Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung toàn diện, xuyên suốt, phải được đồng bộ, liên thông

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Phát biểu kết luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” tại khu vực miền Nam do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 23/6, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, mỗi một giai đoạn có một yêu cầu khác nhau. Vì vậy quá trình đổi mới là quá trình liên tục để phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn lãnh đạo của Đảng.

Theo Ban Tổ chức Hội thảo, để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ khóa XIII nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, trình Hội nghị Trung ương 6 thảo luận, cho ý kiến. Đây là một đề án rất quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Thực hiện kế hoạch triển khai Đề án, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X; Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã khảo sát tại 27 tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban xây dựng Đảng ở Trung ương. Thực hiện Kế hoạch này, Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức với mục đích làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng được gắn liền từ khi Đảng được thành lập. Phải có phương thức hiệu quả nhất để vận hành mới làm lên thành công của cách mạng. Thành tựu của hơn 35 năm đổi mới của nước ta nhìn lại chúng ta thấy phương thức lãnh đạo của Đảng đóng góp rất quan trọng vào thành tựu này. Hơn 35 năm đổi mới, đã bổ sung được nhiều vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn. Qua đó, góp phần nâng cao được năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Quan trọng hơn hết đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng với sự phát triển của đất nước.

Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, năm 2007, Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Nghị quyết nhấn mạnh đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhằm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội; gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Đan Như) Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Đan Như)

Đồng chí Trương Thị Mai thông tin, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” tại khu vực miền Nam có 11 đại biểu phát biểu xung quanh 9 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Trong đó, các ý kiến thảo luận về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và cách thức ban hành các văn bản liên quan đến chủ trương của Đảng để từ việc ban hành đến tổ chức thực hiện có hiệu quả. Cùng với đó là tối ưu hóa được phương thức lãnh đạo của Đảng cho quá trình nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Cách thức tổ chức bộ máy phải phù hợp với quá trình vận hành mô hình của từng địa phương, đơn vị. Song song đó là nâng cao năng lực thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật. “Liên quan đến đội ngũ cán bộ, chúng ta mong muốn làm sao có được đầu ra đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu của Đảng. Tuy nhiên hiện nay, khâu đánh giá cán bộ vẫn được cho là còn hạn chế. Cần tìm thêm cơ chế để đánh giá cho đảm bảo hơn.” - đồng chí Trương Thị Mai chia sẻ.

Cũng theo đồng chí Trương Thị Mai, tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận các nội dung liên quan đến quy tắc tập trung dân chủ; nội dung phân cấp, ủy quyền, phân công. Các ý kiến đã nêu lên những việc cấp trung ương, cấp địa phương; cấp tỉnh, huyện, xã cần thực hiện để tiếp tục được rà soát, hoàn thiện việc phấn cấp, ủy quyền, phân công. Đối với nội dung đổi mới phong cách lề lối làm việc, đồng chí Trương Thị Mai cho hay các đại biểu nói nhiều về cải cách hành chính trong Đảng. “Trước quá trình chuyển đổi số, Đảng không thể đứng ngoài cuộc được mà phải tích cực, có khi phải dẫn đầu để tiếp tục cải cách hành chính trong Đảng.” - đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội thảo đã đề cập đến việc đổi mới cách tiếp cận để có khả năng đưa công tác lãnh đạo của Đảng sát thực tiễn nhanh hơn. Quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, cần nhuần nhuyễn trong toàn bộ các phương thức lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung toàn diện, xuyên suốt, phải được đồng bộ, liên thông. Đó là quá trình trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng và cũng là quá trình tiếp tục hoàn thiện, đổi mới để đưa cho được đường lối chủ trương của Đảng vào cuộc sống thông qua thể chế, thông qua cụ thể hóa, thông qua tuyên truyền vận động, thông qua thiết kế tổ chức bô máy hợp lý, thông qua bộ máy cán bộ của mình, thông qua kiểm tra giám sát. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong có chế Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. “Mỗi một giai đoạn có một yêu cầu khác nhau. Vì vậy quá trình đổi mới là quá trình liên tục để phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn lãnh đạo của Đảng.” - đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo