắc Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng, cũng đã có nhiều điểm sáng, những bước chuyển biến và phát triển mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm điêu khắc có xu hướng trưng bày ở không gian ngoài trời, quy mô kích thước lớn, chất liệu bền vững, đa sắc đa diện, ngôn ngữ tạo hình đương đại… Thế nhưng, hạn chế thấy rõ nhất ở chuyên ngành điêu khắc tại TPHCM hiện nay là đang thiếu các tác phẩm trang trí xứng tầm với cảnh quan đô thị.

Một tác phẩm điêu khắc Một tác phẩm điêu khắc

Theo chuyên gia, điêu khắc TPHCM trong giai đoạn 1975 đến nay, đã phát triển không ngừng về số lượng, chất lượng đội ngũ cũng như tác phẩm nghệ thuật, đã thể hiện vai trò tiên phong trên mặt trận văn hóa nghệ thuật và có những đóng góp tích cực, phục vụ các nhu cầu của xã hội trong cả nước, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao. Tuy nhiên, những năm gần đây chuyên ngành điêu khắc TPHCM đang có chiều hướng chất lượng nghệ thuật chững lại so với mặt bằng điêu khắc chung trong cả nước.

NĐK Lê Lang Biên mong muốn, TPHCM nên quan tâm bồi dưỡng cho lực lượng họa sĩ, NĐK trẻ, đầu tư cho các tác giả có năng lực thực sự trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc, nhằm tạo ra các tác phẩm tốt, mang giá trị nghệ thuật cao.

Để phát triển điêu khắc TPHCM, các NĐK cho rằng, cần gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện; đưa tác phẩm điêu khắc tiếp cận với công chúng, gắn kết với không gian công cộng. Theo đó, chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ thuật cần phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Thành phố..., thực hiện các không gian văn hóa nghệ thuật công cộng tạo thành cảnh đẹp của đô thị và điểm đến của du khách. Đưa tác phẩm điêu khắc tiếp cận với công chúng góp phần làm đẹp cảnh quan, nâng cao thẩm mỹ và xây dựng phát triển văn hóa con người Thành phố toàn diện đáp ứng với nhu cầu phát triển bền vững đất nước…

“Cần một định hướng cho quy hoạch phát triển đô thị, mà trong đó phải có những khoảng không gian văn hóa cộng đồng, trong đó không thể thiếu điêu khắc công cộng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa - nghệ thuật”, TS.NĐK Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM đề xuất.
Theo GS Nguyễn Xuân Tiên, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp quản lý, của Hội, của từng cá nhân NĐK để có cái nhìn khách quan, tìm ra nguyên nhân, hướng đi mới, nhằm phát triển điêu khắc TPHCM xứng đáng là trung tâm điêu khắc của Nam bộ, trong cả nước và của khu vực.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo