Diện mạo mới nhất của Chợ Bình Tây - ngôi chợ có tuổi đời lớn nhất TPHCM là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan. (Thanhuytphcm.vn) - Người Hoa – một bộ phận dân tộc thiểu số của Việt Nam có tổ tiên là người Trung Quốc di dân sang Việt Nam, chiếm một bộ phận không nhỏ ở TPHCM. Người Hoa tại TPHCM chủ yếu là thành phần lao động, kinh doanh, buôn bán; sống tập trung các khu vực quận 5, 6, 10, 11. Theo phong tục tập quán, người Hoa thường lập chợ khi đến nơi định cư mới nhằm có chỗ để trao đổi hàng hóa. Chính vì thế tại các quận 5, 6, 10, 11 có rất nhiều ngôi chợ do đồng bào Hoa sáng lập và duy trì cho đến ngày nay.
Có dịp đi đến các ngôi chợ được xem là truyền thống tiêu biểu của cộng đồng Hoa trong những ngày cuối năm Tết đến mới thấy nét độc đáo khi các ngôi chợ đều có lối kiến trúc đặc sắc và mang dáng dấp đặc thù với văn hóa cộng đồng Hoa…
Nằm tại khu trung tâm thương nghiệp của Quận 6, chợ Bình Tây tọa lạc giữa 4 tuyến đường là Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Phan Văn Khỏe - Trần Bình, là đầu mối sỉ hàng hóa lớn của TPHCM. Chợ Bình Tây được thiết kế theo lối kiến trúc Á Đông. Chợ do một thương gia người Hoa tên là Quách Đàm xây dựng vào khoảng năm 1928. Năm 1992, chợ Bình Tây được nâng cấp, sửa chữa lần thứ nhất. Năm 2006, chợ tiếp tục được xây dựng 2 dãy phía đường Trần Bình và Lê Tấn Kế. Năm 2016, chợ Bình Tây được sửa chữa, nâng cấp toàn diện do tiểu thương đóng góp kinh phí. Sau hai năm sửa chữa, ngày 15/11/2018, chợ Bình Tây đã chính thức hoạt động trở lại với hơn 1.400 sạp đủ các mặt hàng phục vụ người dân. Tiểu thương người Hoa hiện chiếm tỷ lệ 25% số lượng hộ kinh doanh tại chợ Bình Tây.
Dù được sửa chữa nâng cấp nhưng chợ Bình Tây mới vẫn được phục chế theo nguyên mẫu mái ngói được xây dựng đầu tiên vào năm 1928. Toàn bộ kiến trúc, đường nét khi sửa chữa hay phục chế đều được Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TPHCM và Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM kiểm định. Chợ Bình Tây đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật.
Khác với chợ Bình Tây, chợ Thiếc là ngôi chợ truyền thống của Quận 11, trong đó tiểu thương người Hoa chiếm hơn 30%. Đây là khu chợ bình dân được giới hạn bởi ba tuyến đường Phó Cơ Điều - Tân Phước và Trân Quý. Chợ Thiếc được thành lập từ năm 1929, chốn mua bán gắn liền với đời sống người dân nơi đây qua nhiều thập kỉ với các mặt hàng như thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng, trong đó nổi bật nhất là khu vực ăn uống và mặt hàng mỹ nghệ kim hoàn.
Mặt trước chợ An Đông. So về mức độ sầm uất ở khu vực này thì không thể không nhắc đến chợ An Đông. Chợ An Đông ngụ trên đường An Dương Vương, Phường 9, Quận 5, mặt sau là đường Hùng Vương. Hai bên là 2 dãy phố chợ đường Nguyễn Duy Dương và đường Yết Kiêu. Chợ An Đông hình thành từ năm 1951 và được xây dựng kiên cố lại năm 1991. Chợ nằm trong trung tâm thương mại An Đông có diện tích 25.000 mét vuông. Đặc biệt nhất ở chợ An Đông là bán các mặt hàng vải, quần áo may sẵn, giày dép nội ngoại đủ hiệu và hàng tiêu dùng, mỹ nghệ. Chợ An Đông mang âm hưởng cổ xưa của Sài thành hoa lệ, chợ không những thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mà còn là điểm đến quen thuộc của hàng ngàn người tiêu dùng mỗi khi đặt chân đến TPHCM.
Một góc chợ Phùng Hưng nằm trên đường Nguyễn Trãi - Phùng Hưng với bao quanh là các khu chung cư đông đúc người Hoa. Một ngôi chợ khá nhỏ nhưng là truyền thống lâu đời không thể bỏ qua là chợ Phùng Hưng, được thành lập năm 1952, thuộc Phường 14, Quận 5. Đây là ngôi chợ điển hình của bà con người Hoa, vị trí giới hạn bởi các tuyến đường Phùng Hưng, Nguyễn Trãi, Lão Tử và Hồng Bàng. Do đặc thù là ngôi chợ nằm trong khu vực đông dân cư người Hoa nên hàng hóa trong chợ hầu hết được chế biến từ các nguyên liệu của người Hoa. Chợ Phùng Hưng còn có các tên gọi khác như chợ Thủ Đô - do nằm cạnh rạp hát Thủ Đô trên đường Châu Văn Liêm, hay chợ “Nhà giàu” vì giá cả ở ngôi chợ này khá đắt đỏ so với các chợ khác. Tuy nhiên đổi lại thì thực phẩm trong chợ lại rất tươi ngon và chất lượng. Do tính đặc thù là chợ nhỏ và cũng đã trở thành nét truyền thống lâu đời, chợ Phùng Hưng chỉ bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả vào buổi sáng, sau 12 giờ các tiểu thương dọn dẹp sạch sẽ, trả lại toàn bộ không gian cho những hàng quán thức ăn chế biến sẵn... Do đó nếu không biết quy định này, nhiều người đến chợ sẽ bị ngỡ ngàng với sự thay đổi khá lạ kỳ của khu chợ.
Cùng với các ngôi chợ tiêu biểu nói trên, nằm trong khu vực có đông đúc người Hoa sinh sống còn có các ngôi chợ khác như chợ Kim Biên, Xã Tây… Ngày nay, dẫu cuộc sống hiện đại, các khu trung tâm thương mại có mọc lên sầm uất, việc kinh doanh mua bán trên mạng ngày càng tấp nập và thuận tiện,… nhưng thói quen đi chợ, tập quán mua sắm dịp Tết trong các ngôi chợ truyền thống vẫn duy trì, đó là nét văn hóa đặc sắc của người dân Sài Gòn nói chung và cư dân Hoa tại TPHCM nói riêng. Chính những khu chợ truyền thống mới là chốn lưu giữ trọn vẹn nhất nếp sống cùng cung cách sinh hoạt của người dân nơi đây. Cùng với các ngôi chợ nói trên và hàng trăm ngôi chợ khác nhau ở khắp các quận huyện, mỗi nơi một bản sắc mang đến một gam màu riêng biệt điểm tô cho bức tranh văn hóa của thành phố trở nên đa dạng hơn.