Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến đối với 8 dự án luật

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 26/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Hội nghị chuyên trách lần thứ 5 diễn ra trong 2,5 ngày, các đại biểu cho ý kiến đối với 8 dự án luật, bao gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp 969 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, 30 ý kiến bằng văn bản về những vấn đề lớn, căn bản và nhiều điều khoản cụ thể của 8 dự án luật trên. Trên cơ sở đó, trong các phiên họp thường kỳ tháng 2 và tháng 3/2024, UBTVQH đã xem xét, kết luận về việc tiếp thu, chỉnh lý đối với từng dự án luật; thống nhất chỉnh lý nhiều nội dung so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này. Đến nay, các dự án luật trình tại hội nghị đã được chỉnh lý tương đối toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục xem xét cơ sở chính trị của các dự thảo Luật; tránh tình trạng khi đến giai đoạn trình thông qua lại quá chú trọng đến vấn đề kỹ thuật, biên tập. Trước tiên, cần xem xét đến nay đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa một cách nghiêm túc, sát với các chủ trương của Đảng đối với từng vấn đề hay không; xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các công ước, hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cùng với đó, cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau hoặc phương án khác nhau; rà soát những vấn đề liên quan đến áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trong 8 dự án luật trình lần này có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có chính sách đặc thù, vượt trội khác với quy định của luật hiện hành. Để giải quyết vấn đề có những quy định khác với hiện hành thì cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã đề xuất và được UBTVHQ đồng tình để quy định tại điều khoản về áp dụng pháp luật. Đây là việc khó, khá phức tạp để khi ban hành bảo đảm được tính khả thi, không làm chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quá trình xây dựng các dự án Luật trên cũng như xây dựng luật pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay cần tiếp tục quán triệt nguyên tắc Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, đối với những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, có sự đồng thuận, thống nhất cao thì quy định ở trong luật; những vấn đề chưa chín, chưa đủ rõ, còn có ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu; những vấn đề thực sự cấp bách nhưng cũng chưa có sự thống nhất cao, nếu có sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì nghiên cứu để có bước đi phù hợp.

Toàn cảnh hội nghị Toàn cảnh hội nghị

Trong sáng 26/3, hội nghị đã cho ý kiến về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Các đại biểu tập trung cho ý kiến một số nội dung về nguyên tắc áp dụng pháp luật, tổ chức chính quyền đô thị, quản lý không gian ngầm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, phát triển kiên định theo hướng giao thông công cộng, thực hiện hợp đồng xây dựng chuyển giao và liên kết phát triển vùng...

Đáng chú ý, dự thảo luật đã phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố Hà Nội để chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế...

Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để Thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền thành phố, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Thảo luận về nội dung này, các ý kiến cho rằng dự thảo Luật cho phép được áp dụng cơ chế thử nghiệm ở tất cả các lĩnh vực, nghĩa là mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TPHCM trong Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), do đó cần tiếp cận theo hướng thận trọng. Một số đại biểu cho rằng nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND Thành phố quyết định, vì theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là tài chính, ngân hàng; giáo dục; y tế…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo