Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Giữ ổn định kỳ thi năm 2024 như giai đoạn 2020 - 2023

Hội nghị tổng kết công tác thi tốt nghiệp THPT 2023

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 20/9, hội nghị tổng kết công tác thi tốt nghiệp THPT 2023, triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT 2024 được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tại Hà Nội.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT báo cáo về công tác tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã nhấn mạnh, kỳ thi được tổ chức thành công, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2023 là 98,88%. Từ kết quả kỳ thi cho thấy kỳ thi ổn định và dần dần đã có những cải tiến để tốt hơn. Đây là kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả để xét tuyển.

Những hạn chế, bất cập được ông Chương nêu ra để khắc phục trong thời gian tới là trong quá trình coi thi, còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại trong khu vực thi) và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình khi coi thi; việc điều động giảng viên, giáo viên thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác ra đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi; một số sở GD-ĐT chưa thực sự chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, vẫn còn tình trạng xin ý kiến Bộ GD-ĐT những công việc thuộc phạm vi và thẩm quyền của các sở GD-ĐT. Nhìn chung, công tác in sao, vận chuyển đề thi; phòng chống gian lận công nghệ cao… cần được làm tốt trong kỳ thi tuyển sinh năm 2024 cũng như các năm tới.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn giữ ổn định trong năm 2024. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2024 sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Ban Cơ yếu chính phủ để hoàn thiện phương án vận chuyển đề thi qua hệ thống cơ yếu.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cũng công bố nội dung bước đầu của phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025. Theo đó, mục đích tổ chức thi là nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Về môn thi, tổ chức thi theo môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, có một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn.

Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Hình thức thi Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực. Về thời gian tổ chức thi, Bộ GD-ĐT quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung) thống nhất trong cả nước, nhưng sẽ tập trung vào tháng 6, khoảng từ 20 đến 30/6. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.

Về phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện, giai đoạn 2025 - 2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời, tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT. Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của bộ.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trong thời gian sớm nhất.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh kỳ thi thành công nhờ phương châm “4 đúng, 3 không” đã được thực hiện tốt, phù hợp, đáp ứng yêu cầu đề ra. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức”.

Bên cạnh đó, bài học kinh nghiệm còn thể hiện ở sự chủ động của địa phương, đặc biệt là các sở GD-ĐT; công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa ban chỉ đạo các cấp; công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác chuyên môn với những đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, những điều chỉnh nhỏ mang lại hiệu quả lớn như điều chỉnh về phương pháp, thời gian truy cập kết quả thi…

Với tinh thần giữ ổn định kỳ thi năm 2024 như giai đoạn 2020-2023, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát, xem xét để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế, khắc phục được những khó khăn, hạn chế của kỳ thi các năm trước. Về phương án thi từ năm 2025, Thứ trưởng lưu ý các địa phương trong việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh để các em không quá lo lắng. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tích cực triển khai hoàn thiện phương án, làm kỹ lưỡng với phương châm: gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém, có lộ trình, có đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu. Thứ trưởng mong muốn lãnh đạo các sở GD-ĐT sẽ tiếp tục làm tốt công tác định hướng chuyên môn trong việc dạy và học tới các nhà trường, giáo viên, bởi “nếu dạy tốt, học tốt thì phương thức nào cũng sẽ sẵn sàng”.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo